Theo nghiệp eSport luôn là giấc mơ của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam, đó là một giấc mơ hào nhoáng và đẹp đẽ khi mà họ có thể sống hết mình với đam mê mà không phải trả bất kỳ một cái giá nào cả. Theo nghiệp eSport khó thì ai cũng biết, nhưng khó đến mức độ nào thì chẳng mấy ai có thể thực sự hiểu nếu không chính mình trải nghiệm hoặc được sự chia sẻ của những người trong cuộc. Tất cả những gì chúng ta thấy về một tuyển thủ chỉ là một phần rất nhỏ trong thế giới của eSport, phần còn lại mới là những thứ chủ yếu mà bạn phải đổi mặt nếu muốn trở thành một tuyển thủ chuyên nghiệp. Và tin mình đi, nó đủ tàn khốc và nghiệt ngã để những người nhiệt huyết nhất tự vấn bản thân mình rằng “thật ra đam mê là gì?” đấy.

Nếu anh em đã sẵn sàng thì chúng ta sẽ có một bài viết khá dài về con đường mà một tuyển thủ eSport phải đi qua. Hi vọng có thể cung cấp được cái nhìn toàn diện hơn cho anh em về những con người đã công hiến hết những tháng ngày thanh xuân đẹp đẽ nhất cho đam mê của mình.

Khởi đầu gian nan

Nhắc đến tuyển thủ eSport không chỉ là nhắc đến những con người kiệt xuất. Vinh quang của họ không phải tự nhiên mà có, đằng sau đó là những nỗ lực phi thường. Trên con đường của họ là vô vàn những trở ngại về thời gian, gia đình, tiền bạc, xã hội… nhưng đối với họ, chúng không là gì cả, họ chỉ cần một giấc mơ thôi.

Hầu hết các tuyển thủ eSport đều bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ khi còn rất trẻ (thường là dưới 18 tuổi), khi mà họ vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường và dưới sự giám sát của phụ huynh. Theo đuổi sự nghiệp eSport chính là tạm gác chuyện học hành cũng như mọi thứ khác sang một bên để có thể tiến đến gần hơn đến một giấc mơ vốn dĩ đã rất xa vời. Vì chỉ khi còn rất trẻ, khi mà tốc độ phản ứng của bạn đang ở phong độ đỉnh cao trong cuộc đời thì bạn mới có thể cạnh tranh được với những người giỏi nhất, mạnh nhất.

*Từ trái sang phải là Sofm, Levi và Zeros – 3 cái tên nổi bật trong bộ môn LMHT, đều xuất thân từ khu vực VCS… Tất cả họ đều được chiêu mộ từ khi còn rất trẻ.

Tạm thời bỏ qua chuyện làm sao để có thể chứng minh được khả năng của mình trước các đội tuyển và nhà tài trợ, chỉ riêng việc thuyết phục được phụ huynh cho phép mình tạm thời gác chuyện học hành lại để theo đuổi đam mê cũng đã là cả một vấn đề rồi. Để làm được điều đó, bạn phải nỗ lực, phải đấu tranh để chứng minh cho họ thấy rằng bạn có khả năng và có thể tìm lấy một tương lai mới, tốt đẹp hơn. Bạn cũng phải làm cho người thân mình hiểu được tuyển thủ eSport là một nghề thực sự, là lành mạnh và được thế giới thừa nhận.

Và nếu bạn đã có được một khởi đầu suôn sẻ (hoặc cuối cùng nó cũng suôn sẻ) thì vẫn sẽ còn rất nhiều, rất nhiều những thử thách đang chờ đợi bạn.

Những chặng đường dài

Để trở thành một tuyển thủ chuyên nghiệp, bạn sẽ có 2 con đường chính: một là đi một mình cho đến khi đội tuyển nào đó phát hiện ra và chiêu mộ bạn, 2 là thành lập một đội tuyển eSport và tự tạo ra cơ hội.

Đi một mình và tìm kiếm cơ hội:

bất kỳ tựa game eSport nào cũng có một bảng xếp hạng những người chơi có hiệu suất chơi game cao nhất. Và việc của bạn là làm sao để lọt vào bảng xếp hạng danh giá này. Không cần biết bạn bỏ bao nhiêu thời gian để luyện tập, bạn phải đầu tư bao nhiêu tiền bạc để phát triển khả năng của mình, nếu bạn không thể lọt vào top những người giỏi nhất thì mọi chuyện sẽ gần như là vô nghĩa. Các đội tuyển chỉ săn tìm những giỏi nhất, đỉnh nhất mà thôi.

