Đây là bài viết thứ 2 và cũng là bài viết cuối cùng trong loạt bài “Những điều cần nhớ khi chọn tai nghe chơi game”. Qua loạt bài này, người viết hy vọng có chia sẻ được những kiến thức bổ ích cho những bạn mới bắt đầu tìm hiểu về tai nghe chơi game.

Tai nghe Sennheiser GSP 600
GSP 600 – Chiếc tai nghe chơi game cao cấp của Sennheiser

Ở bài viết trước, chúng ta đã làm rõ được việc khi bạn có nhu cầu gì thì bạn sẽ cần một chiếc tai nghe như thế nào. Ở kì này, chúng ta sẽ đi chi tiết hơn một chút, hướng dẫn các bạn chọn một chiếc tai nghe sao cho ưng ý nhất

Những chi tiết quan trọng trên một chiếc tai nghe

Đệm tai

Người viết sẽ nhắc đến chi tiết đệm tai đầu tiên vì nó chính là phần mà bạn áp tai vào. Tính chất và độ hoàn thiện của phần này sẽ đóng vai trò thứ yếu trong việc tạo nên cảm giác đeo của chiếc tai nghe đó.

  • Chất liệu bọc: Tùy theo nhu cầu mà bạn sẽ chọn chất liệu bọc đệm tai cho phù hợp. Hiện tại có 2 chất liệu bọc chính là vải lưới và da nhân tạo. Vải lưới sẽ tạo cho bạn cảm giác thoáng mát, hạn chế cảm giác nhớp nháp khi đổ nhiều mồ hôi, tuy nhiên, chất liệu này có khả năng cách âm khá kém. Da nhân tạo thì ngược lại, chất liệu này thường sẽ cho cảm giác đeo êm dịu hơn nhưng sẽ khá khó chịu khi bạn ra mồ hôi nên chỉ thích hợp khi sử dụng trong môi trường mát mẻ.
Hình ảnh có liên quan
Đệm tai bọc vải lưới cho dòng Arctis của Steelseries
  • Độ mềm: Nếu bạn nghĩ đệm tai nghe càng êm càng tốt thì bạn lầm rồi đấy. Độ êm, mềm của đệm tai nghe phụ thuộc vào phần mút độn bên trong. Độ êm lý tưởng là khi bạn đeo tai nghe vào, đệm tai nghe phải đủ mềm để phân bố toàn bộ lực ôm xung quanh vành tai của bạn, đồng thời cũng phải đủ cứng để giữ cho tai bạn không bị cấn vào phần driver bên trong củ tai.
  • Độ dày: phần đệm tai nghe càng dày, bạn đeo vào sẽ càng êm nhưng đồng thời cũng rất mau bị bí, nóng và ù tai. Độ dày hợp lý là độ dày đủ để bạn có cảm giác thoải mái nhưng vẫn không gây ra sự khó chịu khi đeo thời gian dài.
  • Độ rộng: Tùy theo kích thước vành tai, bạn sẽ chọn một chiếc tai nghe có phần đệm tai với kích thước phù hợp.

Đệm đầu và gọng tai nghe

Một số mẫu tai nghe có phần đệm và phần gọng được gộp chung. Số khác tại tách ra 2 phần riêng biệt. Khi lựa chọn tai nghe, ở phần đệm đầu thì bạn không cần suy nghĩ nhiều như phần đệm tai, chỉ cần đeo thử thấy ổn là được.

Gigabyte Aorus H5 – Một trong những chiếc tai nghe có phần đệm tai tách hẳn khỏi phần gọng.

Tuy nhiên vẫn có một số điều mà bạn cần biết:

  • Lực ép: Thông thường thì lực ép của một chiếc tai nghe sẽ có tỉ lệ thuận với độ mềm của phần đệm tai. Đệm tai càng cứng thì lực ép sẽ càng chặt và ngược lại (đúng với đa số trường hợp). Những chiếc tai nghe có phần đệm tai cứng và lực ép chặt sẽ cho cảm giác đeo chắc chắn hơn, nhưng đồng thời sẽ không cho cảm giác đeo thoải mái bằng những chiếc tai nghe có đệm tai mềm và lực ép nhẹ.
Corsair HS60 7.1 – Chiếc tai nghe này có lực ép vừa phải và chất âm tuyệt vời
  • Thiết kế: Những chiếc tai nghe có phần đệm đầu tách hẳn khỏi phần gọng thường sẽ cho cảm giác phân bố khối lượng của chiếc tai nghe được đồng đều hơn. Những chiếc tai nghe gộp chung 2 phần thành 1 thường nhẹ và gọn gàng hơn.
  • Chất liệu gọng tai nghe: Chất liệu của gọng tai nghe sẽ được làm từ nhựa hoặc kim loại. Kim loại có độ bền vật lý lớn hơn nhựa nhiều nhưng cũng sẽ nặng hơn đáng kể.

