Có thể thể anh không giàu có, cũng không quá nổi tiếng, nhưng chính tay anh đã viết nên một trang sử mới cho thể loại game FPS, tạo tiền đề cho eSport phát triển và làm cho thế giới game thay đổi mãi về sau.

Lê Minh – Người đã đặt nền móng cho Counter Strike. Ảnh: PearLabByss.

Hơn 20 năm về trước, vào tháng 1 năm 1999, khi mà Britney Spears đang thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc với đĩa đơn đầu tay ”Baby one more time”. Tổng thống Mỹ Bill Clinton thì đang gặp rắc rối do vụ bê bối ngoại tình với Monica Lewinsky. Cùng với đó là sự cố Y2K đang phủ đầy trên các mặt báo và phương tiện truyền thông khác thì lúc này, trong một căn hầm nhỏ trong thành phố Vancouver, Canada, một chàng thanh niên trẻ đang làm việc miệt mài ở đó với tất cả đam mê để cho ra đời bản mod mà sau này đã phát triển thành một tựa game huyền thoại. Chính tựa game này đã góp phần không nhỏ để định hình nên thế giới game mà chúng ta vẫn thấy ngày hôm nay – Counter Strike.

Khởi đầu gian nan

Lúc này, gia đình Lê Minh chỉ vừa mới rời Việt Nam để đến Canada. Họ gần như chẳng có thứ gì trong tay cả và phải làm lại từ đầu trên một đất nước xa lạ. Giai đoạn ấy thực sự rất khó khăn. Tuy nhiên điều đó không thể làm nguội đi nhiệt huyết tuổi trẻ đang cháy hừng hực trong lòng anh.

Từ nhỏ, Lê Minh đã được tiếp xúc với những chiếc máy tính và dần trở nên gắn bó với chúng. Cha anh là một kỹ sư và ông yêu máy tính một cách điên cuồng, cứ có phần cứng mới là ông sẽ mua về dù lúc đó gia đình họ cũng không dư giả gì. Dần dần, anh được thừa hưởng những chiếc máy tính từ cha, mỗi khi ông mua một chiếc mới, thừa hưởng cả tình yêu dành cho chúng nữa. Đó là tiền đề để anh bước vào cánh cổng trường đại học Simon Fraser, chuyên ngành khoa học máy tính, chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời anh.

Lê Minh bên dàn máy tính của cha. Ảnh: Minh Le.

Vào năm 1996 lúc Quake được phát hành, cũng như bao chàng trai trẻ đồng trang lứa khác, Lê Minh thực sự bị cuốn hút bởi trò chơi này. Tuy nhiên, anh lại thấy trò chơi này thiếu một chút gì đó. Đối với anh, nó vẫn chưa thực sự “tới”, và anh nhận ra rằng thế giới cần một trò chơi thực tế hơn với hệ thống vũ khí ngoài đời thực được đưa vào thế giới game chứ không phải là những vũ khí viễn tưởng như trong Quake.

Quake

Khi Quake 2 được phát hành, Lê Minh – khi ấy cũng là một phần trong đội ngũ phát triển của trò chơi đã tự mình làm một bản mod riêng với tên gọi “Action Quake 2”, anh tập trung mang vào game những yếu tố hiện thực nhiều hơn với những loại vũ khí từ trong thực tế. Action Quake 2 trên thực tế cũng tương đối thành công, nó vẫn có một cộng đồng người chơi tích cực cho đến tận năm 2015, tuy nhiên những gì mà Action Quake 2 làm được vẫn chưa khiến cho Lê Minh hài lòng. Bản thân anh có hoài bão, có nhiệt huyết và lý tưởng của mình nhưng một mình anh vẫn chưa đủ khả năng triệu tập cả một đội ngũ làm game để thực hiện việc đó, anh vẫn phải chờ một “chất nền” có thể đáp ứng được những yêu cầu của anh.

Quake 2

Năm 1999, một studio game mới thành lập tên là Valve đã cho ra đời tựa game đầu tay của họ: Half Life. Tựa game này nhanh chóng được đón nhận trên toàn thế giới với những phản ứng rất tích cực. Lê Minh ngay lập tức nhận ra tựa game này chính là điều mà mình đã chờ đợi suốt mấy năm nay, một thứ “chất nền” tuyệt đẹp.

