Hiếm có một đề tài nào lại được các nhà làm game ưu ái như thời Tam Quốc, đặc biệt là các nhà làm game của Nhật và Trung Quốc. Nó là nền tảng của những tựa game được đầu tư lớn như Total War: Three Kingdoms, Romance of the Three Kingdoms series cho đến mấy con game MMORPG mì ăn liền theo kiểu võ lâm của Trung Quốc. Thậm chí những nhà phát triển indie nhỏ lẻ bên Nhật cũng cực kỳ ưa chuộng đề tài này. Nó gần như đã trở thành một “vũ trụ game” luôn rồi chứ không còn là một đề tài lịch sử cho game đơn thuần nữa.

*Bài viết này sẽ là kiến giải của cá nhân mình về việc vì sao Tam Quốc lại được các nhà làm game ưu ái “vắt sữa” đến như vậy. Hy vọng sẽ đem đến được cho anh em một câu chuyện thú vị để chém gió với bạn bè.

Khi lịch sử được lãng mạn hóa và trở nên quá nổi tiếng

*Việt Nam mình nhiều người lẫn lộn lắm nha. Đến bây giờ cũng còn rất nhiều bác xem cuốn “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung như một bộ tư liệu lịch sử thực sự. Về vấn đề này thì mình nghĩ phải nói sơ lại cho anh em dễ hệ thống.

Tam Quốc là một thời đại tuy khá ngắn nhưng đầy binh biến loạn lạc trong lịch sử Trung Hoa. Các tư liệu lịch sử xa xưa như từ thời này thường không được ghi chép tường tận như thời kỳ cận đại, hiện đại. Một trong những tài liệu được nhiều người biết đến và chính thức công nhận nhất của thời đại này là cuốn Tam Quốc Chí do sử gia Trần Thọ biên soạn vào thế kỷ thứ 3 cũng chỉ đơn giản là được hình thành từ các mẩu chuyện nhỏ kể về 3 nước Ngụy, Thục và Ngô của thời đại này. Và độ chính xác của những mẩu chuyện đó thì cũng ở mức độ tương đối thôi, sử gia Trần Thọ cũng là con người chứ có phải thánh thần đâu mà đi khắp Tam Quốc, lê lết từ chiến trường đến gầm giường trong hậu cung hoàng đế mà hóng chuyện chứ?

Một trang của Tam quốc chí (mình chôm trên Wiki đấy)

Sau đó đến thế kỷ thứ 14 thì nhà văn La Quán Trung mới dựa trên cuốn Tam quốc chí mà viết nên cuốn tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Về bản chất thì Tam quốc diễn nghĩa là một phiên bản lãng mạn hóa từ cuốn Tam quốc chí. Các nhân vậy thì có cá tính hơn, hành động ngầu lòi hơn, diện mạo được miêu tả cụ thể hơn, ăn mặc chất chơi người dơi hơn bản gốc. Các sự kiện trong đó cũng thêm phần drama và trở nên bổ phổi, hay ho, cuốn hút hơn. Thêm vào đó thì do dựa trên cái gốc là lịch sử nên nội dung của Tam quốc diễn nghĩa có tính logic cao. Đến ngày nay người ta vẫn có thể bàn về các nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa mỗi lúc trà dư tửu hậu cũng là nhờ yếu tố này.

Tất cả những điều đó làm cho Tam quốc diễn nghĩa trở thành tác phẩm thường được nhắc đến đầu tiên trong Tứ đại danh tác của Trung Quốc. Đồng thời cuốn tiểu thuyết này cũng trở thành nền tảng cho các tác phẩm chuyển thể về sau, từ phim truyền hình, phim điện ảnh, truyện tranh, tiểu thuyết… và đương nhiên là có cả game nữa. Anh em cần nhớ rằng tất cả những tựa game anh em chơi hiện nay mà có lấy chủ đề Tam Quốc thì đều là từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa chứ không phải từ những tư liệu lịch sử như Tam quốc chí đâu nha. Cái này thì bên phương Tây họ phân biệt kỹ lắm, Three Kingdom là thời kỳ Tam Quốc bên Trung Quốc, còn Tam quốc diễn nghĩa gọi là là Romance of the Three Kingdoms nhé.

Các nhân vật quen thuộc

Tam quốc diễn nghĩa chắc chắn sẽ không thể nào thành công đến thế nếu thiếu những nhân vật anh hùng mà người ta vẫn ngưỡng mộ. Đôi khi chúng ta thích một bộ phim, một cuốn tiểu thuyết chỉ vì một hoặc một vài nhân vật nào đó. Còn Tam quốc diễn nghĩa thì có quá nhiều nhân vật hay ho để chúng ta hứng thú.

