Cloudflare là công ty nào mà lại có sức ảnh hưởng lớn đến như vậy? Mọi chuyện sẽ sáng tỏ trong bài viết này.

Vào ngày 21/06/2022, một phần lớn Internet đã bị sập, tất cả chỉ là vì có một công ty đã lỡ “đi sai nước cờ”. Cụ thể, những dịch vụ phổ biến như Discord đều không thể truy cập được do hãng Cloudflare đã phạm một sai lầm khi nâng cấp máy chủ. Mà Cloudflare là công ty gì? Và vì sao nó lại quan trọng đối với cơ sở hạ tầng của Internet đến như vậy? GVN 360 sẽ giúp bạn giải đáp trong bài này nhé.

Cloudflare là công ty gì mà có thể làm sập cả internet toàn cầu?

Cloudflare

Cloudflare là một công ty Mỹ có các trung tâm máy chủ hoạt động trên toàn thế giới. Họ chuyên cung cấp các dịch vụ cho nhiều công ty lớn. Trong đó, dịch vụ quan trọng nhất chính là Content Delivery Network (tạm dịch: mạng phân phối nội dung). Nó là một nhóm máy chủ mà các khách hàng của Cloudflare có thể dùng để lưu trữ những nội dung như video, nhạc, vân vân.

Cloudflare

Do CDN được phân phối ở nhiều vị trí địa lý khác nhau, cho nên chẳng hạn như có người muốn mở ứng dụng streaming lên để xem phim ở nhà thì họ có thể truy cập bộ phim đó một cách nhanh chóng và ổn định từ máy chủ nằm gần họ nhất. Ngoài ra, nó còn có chức năng “sơ-cua”, phòng khi có 1 hoặc nhiều máy chủ trong CDN bị sập thì vẫn còn máy chủ khác để xài đỡ.

Cloudflare

CDN của Cloudflare còn có thêm tính năng bảo mật, giúp bảo vệ khách hàng khỏi malware, những đợt tấn công DDoS, vân vân; và bản thân khách hàng cũng không cần phải tự tìm cách để bảo vệ trang web của họ.

Ngoài CDN ra, Cloudflare còn cung cấp các dịch vụ DNS cho vô số trang web. DNS nghĩa là Domain Name System (Hệ thống phân giải tên miền), và nó có chức năng ghép địa chỉ trang web bằng chữ thông thường với địa chỉ trang web bằng số (IP) để trình duyệt có thể hiểu và kết nối với đúng trang mà bạn cần.

Cloudflare

Những dữ liệu DNS kia cần phải được lưu ở 1 chỗ nào đó, cho nên Cloudflare đã cung cấp dịch vụ lưu trữ DNS. Nếu bạn muốn dùng mạng lưới của Cloudflare để vào mấy trang web tại nhà thì có thể chỉnh DNS của máy tính thành 1.1.1.1. Cloudflare cho biết DNS của họ nhanh hơn, ổn định hơn so với dịch vụ DNS có sẵn của hầu hết nhà mạng.

Mặc dù Cloudflare có mở rộng mô hình kinh doanh của họ để cung cấp nhiều dịch vụ hơn, dịch vụ CDN và DNS của họ lại được sử dụng nhiều hơn cả. Thực tế mà nói, theo ước tính, có khoảng 20% lưu lượng dữ liệu Internet đều phụ thuộc vào Cloudflare.

Cách mà Cloudflare bành trướng toàn cầu

Cloudflare

Cloudflare bắt đầu đẩy mạnh công cuộc mở rộng quy mô vào đầu những năm 2010. Họ đã mở tới 10 cơ sở trên toàn thế giới chỉ trong vòng 1 tháng hồi năm 2012. Tại thời điểm đó, Cloudflare chỉ có tổng cộng 32 nhân viên mà thôi. Họ làm được điều này một phần là nhờ mô hình kinh doanh của họ không phải là xây dựng các trung tâm dữ liệu của mình từ con số 0 và thuê một dàn nhân viên hùng hậu để quản lý nó; mà thay vào đó là Cloudflare đã đặt các máy chủ cùng chỗ với những trung tâm dữ liệu đã được xây dựng sẵn và quản lý mọi thứ từ xa. Thực chất, thứ duy nhất mà những nhân viên tại các trung tâm dữ liệu được cấp là một bộ hướng dẫn cách lắp các thiết bị của Cloudflare cực kỳ ngắn gọn.

Điều này đã giúp Cloudflare trở thành một giải pháp có mức giá phải chăng dành cho các khách hàng, và bản thân nó cũng làm khá tốt nhiệm vụ tăng tốc quá trình xử lý các yêu cầu được gửi đến trang web. Lý do là vì phần lớn các trang thiết bị của họ đều nằm trong các trung tâm dữ liệu vốn đang được dùng để trao đổi thông tin cho phần còn lại của Internet.

Vì một phần lớn Internet phụ thuộc vào Cloudflare, nên hễ nó bị lỗi là rất nhiều bên phải chịu hệ lụy

Cloudflare

Nhưng dù bản chất của Cloudflare là phân quyền đi chăng nữa thì vì một phần lớn Internet phụ thuộc vào nó, nên mỗi khi Cloudflare bị lỗi là có chuyện lớn rồi đó. Vụ Internet bị sập mà mình có đề cập ở đầu bài viết đã làm giảm phân nửa số lượng yêu cầu mà mạng lưới có thể xử lý. Tất cả chỉ vì 1 dòng code bị đặt sai chỗ trong lúc cập nhật – bản cập nhật mà đáng lẽ ra nó phải giúp mạng lưới trở nên ổn định hơn.

Cloudflare có hứa là chuyện tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai, nhưng hồi 2020 đã có một vụ na ná xảy ra trong lúc Cloudflare đang tìm cách giải quyết tình trạng nghẽn mạng. Lần này cũng lại là vì 1 dòng code bị lỗi đã chuyển hướng một lượng lớn dữ liệu vào 1 chỗ duy nhất ở Atlanta (thủ phủ của tiểu bang Georgia ở Mỹ), khiến nó bị quá tải và làm sập hàng ngàn trang web và dịch vụ trong vòng 27 phút, bao gồm cả trò League of Legends và khiến cộng đồng fan vô cùng phẫn nộ.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về Internet nói chung và Cloudflare nói riêng. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360