Cố gắng không ngừng nghỉ

Mặc dù khi đó Valve vẫn chưa cung cấp trình bổ sung để các lập trình viên tự do chỉnh sửa tựa game theo ý mình nhưng Lê Minh đã bắt đầu lên kế hoạch làm một điều gì đó thật vĩ đại với những bản thiết kế vũ khí trong game của mình. Anh đã dành 40 giờ 1 tuần trong khi vẫn còn học năm cuối đại học để hoàn thiện cho bản mod của mình trên chiếc máy tính cũ của cha. Anh chẳng hề được trả lương cho việc đó, anh không nghĩ gì nhiều và chỉ cần có một giấc mơ.

Lê Minh chia sẻ “Tôi đã dành nhiều thời gian cho tựa game nhiều hơn là ở studio của mình, vì tôi thực sự có rất nhiều thứ để làm”. Anh cũng hy vọng có thể làm cho cha mẹ tự hào về mình.

Làm game là một công việc đòi hỏi sự đầu tư rất lớn cả về chất xám lẫn công sức bỏ ra. Một mình Lê Minh với giấc mơ của anh là chưa đủ, anh cần một người cộng sự. May mắn thay, anh đã tìm được một người cộng sự xuất sắc trong lúc anh cần nhất, đó là Jess Cliffe, người quen cũ của Lê Minh từ dự án Action Quake 2. Đây cũng là người lồng tiếng cho mọi câu thoại mà bạn nghe được trong game, kể cả câu “Fire in the hole” huyền thoại

Jess Cliffe – Giả của câu thoại nổi tiếng nhất trong thế giới game: “Fire in the hole”

Cái tên Counter Strike được xác nhận và thông qua bởi 2 người cộng sự trong một đoạn chat ngắn gọn trên ứng dụng ICQ vào ngày 15/3/1999. Sau khi có một cái tên, cả 2 bắt đầu lao vào làm việc. Tuy nhiên, cả Minh và Cliffe đều mù về mảng âm nhạc, họ cũng không giỏi trong việc thiết kế bản đồ. Vì thế họ bắt đầu tạo một trang web để kêu gọi những người có khả năng và cùng chung chí hướng hỗ trợ để phát triển Counter Strike. Họ đã thành công khi triệu tập được một đội ngũ làm game thực sự chỉ sau một thời ngắn.

Cái tên Counter Strike đã được xác định từ một đoạn chat như thế này đây (Ảnh: Solvei Nygaard Gregersen).

Sau một thời gian vận hành thì cuối cùng công sức của cả nhóm đã có được những kế quả đầu tiên: thứ bảy ngày 19/6/1999, phiên bản thử nghiệm đầu tiên của Counter-Strike được phát hành dưới tên gọi BETA 1.0. Tuy nhiên, vì là phiên bản đầu tiên nên bản mod vẫn còn rất nhiều bất cập cần được khắc phục. Nổi bật nhất trong số chúng phải kể đến việc tạo hình của của 2 phe rất giống nhau, khá khó để phân biệt địch – ta, tiếp theo sau đó là chỉ mới có 4 bản đồ là “chơi được” nhưng với chất lượng cực kỳ tệ hại.

Những lời chỉ trích liên tục xuất hiện, nhưng thay vì xem đó là một vấn đề tiêu cực thì nhóm phát triển lại sử dụng nó như định hướng để ngày một hoàn thiện hơn. Chỉ một tuần sau khi phát hành bản thử nghiệm, bản cập nhật đầu tiên xuất hiện, một tháng sau đó, bản cập nhật tiếp theo lại đến… Các bản cập nhật liên tục được tung ra, khắc phục điểm yếu và phát huy điểm mạnh. Đội của Minh đã có một khoảng thời gian đẹp đẽ để cháy hết mình với ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê. Lê Minh chia sẻ rằng: “Tôi đã có tầm nhìn rất rõ ràng về những gì “Counter-Strike” sẽ trở thành , nhưng cộng đồng đã giúp tôi điều chỉnh tầm nhìn đó theo đúng hướng hơn”.

