Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu về công nghệ cáp quang dùng để kết nối internet toàn cầu nhé.

Thời đại ngày nay thì chúng ta cũng đã quá quen với công nghệ kết nối không dây rồi, nhưng có một sự thật là phần lớn Internet trên thế giới vẫn kết nối với nhau thông qua các dây cáp cực kỳ dài. Có rất nhiều dây cáp mạng được đặt dưới lòng biển, và nếu bạn nhìn vào bản đồ thì sẽ thấy nó được nối từ bờ này sang bờ kia, từ nước này qua nước nọ. Trong bài viết này, mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu thêm về những sợi cáp mạng được đặt dưới lòng biển nhé.

cáp quang

Nguồn gốc xuất xứ của cáp ngầm dưới biển

Thực chất, công nghệ này đã có từ khá lâu rồi các bạn ạ. Dây cáp mạng đầu tiên được đặt dưới lòng biển đã xuất hiện từ năm 1850 rồi, và nó được dùng để kết nối Anh và Pháp. Chỉ có điều là đoạn cáp này không phải là để kết nối internet mà là để phục vụ cho mục đích điện báo (telegraph).

Xui xẻo một điều là sau đó vài tuần, một số ngư dân đã cắt mất đoạn cáp này. Nhưng công nghệ vẫn tiếp tục phát triển, và càng ngày càng có nhiều dây cáp ngầm xuất hiện dưới lòng biển. Đến năm 1858 thì chúng ta chứng kiến đoạn dây cáp điện báo đầu tiên được kết nối xuyên Đại Tây Dương. Tin vui bên lề là lúc đó họ cần tới khoảng 2 phút chỉ để gửi 1 ký tự giữa 2 châu lục.

Tất nhiên, các nhà nghiên cứu dần dần hiểu rõ hơn về cách dòng điện hoạt động khi di chuyển một chặng đường dài. Và đến những năm 1950 thì chúng ta đã có thể thực hiện cuộc gọi thoại thông qua dây cáp đồng trục được đặt dưới lòng biển. Dĩ nhiên, những sợi dây cáp này vẫn chưa đủ băng thông để có thể tải nổi lưu lượng internet trên toàn cầu.

Sự ra đời của cáp quang

Thế là công nghệ cáp quang đã ra đời nhằm giải quyết vấn đề này, và nó vẫn đang được ứng dụng trong tất cả các dây cáp internet ngầm mà chúng ta đang sử dụng ngày nay. Nó hoạt động bằng cách chuyển đổi thông tin thành các bước sóng. Nhưng vì ánh sáng sẽ suy yếu khi truyền đi đường dài (giống như đèn pin chỉ chiếu xa tới một khoảng nhất định mà thôi) nên chúng ta cần lắp đặt thêm các “repeater” dọc theo đường cáp quang, giúp khuếch đại ánh sáng và đảm bảo nó được truyền đến nơi mà nó cần đến.

Những dây cáp quang dưới biển đã xuất hiện từ cuối những năm 80 các bạn ạ. Ban đầu, phần lớn nó được dùng để truyền tải nội dung của những cuộc gọi thoại, nhưng bây giờ thì nó đã trở thành phần xương sống của mạng lưới internet trên toàn cầu.

cáp quang

Nhờ chất liệu làm nên những sợi cáp này được cải thiện nên tốc độ của nó cũng đã trở nên nhanh hơn gấp nhiều lần so với ngày trước. Chúng ta đã đi từ dây cáp TAT-8 tốc độ 280 Mbps và bây giờ là đến đời dây cáp Grace Hopper với tốc độ lên đến 352 Tbps.

Cấu tạo của cáp quang

Câu hỏi được đặt ra là chúng ta làm cách nào để nó có thể hoạt động ổn định nhất có thể, không bị hư vặt. Những sợi cáp được bao bọc và cách điện khá chắc chắn, giúp nó chống lại các mối nguy hại từ môi trường xung quanh. Ở phần lõi chính là những sợi cáp quang truyền dữ liệu và ống đồng để cấp điện, Chúng đều được bao bọc bởi lớp vỏ bằng nhựa và nhôm để chống nước xâm nhập. Tuy nhiên, bản thân sợi cáp vẫn cần phải cứng hơn nữa để chống lại các tác nhân gây nguy hại khác. Nylon và nhựa đường có thể giúp gia cố cho sợi cáp, và những sợi dây thép dày sẽ đóng vai trò như là “áo giáp” để hạn chế trường hợp đứt cáp do tàu thả neo, hay thậm chí là… cá mập cắn cáp.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sợi cáp sẽ “vô địch thiên hạ” đâu nhé. Thỉnh thoảng chúng vẫn sẽ bị hư hại hoặc có khi là đứt luôn, khiến tốc độ internet bị chậm lại đáng kể. Việc sửa cáp thường bao gồm 1 chiếc tàu nhấc đoạn cáp bị đứt lên khỏi mặt nước và nối chúng lại với nhau. May mắn một điều là internet hoạt động theo kiểu nếu không đi được đường này thì nó sẽ đi đường khác trong lúc chờ sửa cáp.

cáp quang

Cáp quang vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với chúng ta trong tương lai trước mắt

Hiện tại, chúng ta đang có khá nhiều vệ tinh bay quanh Trái đất, và các dịch vụ mạng vệ tinh cũng đã bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, công nghệ không dây thì có cải tiến nhiều đó, nhưng cáp quang vẫn có tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn, và chi phí thấp hơn. Thế nên phải còn rất lâu nữa để những công nghệ không dây này có thể thay thế được những sợi dây cáp quang kia.

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360