Khái niệm máy tính phục vụ công việc WorkStation và CPU Xeon đối với nhiều người rất mơ hồ, nhưng thực tế dân trong nghề một khi đã hiểu thì đảm bảo không bao giờ quay lại PC thường.

Đặc điểm nhận biết của WorkStation

  • Sử dụng bộ xử lý Xeon thay vì Core i phổ thông
  • Bo mạch chủ chipset dòng C thay vì các chipset phổ thông dòng Z/H/B
  • Tuỳ bo mạch chủ mà có thể hỗ trợ nhiều hơn 1 CPU 
  • RAM hỗ trợ tính năng ECC

Nếu như Gaming PC là những chiếc máy tính sinh ra dành cho game thủ thì WorkStation (mình sẽ viết tắt sau này là WS) tồn tại để phục vụ các bạn cần một chiếc máy tính phục vụ công việc. Ưu tiên của WS là đảm bảo được độ ổn định cao nhất có thể, và điều này đạt được thông qua việc sử dụng bộ xử lý Xeon kết hợp với RAM hỗ trợ tính năng ECC. Trừ trường hợp bị lỗi phần mềm, combo này khiến cho một hệ thống WS gần như không thể bị crash, ngay cả đối với những tác vụ đòi hỏi phải xử lý một lượng lớn dữ liệu như đồ hoạ, dựng phim chuyên nghiệp,… 

Một chiếc PC “không crash” khi làm việc nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đạt được “đẳng cấp” này không phải là chuyện dễ dàng. Thực tế thì sử dụng bình thường, thậm chí là chơi game thì tỉ lệ bị crash máy do lỗi sai dữ liệu ghi vào RAM là rất thấp, chủ yếu là lỗi phần mềm nhiều hơn. Tuy nhiên trong những công việc đòi hỏi phải xử lý một lượng lớn dữ liệu như đồ hoạ, dựng phim,… thì phần mềm chẳng lỗi nhưng khả năng máy vẫn sẽ crash là rất cao. 

Nguyên nhân là vì thực tế khi ghi dữ liệu vào RAM thì chưa chắc nó đã chính xác do bị ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như bức xạ vũ trụ, phóng xạ môi trường,… Hiện tượng này được gọi là lỗi đơn-bit (single-bit error), và lên càng cao so với mặt nước biển thì tỉ lệ lỗi sẽ càng nhiều. Nói đơn giản thì tỉ lệ lỗi dữ liệu khi chép và RAM của một chiếc máy tính ở đồng bằng sẽ thấp hơn ở vùng núi, còn máy bay hay phi thuyền thì cần phải có một hệ thống phát triển đặc biệt để đảm bảo độ chính xác của dữ liệu. Đối với máy tính thông thường sử dụng CPU Core i và RAM không hỗ trợ ECC, khi xử lý lượng lớn dữ liệu thì dữ liệu lỗi sẽ tăng dần và đến một thời điểm nào đó sẽ dẫn đến lỗi toàn hệ thống và gián đoạn công việc. Thế là RAM ECC ra đời, hỗ trợ tự động nhận biết và khắc phục single-bit error, đảm bảo độ chính xác của dữ liệu cũng như sự ổn định của hệ thống. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, và người dùng chuyên nghiệp trước đây phải trả rất nhiều tiền để sở hữu nó.

Tại sao việc hoạt động ổn định lại quan trọng đối với WS như vậy? Câu trả lời nằm ở tính chất công việc. Đối với game thủ thì lâu lâu PC bị crash và phải vào lại nó “hơi” khó chịu nhưng cũng không đến mức tận thế. Nhưng đối với công việc, khi bạn render một dự án đồ hoạ mất “một vài ngày” là điều không hiếm, thử nghĩ giữa đường đứt gánh thì “khóc với ai”. Trong trường hợp không render lại kịp, bạn sẽ mất nhiều hơn là đầu tư vào một hệ thống WS đàng hoàng ban đầu thay vì “ham rẻ” chọn những hệ thống PC thông thường “hiệu năng tương đương”. Cái bạn đánh mất không chỉ đơn thuần là tiền bạc và thời gian, mà đó có thể là uy tín và cả tương lai thăng tiến của chính mình.

Một lầm tưởng thường thấy là việc đi so sánh hiệu năng giữa CPU Xeon dành cho WS và CPU Core i tương đương dành cho máy tính phổ thông. Chẳng hạn như Xeon E-2146G (9.450.000 đồng) thường được đem so với Core i7-8700K (9.550.000 đồng) vì cùng 6 nhân/12 luồng, với xung nhịp thấp hơn (3.5 Ghz vs 3.7 GHz) đã vậy còn không hỗ trợ ép xung thì dĩ nhiên là hiệu năng của Xeon sẽ chẳng thể nào so được với Core i tương đương. Nhưng đó không phải là điều mà người dùng WS cần, cái họ cần là một chiếc máy hoạt động với độ ổn định tối đa. PC Gaming có thể dựng phim, làm đồ hoạ nhanh hơn đôi chút nhưng lỡ may crash máy thì thiệt hại nặng hơn gấp nhiều lần.

Nói thế chứ WS ngày nay giá đã mềm hơn nhiều rồi, đặc biệt là khi Intel ra mắt các bộ xử lý Xeon E và Xeon W. Chỉ với 24,5 triệu đồng bạn hoàn toàn có thể sở hữu một hệ thống WS với CPU Xeon E-2146G cực kỳ ổn định phục vụ cho công việc đồ hoạ. Một dàn WS với CPU Xeon W-2195, 32 GB RAM ECC và card đồ hoạ chuyên dụng Nvidia Quadro P4000 cũng chỉ đâu đó tầm 121.700.000 đồng mà thôi. So với những dàn tương đương sử dụng CPU Core i phổ thông, bạn sẽ hoàn toàn có thể yên tâm dùng những dàn WS này để kiếm được gấp nhiều lần số tiền mà bạn đầu tư ban đầu. 

Còn nếu bạn quan tâm đến những hệ thống WS cao cấp hỗ trợ nhiều CPU hay cần chơi đến Xeon Scaleable chuyên dụng để xử lý dữ liệu, phân tích AI thì mức giá lên đến vài trăm triệu hay vài tỉ đồng là bình thường. Ở cấp độ này thì câu hỏi chỉ là chọn hệ thống WS với CPU Xeon như thế nào thôi, chứ CPU Core i phổ thông thì chào thua rồi. 

Tham khảo thêm bộ sưu tập WorkStation tích hợp CPU Intel Xeon của GearVN tại đây: https://gearvn.com/collections/pc-workstation