Ngay từ phiên bản đầu tiên, Counter Strike đã đón nhận 8000 người chơi thử nghiệm từ khắp nơi trên thế giới. Một tháng sau thì có số đó đã tăng lên đến 16000 và cứ tiếp tục tăng lên không ngừng nghỉ sau mỗi bản cập nhật được tung ra. Counter Strike nhanh chóng trở nên phổ biến và được đón nhận nhiệt liệt. Nỗi lo về bản đồ nay đã không còn là vấn đề nữa. Lê Minh nhớ lại: “Có thời điểm chúng tôi nhận được hơn 100 map mỗi tuần từ khắp nơi trên thế giới”.

Cuộc sống thì ở đâu cũng có nhiều loại người, và trên internet cũng vậy. Vẫn có những phản ứng trái chiều từ những người bất mãn mà điển hình là người đã gởi cho Jess Cliffe dưới đây.

Dù người gởi bản mail cực kỳ bất lịch sự này là ai đi chăng nữa thì chắc chắn anh ta đã phải suy nghĩ lại khi thấy được những gì mà Counter Strike đã làm được cùng với sức ảnh hưởng của nó đến thế giới game ngày hôm nay.

Phản ứng trái chiều là vẫn có nhưng hơn hết là nhóm vẫn có nhiều đóng góp tích cực, góp phần phát triển tựa game. Ví dụ như khi Jess Cliffe lúc đó đang chịu trách nhiệm về hiệu ứng âm thanh và đang cần âm thanh của khẩu M249. Chỉ sau 2 ngày kêu gọi giúp đỡ, anh đã nhận được file âm thanh của khẩu súng này từ một người chơi làm việc trong một nhà máy súng ở Bỉ.

Sau 8 bản cập nhật đầu tiên dựa trên các đóng góp mang tính xây dựng từ người chơi, Counter Strike đã dần đi vào ổn định. Một số clan đã bắt đầu xuất hiện. Bản mod đã thực sự thành công và nhận được sự chú ý từ Valve, họ đã hợp tác với nhóm của Lê Minh trong vòng 6 tháng để phát triển bản mod thành một tựa game riêng, tách ra hoàn toàn khỏi Half Life.

Thời hoàng kim

Ngày 12/4/2000, nhóm phát triển CS đã bán lại tựa game này cho Valve. Cả Lê Minh và Jess Cliffe đều được tuyển dụng, đó cũng là việc mà họ mong ước bấy lâu. Minh chia sẻ: “Chúng tôi được phát triển tựa game theo cách của mình. Giờ đây chúng tôi đã được trả lương cho việc đó và có cả một công ty game thành công hỗ trợ từ phía sau.

Đã có tổng cộng 19 bản cập nhật tiếp theo sau đó trước khi các bên liên quan tin rằng tựa game đã có thể vượt qua giai đoạn thử nghiệm. Ngày 9/11/2000, Counter-Strike phát hành phiên bản chính thức đầu tiên, vượt ra ngoài sự mong đợi của tất cả những người từng tham gia phát triển. Trò chơi đạt mốc 2 triệu người chơi chỉ sau một thời gian rất ngắn.

Counter Strike nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới, các giải đấu eSport bắt đầu xuất hiện, được mang lên sóng truyền hình và đem về những khoản tiền thưởng trong mơ cho các tuyển thủ tham gia. Tựa game còn xuất hiện trên trang bìa tạp chí game lớn nhất thế giới lúc bấy giờ là PCGamer. Giờ đây Counter Strike đã trở thành một tượng đài bất tử trong lòng game thủ trên toàn thế giới và là một trong những tựa game thành công nhất lịch sử. Vào năm 2003, trong một bài báo trên GameSpy, Lê Minh được bị chọn vào vị trí thứ 14 trong số 100 nhà sáng tạo game của mọi thời đại. Riêng đối với các game thủ Việt thì tựa game này từ lâu đã trở thành một mảnh ký ức đẹp, không thể xóa nhòa trong tâm hồn của chúng ta về một tuổi trẻ, tuổi thơ hồn nhiên và rực rỡ.

Số tiền mà Lê Minh nhận được trong thương vụ Counter Strike đủ để giúp anh có một cuộc sống thoải mái hơn. Anh đã chia số tiền cho những người đồng đội cùng tham gia dự án, cùng nỗ lực hết mình với anh. Về phần tiền của mình, anh đã dùng nó để thanh toán các khoản vay mua nhà của cha mẹ, giúp họ có một cuộc sống tốt hơn, đồng thời có được một khoản dư kha khá, điều đó đã làm anh thực sự hạnh phúc.

