Game cũng là một sản phẩm. Để bán sản phẩm thì cần có khách hàng. Và để có thật nhiều khách hàng, đôi lúc, ta cần phải làm một chiến dịch marketing sao cho “táo bạo” một chút.

Vừa qua, Fortnite đã làm một pha “chơi trội” bằng cách tắt hết những kênh truyền thông chính thức của tựa game này, thậm chí tắt luôn cả server game. Sau đó, họ chỉ livestream đúng một cái “lỗ đen vũ trụ” trong 2 ngày cuối tuần, làm “tiêu tốn” 50,7 triệu phút của cả thế giới.

Thật ra, trong lịch sử ngành game cũng đã có một vài “pha” marketing tương tự, khiến game thủ được một phen trầm trồ “ngưỡng mộ”. Sau đây là 5 “pha” quảng cáo sản phẩm game ấn tượng nhất từ trước đến nay.

Apex Legends (2019)

Không marketing rầm rộ, không kèn không trống, chỉ đơn giản là một buổi livestream ra mắt và một câu nói: “Các bạn đã có thể tải về và tham gia vào game ngay bây giờ!”.

Nhà phát triển của Apex Legends là Respawn Entertainment, được thành lập bởi những nhân viên kỳ cựu tách ra từ studio Infinity Ward – một studio từng làm khuấy đảo cộng đồng game thủ FPS với Call of Duty 4: Modern Warfare.

Tuy với hai tựa game Titanfall và Titanfall 2, Respawn Entertainment không đạt được thành công về mặt doanh số như mong đợi, và có nhiều thông tin chỉ ra rằng EA là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cớ sự này. Nhưng với Apex Legends thì họ đã tạo được một tiếng vang cực kì lớn, cả về mặt phản hồi của game thủ lẫn về mặt doanh số khi thu về 150 triệu USD chỉ sau 3 tháng ra mắt.

Lý do đằng sau sự thành công này là bởi vì tuy Respawn Entertainment đã về chung một nhà với EA, nhưng họ vẫn có toàn quyền quyết định đối với tựa game Apex Legends. Đây là một tin vui cho cả Respawn lẫn game thủ, bởi vì EA trong mắt game thủ không phải là một nhà phát hành “thiện lành” cho lắm. Điển hình là vụ Star Wars Battlefront II (2017) cố tình “hút máu” người chơi thông qua việc quay hòm nhận vật phẩm. Và thậm chí phản hồi của đại diện EA trên diễn đàn Reddit về vấn đề này còn “được” nhận nhiều “dislike” nhất trong lịch sử Reddit.

Ngoài ra, thay vì chi tiền vào việc chạy quảng cáo truyền thống, EA/Respawn đã bắt trend thể loại battle royale, bỏ ra hàng triệu USD để mời nhiều streamer nổi tiếng trong thể loại game này để livestream tựa game này ngay trong ngày đầu tiên ra mắt, chẳng hạn như Ninja (13 triệu người theo dõi), DrDisrespect (3 triệu người theo dõi), Shroud (5,4 triệu người theo dõi).

Kết quả là đã có 25 triệu người chơi ngay trong tuần đầu tiên ra mắt, và 50 triệu người sau 1 tháng.

Mass Effect 3 (2012)

Series nhập vai – hành động Mass Effect nổi tiếng với cơ chế cho phép game thủ tự do khám phá các dải ngân hà, và khai khác khoảng sản từ các hành tinh khác nhau để nâng cấp đồ trong game. Hiểu được điều này, EA đã quảng bá cho phần 3 cửa series bằng cách cột đĩa game vào những chiếc khinh khí cầu và thả cho bay vào không gian, sau đó chụp vài tấm hình gửi về Trái Đất.

Ý tưởng này nghe thì “tầm cỡ” thiệt, nhưng thực tế thì mọi việc diễn ra không được suôn sẻ cho lắm. Những chiếc khinh khí cầu này đã gặp lỗi định vị, và hiện vẫn còn một chiếc đang bị mất tích tại San Francisco.

Và tuy có màn ra mắt hoành-tá-tràng như thế nhưng Mass Effect 3 lại bị cộng đồng fan chỉ trích bởi vì kết thúc của game (mang tính chất quyết định cho cả series 3 phần) vẫn chưa thỏa đáng, y như Fallout 3 ra mắt 4 năm trước đó.

Game thủ yêu thích series Mass Effect là bởi vì nó có cốt truyện bi tráng, và mỗi hành động của bạn sẽ có ảnh hưởng rõ ràng và trực tiếp lên  những sự kiện diễn ra sau đó. Tuy nhiên, khi game thủ đối mặt với 3 sự lựa chọn ở cuối Mass Effect 3, cho dù chọn option nào đi chăng nữa thì kết cục cũng không mấy “khác bọt”, và game cũng không giải thích thêm bất cứ điều gì sẽ xảy ra sau đó. Nói chung là cảm giác hụt hẫng xen lẫn… “tụt mood”.

Virtua Tennis 2 (2003)

Tất nhiên, có những pha “chơi lớn” thành công, thì cũng có những pha “chơi lớn” nhưng fail sấp mặt. Và năm 2003 đã có một pha “chơi ngu” như thế.

