Không chỉ riêng bạn đâu, mà ngay cả người Mỹ cũng thừa nhận là họ bật phụ đề khi xem phim Mỹ vì họ chẳng nghe được gì cả.
Người Việt xem phim Mỹ cần bật phụ đề để hiểu nội dung là chuyện bình thường, nhưng bất ngờ ở chỗ là ngay cả người Mỹ xem phim Mỹ giờ cũng bật phụ đề để… hiểu lời thoại luôn các bạn ạ. Theo khảo sát của Vox trên YouTube, có khoảng 57% người tham gia khảo sát cho biết họ không thể hiểu lời thoại trong video, trừ khi bật phụ đề lên. Vậy thì tại sao bây giờ chúng ta lại cần bật phụ đề thường xuyên như vậy? Mời các bạn cùng GVN 360 đi tìm câu trả lời cho chuyện này nhé.
Vì công nghệ bây giờ quá xịn nên hãng phim sẽ tận dụng phần mềm để xử lý câu thoại
Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi tại sao bây giờ chúng ta lại có nhu cầu bật phụ đề nhiều đến như thế. Tuy nhiên, tất cả đều quy về 1 mối, đó là công nghệ.
Ngày xưa, thu âm không phải là chuyện dễ đâu các bạn ạ. Mấy cái micro thời đó sử dụng kết nối có dây, rất là bự, choáng chỗ, và nhà sản xuất cần phải nghĩ ra những cách sách tạo để giấu nó trong khung hình. Chính vì thế nên diễn viên cần phải chú ý quay mặt về 1 hướng cụ thể để micro thu được tiếng của họ.
Và rồi công nghệ phát triển vượt bậc, micro không còn gây cản trở cho diễn viên nhiều như hồi trước nữa. Nó đã trở nên xịn hơn, nhỏ gọn hơn, không dây, và chúng ta dùng nhiều hơn 1 micro để không bỏ lỡ khoảnh khắc nào cả, đồng thời giúp diễn viên thực hiện cảnh quay một cách tự nhiên hơn. Đồng thời, diễn viên có thể nói khẽ, và micro vẫn thu được bình thường.
Tuy nhiên, đúng là khi quay, micro vẫn sẽ thu được câu thoại của diễn viên đó, nhưng nếu diễn viên cứ nói lầm bầm trong miệng thì trọng trách lúc này sẽ thuộc về biên tập viên phụ trách mảng đối thoại (dialogue editor). Họ có nhiệm vụ làm cho câu thoại đó càng dễ nghe và dễ hiểu càng tốt.
Hồi trước, nếu có đoạn không thể nghe được thì diễn viên sẽ phải thu lại một số câu thoại, và quá trình này được gọi là ADR (Automated Dialogue Replacement). Bây giờ chúng ta vẫn còn làm cái này, nhưng vì ADR khá tốn kém (do phải trả tiền cho diễn viên, kỹ sư âm thanh, biên tập viên) nên hãng phim sẽ hạn chế làm ADR hết mức có thể. Thay vì làm ADR, các biên tập viên giờ sẽ tận dụng công nghệ kỹ thuật số để tinh chỉnh câu thoại sao cho nghe rõ nhất có thể.
Các lý do khiến lời thoại trong phim khó nghe
Có một điều là dù làm kỳ công đến mấy, nhiều câu thoại vẫn rất khó để nghe được. Lý do là vì để bộ phim trở nên “cinematic” nhất có thể, trong âm thanh phải có những tiếng rền vang, tiếng vọng, vân vân.
Do biên tập viên muốn bảo toàn “dynamic range” của âm thanh
Có bạn sẽ thắc mắc tại sao không đẩy âm thanh của giọng nói lớn lên cho lẹ, chứ cần gì phải “hòa âm phối khí” chi cho cực khổ. Thật ra, nó không đơn giản như vậy đâu các bạn ạ. Có 1 yếu tố quan trọng mà các biên tập viên muốn bảo toàn, đó là “dynamic range” – khoảng âm giữa tiếng lớn nhất và tiếng nhỏ nhất. Ví dụ, nếu cuộc đối thoại có chung 1 mức âm lượng với vụ nổ diễn ra ngay sau đó thì nó sẽ không khiến người xem cảm thấy choáng ngợp. Giống như hình ảnh, âm thanh cũng phải có độ tương phản để đôi tai nhận biết được mức độ lớn nhỏ khác nhau.
Vấn đề ở đây là chúng ta chỉ có thể tăng âm lượng lớn đến 1 mức nhất định mà thôi, tăng nữa là nó sẽ bị biến dạng. Chính vì thế nên để tạo “dynamic range” rộng, bạn chỉ có thể khiến những âm thanh nhỏ trở nên nhỏ hơn thôi; hay nói cách khác là tiếng nổ sẽ lớn hơn, tiếng người nói sẽ nhỏ hơn.