Khớp củ tai

Phần khớp của củ tai có vai trò làm cho củ tai linh hoạt hơn, giúp đệm tai áp sát và phân bố lực đều hơn trên khu vực xung quanh vành tai. Một số mẫu tai nghe có khớp củ tai xoay được với góc rất rộng, có thể lên đến hơn 100 độ, giúp người dùng có thể sử dụng một cách linh hoạt hơn

SteelSeries Arctis 5 (White Edition) – Một trong những dòng tai nghe có khớp xoay được đến hơn 100 độ, bạn có thể vắt chiếc tai nghe này lên cổ một cách dễ dàng vì phần củ tai sẽ áp sát vào người bạn.

Phần mềm và hệ thống giả lập 7.1

Về phần mềm, những chiếc tai nghe của những hãng lớn như Logitech, Razer, Corsair, Steelseries đều sẽ được trang bị phần mềm tinh chỉnh âm thanh khá chi tiết kèm theo, cho bạn rất nhiều không gian để vọc vạch và trải nghiệm. Và thông thường thì người dùng cơ bản cũng sẽ không sử dụng hết tính năng trên những phần mềm này.

Phần mềm Razer Surround giúp bạn dễ dàng bật giả lập 7.1 trên một chiếc tai nghe bình thường.

Về vấn đề giả lập 7.1, bạn không cần quá đặt nặng vấn đề một chiếc tai nghe có giả lập 7.1 hay không vì dù sao thì chiếc tai nghe đó vẫn chỉ có 2 driver chứ không phải 7.1 thật. Hệ thống giả lập 7.1 sẽ cho bạn cảm giác không gian âm thanh rộng lớn hơn, choáng ngợp hơn. Nếu muốn được trải nghiệm hiệu ứng giả lập 7.1, bạn cũng không cần phải mua một chiếc tai nghe được hỗ trợ sẵn 7.1, hiện nay đã có những phần mềm giả lập 7.1 giúp bạn trải nghiệm hiệu ứng này trên những chiếc tai nghe stereo 2.0 thông thường.

Bước cuối: Chọn tai nghe

Sau khi đã làm rõ được nhu cầu của mình và những điểm quan trọng cần lưu ý của một chiếc tai nghe, đây là lúc mà bạn có thể cân nhắc để đưa ra quyết định phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.

Sau đây người viết sẽ đưa ra những trường hợp cụ thể, gần với thực tế để giúp cho bạn đọc hình dung rõ hơn:

  • Ví dụ 1: Bạn là một người thường chơi game và voice chat trong tiệm net thì bạn sẽ cần một chiếc tai nghe có khối lượng nhẹ, cảm giác đeo thoáng mát khi đeo thời gian dài và mic phải lọc nhiễu tương đối tốt. Đề xuất các mẫu HyperX Cloud Stinger.
  • Ví dụ 2: Bạn thường mang tai nghe đi khắp nơi, sử dụng với nhiều thiết bị trên những nền tảng khác nhau thì bạn sẽ cần một chiếc tai nghe có thiết kế tinh tế và hài hòa, có khả năng tương thích đa nền tảng. Đề xuất Logitech G433, dòng tai nghe Arctis của Steelseries.
  • Ví dụ 3: Bạn thường sử dụng tai nghe trong phòng có điều hòa và thích nghe nhạc mạnh như Rock và EDM thì bạn nên chọn một chiếc tai nghe có Bass khỏe, cách âm tốt. Đề xuất Razer Kraken Pro V2.
  • Ví dụ 4: Bạn không chỉ chơi game hay nghe nhạc và bạn cần một chiếc tai nghe có thể cần bằng tốt giữa các dải âm. Đề xuất: Dòng HS của Corsair.

Sau 2 bài viết này, người viết hy vọng có thể cung cấp được những kiến thức cơ bản để những bạn mới bắt đầu tìm hiểu về tai nghe chơi game có thể bớt bỡ ngỡ hơn. Tuy nhiên, những gì bạn biết được khi đọc bài viết này sẽ chỉ phát huy hiệu quả tối đa khi bạn có điều kiện để trải nghiệm trước khi lựa chọn tai nghe mà thôi.

Vì thế nên người viết vẫn sẽ xin được khuyên một câu chân thành như tất cả những bài review, hướng dẫn về gaming gear trước đây, rằng: Nếu bạn có thể, bạn nên đến GEARVN hoặc hoặc ít nhất là những showroom có sẵn hàng cho bạn trải nghiệm trước khi mua. Vì chỉ có trải nghiệm của bản thân bạn mới là câu trả lời chính xác nhất.

Nguồn: GEAVN (Axium Fox)