Nhà phát hành Acclaim Entertainment đã quảng bá cho tựa game thể thao quần vợt Virtua Tennis 2 bằng cách thả bồ câu bay ngay trong giải đấu Wimbledon – giải quần vợt nổi tiếng nhất, uy tín nhất, và lâu đời nhất trên thế giới với bề dày lịch sử hơn 140 năm. Điều đó đồng nghĩa với việc để có một suất quảng cáo trong giải đấu này thì Acclaim đã phải bỏ ra một số tiền “siêu to khổng lồ”.

Và Acclaim đã tận dụng suất đó để vẽ logo lên đàn chim “Pidgeot” và cho nó bay “xà quần” sát rạt trước mặt khán giả đang ngồi xem bên dưới, ngay trong khoảng thời gian làm nóng (warm-up) giữa 2 hiệp chính.

Không ai biết rõ bằng cách nào mà ý tưởng này lại có thể thoát ra khỏi phòng họp của Acclaim Entertainment. Tuy họ nhắm đúng khách hàng tiềm năng (những người thích thú bộ môn quần vợt) và đúng thời điểm (giải quần vợt Wimbledon), nhưng cách Acclaim thực hiện chiến lược marketing này lại có phần… “kém thông minh”.

The Wizard (1989)

Nếu Acclaim quảng cáo thông qua giải quần vợt, thì Nintendo quảng cáo sản phẩm của họ thông qua bộ phim The Wizard.

Cốt truyện bộ phim xoay quanh ba bạn trẻ muốn tham gia cuộc thi chơi game để trở thành nhà vô địch, nhưng trước khi làm điều đó thì họ phải vượt qua được Lucas Barton, một game thủ “có máu mặt” sở hữu găng tay Power Glove của Nintendo.

Nói một cách ngắn gọn thì găng tay này tựa tựa như Găng tay Vô Cực (Infinity Gauntlet) trong series phim siêu anh hùng The Avengers. Nó được thiết kế với mục đích thay thế tay cầm NES vào thời gian đó, và thật sự thì nhìn nó rất hầm hố và rất chi là “ngầu lòi”.

Tuy nhiên, Power Glove lại rất “đoản mệnh”, chỉ bán được khoảng 100.000 sản phẩm. Lý do là bởi vì găng tay này hoạt động chưa thực sự tốt, và máy NES cũng không xử lý kịp thông tin chuyển động 3D của găng tay. Ngoài ra, Power Glove cũng không có phiên bản dành cho tay trái, sách hướng dẫn thì dài dòng và phức tạp, khâu cài đặt thì lại khó nhằn.

Hơn nữa, Nintendo cũng chỉ ra mắt 2 tựa game hỗ trợ găng tay này (thậm chí nó còn không được tối ưu tốt cho găng tay), và hứa hẹn thêm 3 game khác, xong rồi… dẹp Găng tay Sức mạnh qua một bên luôn.

Nintendo hẳn đã đổ rất nhiều tiền cho bộ phim này, khi mà kinh phí làm ra The Wizard lên đến 14 triệu USD, để rồi Power Glove thất bại một cách rất chóng vánh. Tuy nhiên, găng tay này có thể được xem như là “ông cố tổ” của tay cầm Wii nun-chuck hay Switch Joy-Con mà chúng ta đang sử dụng.

Turok: Evolution (2002)

Lại thêm một pha “chơi trội” nữa đến từ vị trí Acclaim. Xét về độ liều lĩnh trong việc marketing sản phẩm game thì chắc chả có ai qua được cái tên này.

Sau sự kiện “bồ câu bay” tại Wimbledon, năm 2002, Acclaim lại tiếp tục tung ra lời chào mời trị giá 10.000USD cho phụ huynh đầu tiên hạ sinh được em bé tên là Turok trong ngày 01/09. Không rõ là có em bé nào thỏa mãn điều kiện kia không, nhưng chỉ biết một điều rằng 2 năm sau thì Acclaim tuyên bố phá sản.

Chắc có lẽ đây là nguồn cảm hứng đằng sau ý tưởng tương tự của nhà phát triển Bethesda khi họ quyết định tặng miễn phí game trọn đời dành cho ai đặt tên đứa con của mình là Dovahkiin – nhân vật chính trong game The Elder Scrolls V: Skyrim – vào năm 2011, năm mà Skyrim ra mắt.

Ngoài ra Acclaim còn “nổi tiếng” với nhiều chiêu trò quảng cáo khác như sẵn sàng trả tiền vé phạt nếu bị bắt khi đang “đua” đến cửa hàng Gamestop để mua đĩa Burnout vào năm 2002; hoặc đề nghị trả tiền cho các gia đình có người thân đã mất để dán quảng cáo trò Shadowman (1999) lên phần mộ của họ; thậm chí Acclaim còn dõng dạc nói rằng lời đề nghị này có thể sẽ giúp được những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ có cái “lỗ đen” của Fortnite mà mình mới nảy ra ý tưởng tìm lại những “pha” marketing tương tự, và nó đã đem mình từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mình nhận ra được một điều rằng có tiền để chi cho quảng cáo không phải là vấn đề tiên quyết, mà quan trọng nhất vẫn là mức độ điên rồ của ý tưởng cho chiến dịch marketing. Bạn có thể “điên”, nhưng tuyệt đối đừng “rồ” như Acclaim đã từng nhé.

Nguồn: IGN