Nếu bạn từng nghĩ Gaming House chính là một hình mẫu cuộc sống có thể gọi là thiên đường đối với một game thủ thì bạn đã lầm rồi đấy, thực tế không phải vậy đâu.

Gaming house về cơ bản là một hình thức công sở kiêm “ký túc xá” dành cho các game thủ chuyên nghiệp. Tại đây, các game thủ sẽ có được môi trường sống, luyện tập và làm việc tốt nhất để có thể phát triển kĩ năng và sự nghiệp của mình, họ sẽ được chăm sóc từ A đến Z để có thể hoàn toàn tập trung vào game mà không phải lo nghĩ về bất cứ điều gì khác.

Mặt tiền gaming house của Snake eSports
Một góc “pháo đài” của đội tuyển OMG
Phòng bếp trong gaming house của Counter Logic Gaming
Góc vinh quang của đội tuyển Navi (Dota 2)

Nhìn từ bên ngoài thì có vẻ đây chính là cuộc sống thiên đường mà bất kì game thủ nào cũng muốn. Tuy nhiên, ánh đèn nào cũng phải có góc khuất, và gaming house cũng không ngoại lệ.

Sau đây sẽ là những bất cập thực tế của gaming house, điều mà bạn sẽ phải đối mặt hằng ngày nếu muốn trở thành game thủ chuyên nghiệp và sống trong một gaming house.

1. Vấn đề riêng tư

Nếu nói về những mặt bất cập trong môi trường gaming house thì sự riêng tư chắc chắn sẽ là điều đầu tiên cần nhắc đến

Gaming house sẽ tạo ra điều kiện tốt nhất có thể để các tuyển thủ trong cùng một đội tuyển có thể làm việc nhóm tốt nhất có thể, chính vì vậy mà không gian riêng tư của từng cá nhân sẽ bị hạn chế đến mức tối thiểu nếu không muốn nói là gần như không có. Nếu bạn đã quen sống trong môi trường tập thể (như trong môi trường quân ngũ chẳng hạn) thì có lẽ đây sẽ không phải là vấn đề đối với bạn.

Sẽ không có chuyện bạn vừa có thể có một cuộc sống riêng nhưng vẫn được làm việc trong môi trường gaming house đâu nhé.

2. Áp lực công việc

Một ngày làm việc trong gaming house diễn ra rất khác với những công việc phổ thông mà bạn có thể làm theo giờ hành chính. Vì tính chất công việc đặc biệt nên bạn sẽ gần như sẽ phải luyện tập suốt cả ngày đêm.

Nghe thì có vẻ dễ dàng, đặc biệt là với những anh chàng/cô nàng thích chơi game. Nhưng đó là khi bạn chơi game vì mục đích đơn thuần là giải trí. Nếu chơi game trở thành công việc chính của bạn thì mọi chuyện sẽ khác rất nhiều.

Hình ảnh được cắt từ luồng phát trực tiếp của Faker, đây cũng là một phần trong công việc của anh. Một buổi stream bình thường như thế này có thể kéo dài hơn 10 giờ, trong khi đó, những công việc phổ thông chỉ cần khoảng 8 tiếng cho một ngày làm việc

Lịch làm việc dày đặc sẽ gần như khiến các game thủ trong gaming house không còn thời gian để đầu tư cho những sở thích khác. Bạn sẽ không thể chơi game chỉ để đơn thuần là thỏa mãn bản thân. Bạn sẽ phải chắc rằng mình tạo ra được giá trị cho công ty hay nhà tài trợ của bạn. Bạn cũng phải đảm bảo rằng bạn sẽ giữ vững được phong độ và giỏi lên theo từng ngày. Bạn chơi không tốt có nghĩa là những người đồng đội của bạn sẽ bị kềm chân lại và bạn sẽ bị khai trừ nếu ở trong tình trạng đó quá lâu.

Bang – Từng là xạ thủ hay nhất thế giới. Chỉ vì phong độ không ổn định khi thi đấu với Samsung Galaxy góp phần khiến SKT T1 mất cúp vô địch thế giới vào tay đối thủ mà anh chàng từng bị gọi mỉa mai bằng cái tên “Samsung Galaxy Bang

Công việc trong môi trường trong gaming house sẽ dễ dàng khiến cho người ta mau chóng không còn hứng thú với những tựa game mà họ từng yêu thích. Chỉ những người thực sự giỏi, thực sự đam mê mới có thể tạo ra giá trị cho mình, cho đồng đội và cho nhà tài trợ mà thôi.

3. Những điều tiêu cực

Với những bất cập vừa nêu trên, môi trường gaming house rất dễ gây stress cho những người không hợp. Bạn sẽ phải đối mặt với áp lực công việc hằng ngày trong khi không có lấy một chỗ riêng tư để giải tỏa. Bạn cũng sẽ phải cố gắng từng phút từng giây để có giỏi hơn từng ngày, theo kịp những người đồng đội vốn đã vô cùng ưu tú hoặc bị bỏ lại phía sau và bị thay thế bởi những người giỏi hơn.