Đây là con đường mà game thủ vĩ đại nhất mọi thời đại – Faker đã chọn. Anh bắt đầu chơi Liên Minh Huyền Thoại từ năm 2012 và nhanh chóng đạt đến 2536 ELO –cao hơn hầu hết các tuyển thủ LMHT chuyên nghiệp ở Hàn Quốc lúc bấy giờ. Với tỉ lệ thắng khủng khiếp cùng vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng đơn, anh đã được SK Telecom chiêu mộ vào tháng 2 năm 2013 với tư cách là một tuyển thủ chuyên nghiệp. Và đó chính là khởi đầu cho một huyền thoại mà chúng ta vẫn thường gọi tên.

lập một đội tuyển eSport và tự tạo ra cơ hội:

Nếu bạn có thể tìm kiếm và thuyết phục được những game thủ thực sự giỏi vào đội của mình thì bạn có thể nghĩ đến con đường này. Tuy nhiên một đội tuyển chỉ có những thành viên giỏi thôi là chưa đủ, các bạn còn phải có được sự ăn ý với nhau để có thể phát huy thế mạnh của từng người, từ đó khai thác được tối đa sức mạnh của tập thể. Từng cá nhân cũng phải nỗ lực hết mình nếu không muốn bị tuột lại phía sau sự tiến bộ của cả đội.

Chưa hết, để có thể tập trung cho sự nghiệp eSport, bạn sẽ cần phải có lượng kinh phí nhất định đủ để duy trì hoạt động của team. Không cần biết bạn làm như thế nào, có thể là xin tài trợ, có thể bạn tự bỏ vốn ra, có thể kiếm tiền bằng cách stream game… nhưng chắc chắn một nguồn kinh phí để duy trì là điều bắt buộc phải có. Ai cũng vậy, phải sống được trước thì người ta mới có thể nghĩ đến đam mê.

Một ngày nào đó, nếu bạn chứng minh được khả năng của team mình với các nhà tài trợ, cho họ thấy được rằng các bạn có tiềm năng và có thể sinh lời cho họ thì lúc đó, họ sẽ rót vốn vào để “nuôi” các bạn, cho các bạn một nguồn thu nhập ổn định. Đây là giai đoạn mà các bạn có thể được gọi là những game thủ, tuyển thủ chuyên nghiệp.

Một người, một đội tuyển, muốn từ những người chơi bình thường, từ những kẻ vô danh trở thành những tuyển thủ chuyên nghiệp không phải chỉ cần bản thân giỏi là đủ, đó là cả một con đường dài mà bạn phải đi.

Nỗ lực phi thường

Để đi trên con đường của tuyển thủ eSport chuyên nghiệp, giỏi và nhiều tiền vẫn là chưa đủ, bạn còn cần phải có những nỗ lực phi thường. Người viết xin được dùng lại một đoạn văn mà mình đã từng viết trong bài viết về cuộc sống trong gaming house:

Một ngày làm việc trong gaming house diễn ra rất khác với những công việc phổ thông mà bạn có thể làm theo giờ hành chính. Vì tính chất công việc đặc biệt nên bạn sẽ gần như sẽ phải luyện tập suốt cả ngày đêm. Nghe thì có vẻ dễ dàng, đặc biệt là với những anh chàng/cô nàng thích chơi game. Nhưng đó là khi bạn chơi game vì mục đích đơn thuần là giải trí. Nếu chơi game trở thành công việc chính của bạn thì mọi chuyện sẽ khác rất nhiều.

Nếu đã có thể chứng minh được thực lực cho các nhà tài trợ, các đội tuyển, được họ chiêu mộ, rót vốn thì bạn đã có thể xem là tuyển thủ chuyên nghiệp rồi đấy. Cuộc sống của bạn lúc này chỉ xoay chủ yếu xoay quanh 3 việc: ăn, ngủ và luyện tập. bạn sẽ gần như không còn thời gian để đầu tư cho bất cứ chuyện gì khác. Đây là thứ áp lực đã khiến cho rất nhiều người phải từ bỏ con đường trở thành tuyển thủ.

