Độ bao phủ màu là gì? sRGB, DCI-P3, Adobe RGB là gì? Trong bài viết này, mình sẽ cố gắng cung cấp kiến thức nhanh gọn nhất có thể cho bạn.

Định nghĩa:

Độ bao phủ màu hay dải màu (color gamut) là một thuật ngữ chỉ tập hợp con, nằm trong giới hạn của các màu sắc trong thực tế, biểu hiện khả năng tái tạo màu sắc của thiết bị trong nhiếp ảnh và đồ họa kỹ thuật số. sRGB, DCI-P3, Adobe RGB chính là các dải màu tiêu chuẩn (có thể xem như các hệ quy chiếu) để ước lượng tương đối khả năng thể hiện màu sắc của các thiết bị ghi hình, thiết bị hiển thị và thiết bị in ấn kỹ thuật số.

Giải thích dễ hiểu:

Thật ra nếu bạn là một người thích tìm tòi khám phá thì bạn mới nên hiểu chính xác mấy câu trên thôi. Còn nếu bạn là người dùng máy tính phổ thông thì bạn chỉ cần quan tâm rằng chúng ảnh hưởng như thế nào đến trải nghiệm của bạn với màn hình mà thôi.

Về cơ bản thì độ bao phủ màu hay dải màu càng lớn thì chiếc màn hình của bạn sẽ có khả năng thể hiện màu trong “không gian màu” rộng hơn, cho màu sắc rực rỡ và nịnh mắt hơn, tuy vẫn có “màn hình this màn hình that” nhưng nhìn chung là vậy. Độ bao phủ màu. Độ bao phủ màu lớn cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để một chiếc màn hình có thể cho lại trải nghiệm tốt khi chơi game và cun cấp một “không gian màu” đủ lớn khi làm việc.

Các chuẩn màu thường gặp

sRGB – tiêu chuẩn truyền thống

Đây là dải màu được Microsoft và HP đưa ra vào năm 1996, áp dụng cho màn hình, kỹ thuật in ấn và internet. Sau đó dải màu này đã được tiêu chuẩn hóa bởi IEC vào năm 1999. Hiện nay, sRGB vẫn là một tiêu chuẩn cực kỳ phổ biến đối với các mẫu màn hình phổ thông. Hầu hết các mẫu màn hình phổ thông hiện tại khi bán ra đều có thông số độ bao phủ màu dựa trên chuẩn sRGB được in trên bao bì.

Tuy đây là chuẩn màu có độ phủ nhỏ nhất trong bài viết này nhưng nếu như bạn là một người chỉ chơi game, xem phim giải trí đơn thuần và không yêu cầu quá khắt khe thì một chiếc màn hình có độ bao phủ màu đâu đó khoảng 95 đến 100% sRGB đã đủ để mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời rồi.

Adobe RGB – tiêu chuẩn đồ họa và in ấn

Năm 1998, tập đoàn phần mềm Adobe đã công bố chuẩn màu Adobe RGB với độ phủ màu lớn hơn đáng kể so với chuẩn sRGB. Với sức ảnh hưởng của Adobe và bộ phần mềm sáng tạo của họ Adobe RGB nhanh chóng trở nên phổ biến trong kỹ thuật đồ họa và công nghệ in ấn.

Kết quả hình ảnh cho star citizen ships

Hiện nay, thường thì chỉ có những chiếc màn hình chuyên dụng cho đồ họa mới có thể đạt gần đủ hoặc đủ 100% độ phủ màu của chuẩn Adobe RGB mà thôi. Nếu bạn là dân đồ họa hardcore thì một chiếc màn hình như thế là cực kỳ lý tưởng.

DCI-P3 – tiêu chuẩn điện ảnh

DCI-P3 là chuẩn màu được đưa ra bởi SMPTE vào năm 2010 để làm tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ. Chuẩn màu này có độ phủ màu nhỏ hơn Adobe RGB và lớn hơn sRGB. Gần đây thì chuẩn DCI-P3 cũng là trend khá hot đối với những chiếc màn hình gaming cao cấp để đem lại trải nghiêm tuyệt vời hơn cho game thủ.

Vì là chuẩn màu của điện ảnh Mỹ – cha đẻ của hầu hết các bộ phim bom tấn hiện nay – nên những chiếc màn hình chạy theo chuẩn màu này thường sẽ có chất màu rất tối ưu cho việc xem phim. Xem phim Blue-Ray trên một chiếc màn hình 4K và có độ phủ màu tầm trên 90% DCI-P3 phải nói là cực đã luôn.

Trên đây là 3 chuẩn màu thường được sử dụng nhất để tham chiếu độ phủ màu trên các mẫu màn hình phổ thông. Bây giờ thì bạn đã biết độ phủ màu và các chuẩn màu như sRGB, Adobe RGB và DCI-P3 là gì rồi nhé. Hy vọng đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích.

Axium Fox