Do chủ đích của đạo diễn
Lấy ví dụ là ông Christopher Nolan lừng danh (đạo diễn phim The Dark Knight, Inception, Tenet,…), gần như mọi phim của ông đều bị chỉ trích vì lời thoại rất khó nghe, phải bật phụ đề lên mới hiểu được. Thế nhưng sự thật là Christopher Nolan cố tình muốn nó như vậy các bạn ạ. Nolan nói rằng ông sẽ không làm phim để chiếu nó trong những rạp dưới mức tiêu chuẩn. Và đây gần như là mấu chốt của vấn đề mà chúng ta đang bàn tới nãy giờ.
Mấy chuyên gia âm thanh (recording mixer) sẽ tinh chỉnh âm thanh trong phim để nó tối ưu nhất cho định dạng âm thanh vòm xịn sò nhất, chẳng hạn như Dolby Atmos (âm thanh 3D lên đến 128 kênh). Vấn đề là trừ khi bạn ngồi trong rạp với dàn loa cao cấp bao quanh, chứ bình thường rất khó để bạn có thể trải nghiệm hiệu ứng âm thanh của tất cả các kênh đó.
Vì thế nên sau khi bộ phim được tinh chỉnh cho 128 kênh Dolby Atmos, hãng phim phải tạo ra thêm những phiên bản âm thanh khác cho bộ phim đó để nó tương thích tốt với các hệ thống loa 7.1 (7 kênh), 5.1 (5 kênh), stereo (2 kênh), hay thậm chí là mono (1 kênh) thường hay thấy trên desktop, laptop, TV, điện thoại chẳng hạn. Quá trình này được gọi là “downmixing”.
Do TV bây giờ quá mỏng
Khác với những chiếc TV bự chảng ngày xưa với không gian đủ trống để nhét cặp loa tương đối tốt vào bên trong, mấy cái TV bây giờ toàn là màn hình “siêu mỏng cánh”. Chính vì thế nên mặc dù nó phát ra âm thanh stereo hoặc mono y như TV ngày trước, chất lượng âm thanh của nó vẫn tệ hơn nhiều (do kích thước loa nhỏ hơn). Ngoài ra, những cái loa nhỏ nhắn xinh xắn này thường hay được gắn ở mặt sau của TV, cho nên âm thanh phát ra sẽ lại càng khó nghe hơn do nó chĩa vô tường chứ không chĩa vào người xem.
Kết hợp các yếu tố như lời thoại lầm bầm, tiếng nổ át tiếng nói, downmixing, và loa tàn tàn, bạn sẽ thấy chuyện không nghe rõ lời thoại cũng là điều… hiển nhiên. Có vẻ như các hãng TV cũng biết điều này, cho nên họ mới tích hợp nhiều tùy chỉnh để cải thiện trải nghiệm của người dùng, chẳng hạn như tính năng giúp nghe rõ lời thoại hơn. Mà đó cũng chỉ là giải pháp mang tính chất “chắp vá” mà thôi, chứ không phải là phép tiên mà áp vô phim nào cũng ngon lành.
Giải pháp giúp bạn thoải mái hơn trong việc xem phim
Do chúng ta không thể nào quay phim và thu âm theo kiểu như hồi đó được, cho nên bây giờ có 3 giải pháp: một là mua loa xịn hơn, hoặc đi xem rạp với hệ thống âm thanh xịn sò; hai là đừng quá đặt nặng chuyện phải nghe rõ từng chữ một; ba là cứ bật phụ đề lên thôi, sao phải xoắn!
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về lý do tại sao xem phim bây giờ thường hay bật phụ đề. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Xem vietsub sẽ thích hơn, nhưng đôi khi mình cũng chọn xem phim lồng tiếng để dễ làm việc
- Hướng dẫn “tắt đèn” web, giúp trải nghiệm xem phim như chiếu rạp không lo bị sao nhãng
- Đổi gió xem phim trên màn hình 21:9, tận hưởng cảm giác “không viền” vừa lạ vừa quen
- Thời gian xem phim lâu nhất một ngày của bạn là bao nhiêu tiếng?
- Xem phim trên mạng bây giờ thật dễ dàng, chỉ tiếc là không còn thú vị như xem TV hồi xưa nữa
- Vấn đề muốn thuở: Nên “xem phim” trước hay sau khi chơi game?
- Có một kiểu người, chỉ xem một nửa review phim rồi tắt vì sợ spoil
- Thời phim ăn theo game là dở đã hết, phim truyền hình Halo chào sân với lượng người xem kỷ lục
Nguồn: Vox
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!