Anh Dương Vi Khoa – Một cựu tuyển thủ Counter-Strike, hiện đang là Chủ tịch VIRESA (Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam) đã từng chia sẻ với các bạn trẻ trong một buổi talkshow như thế này: “Hồi đó tụi anh luyện tập 12 tiếng một ngày, một tháng không bỏ ngày nào hết”, “Một khi đã bắt đầu theo đuổi thì các bạn sẽ phải đặt eSport lên hàng đầu, trên tất cả mọi thứ. Nếu không làm được chuyện đó thì các bạn sẽ chẳng đi được đến đâu cả”, “Khi theo cái nghề này, các bạn đừng nghĩ đến tiền, hãy nghĩ cách làm sao cho bản thân mình thật giỏi trước đã, khi đó thì tiền nó sẽ tự nhiên đến với các bạn”.

Anh Dương Vi Khoa

Đã có không biết bao nhiêu con người đã từng muốn trở thành những tuyển thủ chuyên nghiệp nhưng những người có thể thành công trên con đường đó chỉ có một vài phần trăm trong số họ mà thôi. Esport là một chiến trường rất khắc nghiệt, đó là vũ đài của những con người giỏi nhất, cố gắng nhất và cũng có chút gì đó gọi là may mắn nữa.

Những chiến trường khốc liệt

Nếu bạn đã có một đội tuyển eSport thực sự của mình rồi thì việc tiếp theo bạn phải làm là chứng minh sức mạnh của mình cho thế giới thấy. Và chỉ có một cách duy nhất để làm được việc đó – Chiến đấu và chiến đấu không ngừng.

Hầu hết những tuyển thủ hàng đầu trong nước đều “xuất thân” từ những quán net “cỏ” như thế này

Bạn sẽ cùng với đội tuyển của mình tham gia vào những giải đấu từ nhỏ như những giải đấu của phòng net cho đến những giải đấu lớn của các nhà tài trợ. Việc các bạn phải làm lúc này là chiến đấu và liên vượt qua những đội tuyển khác bằng khả năng của mình, gầy dựng danh tiếng trong cộng đồng người hâm mộ và chứng minh năng lực của team bạn cho các nhà tài trợ thấy.

Sẽ có cả một con đường rất dài với đầy những chông gai thử thách mà các bạn phải vượt qua. Đầu tiên, khi còn chưa có tên tuổi thì các bạn sẽ chơi trong những giải đấu nhỏ lẻ mang tính tự phát để chứng minh năng lực của mình, tiếp theo sau đó là liên tục chiến thắng trong những giải đấu ngày một lớn để có thể đi xa hơn. Để làm được điều đó, chỉ giỏi thôi là chưa đủ, ngoài kia vẫn sẽ còn rất nhiều người giỏi hơn bạn và họ vẫn đang luyện tập để ngày một giỏi hơn. Hầu hết các đội tuyển eSport sẽ dừng bước và tan rã ở giai đoạn này. Chỉ những người giỏi nhất, những tập thể mạnh nhất mới có thể thành công. Thế giới eSport là vũ đài của những cá nhân kiệt xuất nhất, không có chỗ cho kẻ số 2.

Nếu bạn may mắn được một đội tuyển danh tiếng nào đó phát hiện và chiêu mộ từ sớm thì con đường của bạn sẽ đỡ vất vả hơn đôi chút. Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ phải tiếp tục cố gắng hết mình để theo kịp những người đồng đội vốn đã vô cùng ưu tú, rồi cùng với họ, hướng đến những mục tiêu xa hơn.

Con đường vinh quang

Game thủ chuyên nghiệp không chỉ đơn giản là những người được trả tiền để chơi game. Họ là những con người đã dũng cảm vươn lên, ôm lấy những giấc mơ xa vời. Họ đã sống trọn từng phút giây của tuổi trẻ với nhiệt huyết và đam mê. Từng người trong số họ đều phải vượt qua những chặng đường dài bằng những nỗ lực phi thường để cuối cùng, có thể chạm đến giấc mơ đó.

Họ được sống với đam mê và được trả lương cho điều đó. Họ được sống trong những gaming house hoành tráng cùng những người đồng đội xuất chúng. Họ trở thành những ngôi sao thực sự và nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của hàng triệu người hâm mộ thể thao điện tử trên toàn thế giới… Một tuyển thủ chuyên nghiệp sẽ có cuộc sống huy hoàng không hề thua kém bất kì ngôi sao giải trí nào.

