Sống là phải biết hưởng thụ anh em ạ, và hưởng thụ nó cũng là cả một nghệ thuật đấy.

Nói văn vẻ vậy thôi chứ cái nghệ thuật mà mình muốn đề cập đến trong bài này cũng đơn giản lắm. Chuyện là thế này, mấy dân công nghệ một khi đã dùng máy tính hay điện thoại để giải trí rồi thì thường chủ yếu sẽ là xem phim và chơi game (đọc tiểu thuyết, manga hay làm gì khác thì cũng có nhưng tỉ lệ ít lắm), mình cũng vậy, game và phim là 2 nguồn giải trí không thể thiếu của mình. Mặc dù lớn rồi, đôi khi công việc ập về sấp mặt thì cũng không có thời gian chơi bời nhưng chắc chắn không chơi game và xem phim thì mình chết khô mất. Và mình chắc chắn mấy bạn đang đọc bài này đa phần cũng đều như vậy đúng không nào?

Nhưng mà cái gì cũng cần sự cân bằng cả, chơi game cả ngày thì nó mệt, mà xem phim hoài nó cũng ngứa tay nên đa phần mọi người đều sẽ chọn cả 2 cho một ngày giải trí nghỉ xả hơi mà không phải đi ra ngoài đường. Và điều đó cũng phát sinh một vấn đề rất dễ gây “xoắn não”, đó là: Xem phim trước hay là chơi game trước đây ta?

Cái này thì mặc dù đúng là tùy sở thích của từng người, nhưng mà theo “học thuyết hưởng thụ” của mình thì cần phải có một cái trình tự nhất định cho nó. Đi ngược lại thì chẳng những không “chill” được mà còn rất dễ rước bực vào người. Mình sẽ không nói rõ cái trình tự đó ngay đâu mà phải phân tích xong cho nó hợp lý rồi mình mới nói, trước hết hãy nói về việc chơi game trước đi.

Khi chơi game, bạn hoàn toàn chủ động, cơ thể của bạn sẽ rơi vào trạng thái tập trung cao độ nhất mà với mấy con game FPS. Cơ thể của bạn sẽ tiết ra Adrenaline để kích thích thần kinh và cơ bắp, sẵn sàng cho những phản ứng tốc độ cao và giải phóng năng lượng nhiều hơn.

Xem phim là một loại trải nghiệm giải trí thụ động. Bạn cần phải đặt mình vào trạng thái thư giãn nhất và đầu óc của bạn phải sạch nhất có thể tận hưởng và cảm nhận những thước phim mà mình đang xem. Có như vậy thì bạn mới cảm nhận được hết giá trị của phim. bạn sẽ không cần phải chủ động như khi chơi game, việc của bạn là cảm nhận một cách thụ động những gì mà những bộ phim mang đến. Não của bạn chỉ việc vận động vừa phải để hiểu phim là đủ. Rõ ràng là dù mang giá trị giải trí như nhau nhưng với phim thì bạn có thể thư giãn nhiều hơn.

Từ đó, có thể thấy rằng với việc chơi game, bạn sẽ có trải nghiệm giải trí thật hơn, có thể đôi khi bạn sẽ bực bội vì ăn hành hay đồng đội ngáo nhưng chắc chắn là nó sẽ mang tính chủ động nhiều hơn và cảm xúc của bạn là do bạn tạo ra. Dù bạn chơi đánh cờ hay chơi FPS thì não, mắt và tay của bạn đều luôn trong trạng thái tập trung cao độ, thế nên rõ ràng chơi game mặc dù rất vui và có thể mang lại giá trị giải trí cao, tuy nhiên khi chơi game thì cơ thể của bạn sẽ không được thư giãn.


OK, giờ đến phần chém gió phân tích của mình!


Theo mình, việc xem phim trước và chơi chơi game sau là hoàn toàn không hợp lý. Khi cơ thể còn đang tràn trề năng lượng mà bạn bắt nó thư giãn thì những phút giây thư giãn đó cũng sẽ không thực sự giá trị. Còn khi vừa xem phim xong, khi cơ thể đang thả lỏng mà bạn lại bắt đầu chơi game thì sẽ rất dễ diễn ra tình trạng não của bạn bị đình trệ và không thể đạt được trạng thái tốt nhất, khoảng thời gian giải trí của bạn sẽ kém hiệu quả và đôi khi còn rước bực vào người.

Vì thế mà bạn nên ưu tiên chơi game trước và xem phim sau. Khi chơi game, bạn sẽ được giải tỏa năng lượng và quẩy tung nóc nhà, sau khi chơi game đã đời rồi thì chuyển sang xem phim cho thoải mái và kết thúc một phiên giải trí với tâm hồn thư thái, nhẹ nhàng. Nếu khi chơi game mà mọi chuyện không như ý và gặp phải nhiều sự ức chế thì nó cũng sẽ dễ dàng được xoa dịu với những giờ cày phim.

Đối với ai thì không biết nhưng đối với mình thì đó mới là cách để tận hưởng trọn vẹn những giờ giải trí với game và phim. Đương nhiên là đôi khi cũng có ngoại lệ, cũng có những lúc mình lười quá không chơi game mà chỉ xem phim hoặc ngược lại. Nói chung thì việc chơi game trước rồi mới xem phim sau dù chỉ là một nguyên tắc “mềm” nhưng nó lại giúp mình tận hưởng những ngày nghỉ một cách hiệu quả hơn.

Mình thì là vậy đấy, còn anh em thì sao?