Vì sẽ các thành viên sẽ phải đối mặt với nhau hằng ngày dù có muốn hay không nên điều tối kỵ trong một gaming house chính là xung đột cá nhân. Với việc được chiêu mộ từ khắp nơi thì việc “không hợp cạ” và xung đột xảy ra giữa những thành viên trong gaming house là điều khó tránh khỏi, nhất là khi đa số game thủ đều còn rất trẻ. Và một khi xung đột đã xảy ra thì chỉ có 2 trường hợp: 1 là các bạn phải cố dẹp bỏ mọi hiềm khích và quay trở lại như những người anh em. 2 là sẽ có ai đó “bay màu”.

Còn nữa, một khi đã bước chân vào vũ đài Esport chuyên nghiệp thì bạn đã là người của công chúng. Mọi hành động và lời nói của bạn sẽ bị đánh giá từng chút một. Sẽ thật tệ nếu chỉ một vài phát ngôn của bạn có thể ảnh hưởng đến quá trình cố gắng của cả tập thể

Bạn còn nhớ vụ lùm xùm cực kì rắc rối giữa Optimus Zeros gần đây khi mà Optimus tố cáo Zeros cày thuê chứ? GEARVN không tiện kể chi tiết nhưng đây có thể xem là một trong những vụ “drama” “bổ phổi” nhất trong cả năm trở lại đây tại khu vực LMHT VCS. Chẳng ai được lợi gì cả, chỉ có họ, những người đồng đội của họ và đơn vị tài trợ là phải gặp rắc rối thôi.

Bạn nghĩ bao nhiêu đó là hết rồi à? Chưa đâu, bạn sẽ còn phải chịu một loại áp lực nữa là phải làm sao để xây dựng một tương lai cho mình trước khi sự nghiệp chơi game kết thúc.

4. Cuộc sống sau khi rời khỏi môi trường gaming house

Hầu hết những game thủ trong gaming house đều được tuyển dụng khi còn rất trẻ, khi được tuyển họ sẽ phải dừng việc học hành lại để tập trung tất cả thời gian cho sự nghiệp Esport, chính điều này sẽ trở thành khó khăn lớn nhất đối với các tuyển thủ Esport khi nghỉ hưu.

MaRin, một huyền thoại LMHT ở vị trí đường trên, anh từng là đội trưởng của SKT T1 và từng đoạt danh hiệu người chơi đường trên hay nhất thế giới, được bình chọn là MVP của CKTG 2015. Anh đã rời SKT T1 để thoát khỏi “cái bóng quá lớn” của người đồng đội Faker và chính thức giải nghệ ở tuổi 27 trong màu áo cuối cùng – TopSports. Đây là số tuổi giải nghệ đáng mơ ước đối với bất kì tuyển thủ chuyên nghiệp nào.

Hầu hết các tuyển thủ Esport sẽ giải nghệ từ rất sớm, thường là trước 25 tuổi. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp của một tuyển thủ khi mà phản xạ của họ đã bắt đầu chậm đi, phong độ dần xuống dốc và không thể nào theo kịp được sự nhạy bén của những người trẻ hơn. Đó là lúc họ sẽ phải lùi lại phía sau ánh hào quang để tìm lấy một khởi đầu mới.

Với những gì đã làm được trong sự nghiệp, QTV giờ đây cũng đã có một cơ ngơi vững chắc cho mình.

Một số người sau khi kết thúc quá trình thi đấu chuyên nghiệp có thể trở thành những cái tên lớn trong nền Esport, họ sẽ tìm được cuộc sống tốt hơn bằng chính những kỹ năng, kinh nghiệm và danh tiếng mà họ tích lũy trong quá khứ. Tuy nhiên, nhiều người khác thì lại không được như vậy. Nếu bạn không đủ tiếng tăm, tất cả những gì bạn làm được khi thi đấu chuyên nghiệp sẽ mãi mãi trở thành quá khứ, và bạn sẽ phải đối mặt với một sự nghiệp còn dang dở, sự nghiệp mà bạn đã bỏ lại để cháy hết mình với Esport. Tất cả những gì bạn có chỉ là những câu chuyện ly kì để kể lại mà thôi.

Người ta thường nói “không bao giờ là quá muộn để bắt đầu”. Nhưng đã có mấy ai thực sự trải qua cái cảm giác của một tuyển thủ chuyên nghiệp trong giai đoạn chuyển giao đầy khó khăn này đâu? Đối với người bình thường thì trượt đại học một năm cũng đã khó chịu lắm rồi, vậy những game thủ đã dành cả tuổi thanh xuân để cống hiến cho màu áo của mình nhưng lại trắng tay sau khi giải nghệ thì sao? Bạn hãy thử nghĩ đến mà xem, đắng lắm đúng không nào?

Kết

Sau bài viết này, người viết muốn cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn thực tế hơn, thấu hiểu hơn khi nói về các tuyển thủ chuyên nghiệp cũng như môi trường sống và làm việc của họ. Thật ra không phải cứ là tuyển thủ chuyên nghiệp là sung sướng, là được trả tiền để thỏa thích chơi game suốt ngày đâu, những gì bạn thấy ở họ là kết quả của một quá trình nỗ lực phi thường đấy.

Môi trường gaming house thật ra rất khắc nghiệt và để nền thể thao điện tử có thể phát triển như ngày hôm nay cũng như tiến xa hơn nữa trong tương lai, những game thủ chuyên nghiệp đã phải cống hiến hết cả thanh xuân của mình.

GEARVN (Axium Fox)