Vừa rồi, Arm vừa mới công bố Arm Cortex-R82 – vi xử lý 64-bit Cortex-R đầu tiên được thiết kế để thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất các giải pháp lưu trữ thế hệ mới dành cho doanh nghiệp và tính toán. Lưu trữ tính toán (computational storage) đang dần đóng một vai trò quan trọng bởi vì nó sẽ đưa sức mạnh xử lý trực tiếp lên các thiết bị lưu trữ, cho phép công ty có thể truy cập các thông tin quan trọng một cách an toàn, dễ dàng, và nhanh chóng. Nhờ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên Arm là một trong những hãng đang đi tiên phong – với khoảng 85% bộ điều khiển (controller) của HDD và SSD đều được thiết kế dựa trên Arm.

Arm Cortex-R82 có hiệu năng cao hơn gấp 2 lần (tùy theo tác vụ) so với Cortex-R thế hệ trước. Điều này sẽ cho phép các ứng dụng lưu trữ chạy các tác vụ mới như máy học (machine learning) với độ trễ thấp hơn. Cortex-R82 là chip 64-bit, cho phép truy cập đến 1 TB DRAM để xử lý dữ liệu trong các ứng dụng lưu trữ.

Xử lý dữ liệu ngay tại nơi được lưu trữ sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong các mảng Internet vạn vật (IoT), máy học (ML), vân vân. Nó sẽ được ứng dụng vào những công việc như hỗ trợ quản lý cơ sở dữ liệu và chuyển mã video; giao thông vận tải – phân tích hàng TB dữ liệu máy bay mỗi ngày – giúp bảo đảm an toàn cho chặng bay tiếp theo trong vòng 30 phút.

Trong thời buổi thị trường lưu trữ ngày càng mở rộng và nhu cầu ngày một tăng cao, vi xử lý Cortex-R82 cho phép các đối tác có thể tùy biến với số nhân lên đến 8 nhân và tùy chỉnh các tác vụ đang chạy trên bộ điều khiển ổ cứng thông qua phần mềm một cách linh hoạt. Các bộ điều khiển lưu trữ ngày càng được đa dạng hóa để phù hợp với nhiều thị trường và tính năng khác nhau, và Cortex-R82 chính là một trong các giải pháp giúp giảm chi phí và tiết kiệm thời gian.

Arm Cortex-R82 ra đời là vì trong bối cảnh hàng tỷ thiết bị được kết nối với nhau, việc chỉ xử lý dữ liệu trên đám mây không còn là một phương án tối ưu nữa. Cortex-R82 sẽ giúp các công ty tạo ra insight và thu thập được những dữ liệu quan trọng một cách hiệu quả và an toàn nhất.

Nguồn: TechPowerUp