Chẳng còn như xưa

Sự thành công của CS ngày càng lớn khiến cho Lê Minh ngày càng hy vọng vào dự án tiếp theo – Counter Strike 2. Tuy nhiên sau 6 năm làm việc miệt mài thì dự án lại thất bại. Anh rời khỏi Valve vào năm 2006 và Counter Strike 2 thì bị vứt xó.

CS 2

“Tôi còn trẻ và chưa nghĩ đủ về khả năng của mình cho việc lãnh đạo một nhóm phát triển. Tôi thường làm việc trên nguyên mẫu một mình, không có kinh nghiệm cũng như không có tầm nhìn để biết bản thân thực sự muốn Counter-Strike 2 sẽ trở nên như thế nào”, Lê Minh nói về thất bại.

Tactical Intervention

Sau đó anh lại tiếp tục với một dự án độc lập mang tên Tactical Intervention. Đây là tựa game mà Lê Minh tự mình phát triển đúng với những gì mà anh mong muốn. Tuy nhiên vì thiếu vốn nên phải mất đến 7 năm sau, vào năm 2013 thì tựa game mới được phát hành. Cay đắng thay, một lần nữa may mắn lại không mỉm cười với anh khi tựa game không được đón nhận. Mọi thứ đều bị mang ra so sánh với CS, bản thân Lê Minh cũng phải thừa nhận rằng anh đã không lắng nghe người dùng đủ nhiều, Tactical Intervention được thử nghiệm chỉ với 10 người chứ không khai như CS ngày xưa.

Minh giờ đây đã kiệt sức, anh phải nỗ lực trong suốt 13 năm trời chỉ để cố vượt qua cái bóng của chính mình, cái bóng của một thời hoàng kim.

Lê Minh của ngày hôm nay

Không giàu có, cũng không còn nổi tiếng như xưa, nhưng anh hài lòng với những gì hiện có:

“Mọi người luôn ngạc nhiên khi tôi nói với họ rằng tôi không phải là triệu phú. Tôi còn rất trẻ khi bán Counter-Strike, và thật lòng mà nói, tôi khá ngạc nhiên khi có một công ty game trả tiền cho nó” “Rõ ràng tôi không có năng khiếu làm kinh doanh. Nhưng tôi biết ơn những gì đã xảy ra. Câu chuyện đã dạy tôi trở thành con người của ngày hôm nay”

Kể từ năm 2013, Lê Minh đã không còn mạo hiểm cho những dự án của riêng mình nữa. Anh tự phát triển những bản mod cho nhiều tựa game khác nhau. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2016, anh cho biết sẽ còn thử sức với một tựa game bắn súng nữa, giấc mơ của anh cho đến hôm nay vẫn còn nguyên vẹn như ngày đầu, đó là phát triển một trò chơi dựa trên phản hồi của người dùng.

“Tôi vẫn có một số ý tưởng trong đầu muốn thử. Nhưng tôi cũng nhận thức rõ rằng có lẽ sẽ không bao giờ làm nên dự án thành công hơn Counter-Strike. Đó cũng là thứ thú vị nhất tôi từng làm. Tương tác chặt chẽ với cộng đồng rõ ràng là cách tốt nhất để phát triển một trò chơi. Đó là bài học mà tôi sẽ nhớ rõ”, Lê Minh cho biết với tờ DR.

Huyền thoại vẫn mãi là huyền thoại

Có thể đúng như những gì Lê Minh từng nói, rằng anh sẽ chẳng bao giờ có thể vượt qua được cái bóng quá lớn của chính mình năm xưa, nhưng cũng chính nhờ nó mà tên của anh đã được ghi vào lịch sử của thế giới game hiện đại.

Lê Minh của ngày hôm nay

Counter Strike đã trở thành huyền thoại, là hình mẫu lý tưởng mà mọi tựa game bắn súng sau này đều phải học hỏi theo. Chính tựa game này cũng tạo nên tiền đề rất lớn cho nền eSport phát triển về sau, đồng thời góp phần định hình thế giới game mà chúng ta đang được chứng kiến. Có thể sau này người ta sẽ chẳng còn biết Lê Minh là ai cả, nhưng chắc chắn họ sẽ mãi nhớ về cha đẻ của Counter Strike.

Nguồn news.zing.vn (Đại Việt)