Một khi đã vượt qua được vô vàn những chông gai, thử thách trong sự nghiệp eSport, trở thành một tuyển thủ chuyên nghiệp đúng nghĩa thì họ có quyền được nếm trải thứ quả ngọt mà biết bao người khát khao nhưng không thể chạm đến. Đây là thời kỳ hoàng kim của một tuyển thủ, là những hình ảnh mà chúng ta thấy về họ trên khắp các phương tiện truyền thông. Chính những hình ảnh này đã biến việc làm tuyển thủ eSport chuyên nghiệp trở thành ước mơ của rất nhiều bạn trẻ.

Bên kia ngọn đồi

Không có con đường nào là vô tận cả, cho dù chông gai trắc trở hay êm ái nhẹ nhàng thì nó cũng phải có một điểm kết. Và con đường của một tuyển thủ eSport cũng vậy.

Các tuyển thủ, từ lúc bắt đầu thi đấu trong những giải đấu lớn nhỏ để thể hiện bản thân cho đến khi trở nên chuyên nghiệp là một con đường đầy rẫy chông gai. Từ khi họ có được thu nhập cho đến lúc leo lên đến đỉnh vinh quang thì con đường thì con đường này sẽ cho họ những kết quả ngọt ngào, và đó là đoạn đường mà ngay lúc này, có rất nhiều người đang ngày đêm nỗ lực để có thể chạm tới. Vậy, nếu đã đi hết đoạn đường đó, chạm đến đỉnh vinh quang rồi thì liệu điều gì sẽ chờ đợi họ ở phía bên kia?

Kkoma – Sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu của mình, anh đã đầu quân cho SKT T1, trở thành huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử eSport với 3 lần dẫn dắt đội tuyển của mình vô địch thế.

Tuổi nghề của một tuyển thủ eSport rất ngắn. Ai trong chúng ta cũng phải lớn lên rồi già đi, và các tuyển thủ cũng vậy. Họ không thể thi đấu ở phong độ đỉnh cao mãi được. Cho dù giỏi đến thế nào đi chăng nữa, cũng sẽ có một ngày họ phải nhường lại vũ đài rực rỡ này cho những người trẻ hơn, nhanh nhẹn và mạnh mẽ như khi xưa họ đã từng.

QTV – Sau thời gian thi đấu chuyên nghiệp, anh đã có một cơ ngơi vững chắc với hệ thống phòng net QTV Center.
Izumin – Từng có một thời gian thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo Saigon Joker, sau khi giải nghệ, anh đã từng làm BLV cho VETV. Hiện tại anh đã có một cuộc sống đáng mơ ước đối với bất kỳ game thủ nào.
BaRoiBeo – Anh này có một sự nghiệp thi đấu eSport không mấy nổi bật nhưng lại nhưng lại cực kỳ thành công với vai trò là một streamer

Một số ít người nổi bật trong số họ sau khi giải nghệ sẽ trở thành những cái tên lớn trong làng eSport và có được một cuộc sống như mơ với những gì mà họ đã làm được khi còn trẻ. Số còn lại ít nổi tiếng và ưu tú hơn sẽ phải bắt đối mặt với một sự nghiệp vẫn còn dang dở mà họ đã từng bỏ lại để theo đuổi đam mê, sẽ chẳng còn ai nhớ đến họ cả, những gì họ có chỉ là một xuất phát điểm muộn màng mà thôi. eSport vốn và vẫn sẽ luôn khắc nghiệt như vậy đấy!

Kết

Con đường của những game thủ chuyên nghiệp không trải đầy hoa, những gì mà chúng ta thấy chỉ là đoạn đường vinh quang nhất của họ mà thôi. Và để được đi trên đoạn đường đó, họ đã phải cố gắng rất nhiều và cũng trả giá rất nhiều. Việc

Phía sau ánh hào quang rực rỡ của những tuyển thủ eSport chính là cả một quá trình nỗ lực phi thường và liên tục phá vỡ những giới hạn vốn có của bản thân. Họ đã cố gắng từng giờ từng phút để ngày một tiến gần hơn tới những giấc mơ xa vời, để tiến bước vững vàng hơn trên con đường mình đã chọn, để sống trọn từng phút giây của tuổi trẻ. Và hơn thế nữa, họ đã, đang và sẽ cống hiến cả thanh xuân mình cho nền eSport ngày một lớn mạnh hơn.

Nguồn: GEARVN (Axium Fox)