Tào tháo đa nghi nhưng tài hoa hơn người, một tay dựng đế nghiệp. Gia cát lượng túc trí đa mưu, thần cơ diệu toán. Quan Vũ trung nghĩa can trường, là hình mẫu của người quân tử, đến con ngựa của ổng cũng vì trung thành với chủ mà tuyệt thực đến chết. Triệu Vân đơn thương độc mã đột phá vòng vây cứu ấu chúa (mặc dù là do Tào đại ca cố tình thả, nhưng mà chung quy vẫn ngầu). Lữ Bố được xưng là chiến thần nhưng đời tư lại khá nhiều “scandal” phản chủ (và vụ lớn nhất giết cha nuôi Đổng Trác do tranh giành hot girl Điêu Thuyền). Trương Phi tính nóng như lửa, ghét thằng nào đấm thằng đó mà không nghĩ đến hậu quả (cơ mà ông này lại có máu nghệ sĩ trong người, viết chữ rất đẹp và có sở trường vẽ tranh mỹ nhân).

Những nhân vật trong thời Tam Quốc qua ngòi bút của tác giả La Quán Trung đều trở nên sinh động, người người yêu thích lẫn ngưỡng mộ và quan trọng nhất là họ đã quá quen thuộc với đại chúng rồi. Nhiều khi anh em mình còn thuộc nhiều tên nhân vật thời Tam Quốc hơn tất cả nhân vật lịch sử Việt Nam cộng lại nữa kìa. Mấy ông nhà làm game cứ việc bê nguyên vào game thôi, cùng lắm chế cháo thêm một tí cho phù hợp là được. Có những nhân vật này trong game rồi thì chỉ cần game không nát là gần như sẽ được game thủ ưa thích.

Thêm nữa là trong Tam quốc diễn nghĩa cũng không chỉ có mấy anh cao to đen hôi. Vẫn có những nhân vật nữ như Điêu Thuyền, Đại Kiều – Tiểu Kiều, Tôn Thượng Hương, Chúc Dung… nhưng không được nói đến nhiều. Trên game, họ sẽ có nhiều đất diễn hơn, được mô tả với những hình tượng sexy, bung lụa mà con gái nhìn còn thấy thích chừng nói là mấy ông game thủ. Đây cũng là một trong những điểm cuốn hút của mấy con game Tam Quốc.

Nền tảng hoàn hảo cho game RTS, MOBA và (MMO)RPG

Khi làm một tựa game thì thường người ta sẽ phải dày công tạo ra một bối cảnh hay ho. Rồi lại phải tinh chỉnh từng thứ một để các chi tiết trong game sao cho logic… và hàng tá thứ phức tạp khác nữa. Thế thì tại sao người ta lại không làm game từ nền tảng là một cuốn tiểu thuyết siêu nổi tiếng trên toàn thế giới như Tam quốc chí nhỉ? Chỉ cần làm vậy là các nhà làm game sẽ chỉ cần quan tâm đến việc thiết kế đồ họa và xây dựng cơ chế game thôi, quá lời rồi còn gì. Hơn nữa Tam Quốc đã là chủ đề nổi tiếng từ rất lâu rồi, ai cũng biết và ai cũng thích, khỏi mất công setup bối cảnh.

Đối với game RTS (chiến thuật thời gian thực) thì Tam Quốc là một thời đại chiến loạn liên miên, đánh nhau om sòm, tạo thành một bối cảnh không thể nào thích hợp hơn. Đối với mấy con game MMORPG (nhập vai) theo kiểu võ lâm thì chúng ta sẽ có một câu chuyện hay ho với nhiều giai thoại kinh điển, đỡ mất công viết cốt truyện. Game MOBA (kiểu như Liên Minh và Liên Quân ấy) thì đã có sẵn dàn nhân vật siêu thú vị rồi, chỉ cần chế cháo ra mấy bộ chiêu thức liên quan đến các sự tích của họ là xong. Mấy ông người Nhật còn sáng tạo hơn khi bày ra mấy con game thẻ bài, visual novel các kiểu, rồi cả cái trò đổi giới tính nhân vật lịch sử thành mấy em gái moe để thu hút game thủ nữa.

Còn người thích Tam Quốc là còn game Tam Quốc

Mặc dù đã xuất hiện trên thị trường game từ cái đời xa lắc nào rồi nhưng chủ đề Tam Quốc vẫn chưa bao giờ lỗi thời. Các sản phẩm giải trí về thời Tam Quốc mà còn thì vẫn sẽ còn game lấy bối cảnh đó. Cho dù là đối với những dự án game lớn, mấy con game mì ăn liền bên Trung Quốc hay game indie của mấy studio nhỏ lẻ bên Nhật thì Tam Quốc vẫn là một chủ đề dễ khai thác. Thị trường muốn chơi thì mình làm game mình bán thôi. Cho dù là Tam quốc diễn nghĩa không quá nổi tiếng như vậy thì về bản chất nó vẫn là một cuốn tiểu thuyết cực hay. Thế nên kiểu gì thì cũng có người làm game Tam Quốc thôi, độ hot tuy có thể tăng giảm theo từng thời kỳ nhưng chủ đề Tam Quốc chắc chắn chẳng bao giờ lỗi thời đâu.