PoE khá là lợi hại đó nha, chỉ cần 1 sợi dây mà vừa truyền dữ liệu vừa cấp điện cho bộ thu phát WiFi, camera an ninh, …
Nếu các bạn chưa biết thì có một cách để cấp điện cho một số thiết bị nhất định mà không cần phải cắm dây nguồn vào ổ điện (tất nhiên không phải là dùng pin đâu nhé), và cách đó gọi là Power Over Ethernet (PoE) – tức là cấp điện qua dây Ethernet. Để hiểu rõ hơn về công nghệ này, mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Cơ chế hoạt động của PoE
Cơ chế hoạt động cũng khá là đơn giản. Một dây Ethernet sẽ truyền được cả dữ liệu lẫn điện năng, và bạn cũng không cần phải xài dây Ethernet đặc biệt nào cả. Hầu hết người dùng phổ thông hiện nay đều xài dây Cat 5e hoặc Cat 6 để kết nối với Internet, và bạn xài dây nào cũng được hết. Nhưng lưu ý là cả thiết bị nhận và router/modem/switch mà bạn kết nối đều phải hỗ trợ PoE mới xài được nhé.
Để sợi dây Ethernet vừa có thể truyền tải dữ liệu, vừa có thể cấp điện cho các thiết bị thì các bạn có thể hiểu khái quát như sau. Giao thức Ethernet truyền dữ liệu bằng cách gọi là “differential signaling”. Nôm na thì sẽ có 2 tín hiệu được gửi đi với cùng mức điện áp, nhưng một cái là dương còn một cái là âm. Chiều (orientation) của tín hiệu dương và âm sẽ giúp xác định bit đó là 1 hay 0. PoE đơn thuần chỉ là tăng mức điện áp chạy trong dây điện bên trong sợi cáp Ethernet mà thôi. Nó không làm ảnh hưởng tới sự khác biệt dương/âm của mỗi bit, cho nên việc truyền dữ liệu vẫn diễn ra bình thường.
Nói về vụ điện áp lớn thì PoE có nhiều phiên bản khác nhau, mỗi cái sẽ có khả năng cung cấp số Watt khác nhau. Những phiên bản có số Watt cao sẽ hữu dụng đối với các thiết bị như bộ thu phát WiFi cần nhiều điện để hoạt động, hoặc camera có chức năng xoay (cần thêm điện để chạy môtơ).
Lợi ích rõ ràng nhất của PoE liên quan đến bộ thu phát WiFi
Lợi ích lớn nhất liên quan đến bộ thu phát WiFi (wireless access point). Bạn có thể tăng hiệu năng của WiFi bằng cách dùng những cục access point riêng lẻ thay vì dùng access point tích hợp sẵn trong router, và có rất nhiều access point kiểu này hỗ trợ PoE. Chúng có thể hữu dụng trong hộ gia đình, nhưng thường thấy nhất sẽ là ở những trung tâm thương mại lớn hoặc những nơi đông đúc người ra vào. Những nơi này sẽ cần nhiều bộ thu phát WiFi ở những nơi xa cách nhau, và lúc này nếu vừa phải đi dây mạng Ethernet vừa phải đi thêm dây nguồn nữa thì lại rất bất cập.
Đặc biệt, nghe hơi khó tin nhưng đồng hồ cũng có loại đồng hồ PoE hẳn hoi luôn nhé, cả dạng cơ (analog) lẫn dạng kỹ thuật số (digital). Một sợi dây Ethernet sẽ vừa cấp điện vừa kết nối đồng hồ với máy chủ để đồng bộ thời gian thông qua Internet. Thế là bạn không cần phải lo thay pin đồng hồ hay sợ nó chạy sai giờ nữa.
Một ứng dụng khác của PoE là VoIP, cho phép bạn dùng sợi dây Ethernet nối vô điện thoại bàn để bật tính năng gọi điện và cấp nguồn cho thiết bị luôn. Những thiết bị khác như intercom, khóa cửa thông minh, camera an ninh đều có thể dùng PoE luôn. Cơ bản thì thiết bị nào cần kết nối dữ liệu liên tục nhưng không ngốn quá nhiều điện đều có thể tận dụng công nghệ này.
Những lưu ý khi sử dụng PoE
Những thứ này nghe thì hấp dẫn đó, nhưng trước khi bạn chạy đi mua những thiết bị hỗ trợ PoE thì nên lưu ý rằng nhiều có nhiều cái sẽ không có cổng nguồn riêng, nghĩa là nó chỉ có thể nhận nguồn từ cổng PoE mà thôi.
Nếu bạn không có switch/router hỗ trợ cổng PoE thì sẽ phải dùng thêm cục “PoE injector”. Nó sẽ cắm vào ổ điện thông thường và trên cục này có thêm một cặp cổng Ethernet: một cổng sẽ nối vào thiết bị nhận và một cổng sẽ nối vào switch/router. Bạn cũng nên kiểm tra kỹ xem “PoE injector” mà bạn định mua hỗ trợ những chuẩn nào, và đảm bảo là ít nhất nó phải trùng với chuẩn của thiết bị nhận thì mới cung cấp đủ điện được. Thậm chí, bạn còn có thể kết hợp “PoE injector” với “PoE splitter” để kết nối với một thiết bị non-PoE khác.
Một lưu ý nữa là PoE chí có tầm hoạt động tối đa là 100m mà thôi (đối với trường hợp không có bộ repeater). Nghe 100m thì có vẻ dài, nhưng nếu đường dây Ethernet của bạn phải đi qua nhiều ngóc ngách thì sẽ rất mau chạm đến ngưỡng 100m, cho nên bạn nhớ tính toán kỹ đường dây sẽ đi bao xa nhé.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Lịch sử ra đời của mạng Internet
- Mạng internet có bị sập nếu quá nhiều người sử dụng? Đây là câu trả lời dành cho bạn
- Địa chỉ MAC là gì mà bất kỳ thiết bị nào muốn vào mạng cũng cần phải có
- Những điều bạn cần biết về cáp quang – công nghệ giúp kết nối internet xuyên lục địa
- Ánh sáng trong sợi cáp quang “chở” dữ liệu liên lục địa như thế nào?
- Bộ mã nguồn “khởi nguyên” của Internet đã được bán với giá 5,4 triệu USD
Nguồn: Techquickie
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!