Hẳn nhiều bạn cũng đã “chai mặt” với cơ chế save game luôn rồi. Có trò thì sẽ tự save game ở những chỗ được lập trình sẵn, có trò thì bạn phải save game thủ công. Tuy nhiên, thay vì làm theo những cách nhàm chán này thì một số nhà phát triển đã “suy nghĩ bên ngoài cái hộp”, tạo ra những cơ chế save game cực kỳ ấn tượng. Bạn không chỉ cứ bấm nút save là xong mà những chỗ này có animation, quy trình hẳn hoi, giúp game trở nên thú vị hơn gấp nhiều lần. Sau đây là top 8 sáng kiến biến save game từ thao tác nhàm chán thành điểm nhấn độc đáo trong game.

Máy đánh chữ – Resident Evil

Resident Evil là dòng game khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm sau những pha  rượt đuổi bởi đám zombie vì được nhìn, và nghe thấy tiếng gõ lách cách của chiếc máy đánh chữ. Dành cho những bạn nào chưa bao giờ chơi qua tựa game Resident Evil nào thì máy đánh chữ chính là một sáng kiến save game vô cùng sáng tạo của Capcom.

Sau những màn bị dọa cho chết khiếp bởi đám zombie với đầy đủ các kích cỡ và ngoại hình khác nhau thì việc nhìn thấy một chiếc máy đánh chữ là một nỗi niềm vui mừng khó tả của game thủ. Dù thiết kế của máy đánh chữ có phần lỗi thời so với bối cảnh hiện đại của game, nhưng vẫn bằng một cách nào đó mà game thủ không hề cảm thấy sự xuất hiện của máy đánh chữ bị lạc quẻ do Capcom luôn tìm những vị trí tưởng không hợp lý mà lại hợp lý vô cùng để đặt công cụ save này vào. Nếu so với các phần game mới thì việc save game dễ hơn rất nhiều, bởi vì ở các phần cũ thì bạn chỉ có một số lượng ít ruy-băng mực dùng để nạp cho máy đánh chữ và lưu game mà thôi.

Tủ lạnh – Eastward

Mỗi người trong chúng ta chắc cũng ít nhất một lần từng mở cửa đứng trước tủ lạnh để hứng luồng không khí mát rượi rồi đúng không? Nói thật thì còn tùy vào tình hình trời bên ngoài nóng như nào thì thời gian chúng ta đứng chui đầu vào tủ lạnh sẽ càng lâu. Nếu bạn nào đã từng có kỷ niệm khó quên như thế với cái tủ lạnh ngoài đời thực thì khi bước vô tựa game Eastward này thì kỷ niệm đó sẽ lại ùa về đấy. Tuy nhiên, việc đứng mở cửa rồi nhìn chằm chằm vào tủ lạnh trong Eastward không chỉ giúp bạn mát hơn mà nó còn giúp bạn “lưu” lại một phần cuộc đời của nhân vật chính.

Nói vòng vo là thế, chứ nói trắng ra thì hành động mở cửa, và nhìn vào tủ lạnh chính là một sáng kiến save game khá là kỳ quặc nhưng lại hài hước của nhà phát triển Eastward. Ngoài ra cách lưu game thủ công này ra thì bạn sẽ không còn cách nào khác để lưu game thủ công trong game, đến cả màn hình menu cũng sẽ không có lựa chọn save game cho bạn đâu.

Safe room – Left 4 Dead

Có thể Left 4 Dead không phải là tựa game duy nhất có tính năng safe room, nhưng cách mà tựa game này thiết kế safe room mới chính là điều khiến cho trải nghiệm người chơi trở nên đặc biệt. Cho dù bạn đang chơi ở chế độ chơi đơn hay chơi mạng thì sau khi tốn bao nhiêu công sức, mồ hôi và máu thì luôn luôn có một cái safe room “nằm nghiêng ráo nước” chờ bạn tới ở mỗi màn.

Sau khi đã vào được bên trong safe room và giữ cho bản thân an toàn khỏi đám zombie, người chơi có thể hồi phục máu và nhặt đồ tiếp tế trước khi tiếp tục lên đường. Chính điều này đã khiến cho game thủ cảm thấy safe room không chỉ đơn thuần là chỗ để bạn tới và lưu game, mà nó còn là chỗ để bạn nghỉ ngơi, và xả hơi trong chốc lát, hoặc cũng có thể là một tia hy vọng cuối con đường giúp game thủ lấy lại tinh thần tiếp tục xông pha, giành giật sự sống của bản thân với đám zombie khát… “não”. Nói chung, sáng kiến save game của Left 4 Dead đã tạo ra các điểm nhấn nhá cảm xúc rất tốt trong game.

SAVE Point – Undertale

Có rất nhiều thứ khiến bạn ấn tượng trong Undertale, nhưng để nói nó cộp mác game này luôn thì một trong số đó là các SAVE Point. Nó sẽ xuất hiện như một ngôi sao nhỏ lấp lánh trong game, và bạn có thể dùng nó để save và hồi lại HP Point. Sau khi save xong thì thường màn hình sẽ hiện lên một thông điệp, và mỗi SAVE Point sẽ có 1 cái khác nhau.

Các thông điệp này sẽ liên quan đến khu vực hoặc phần gameplay trước đó, và nếu để ý thì bạn sẽ thấy nó phản ánh những suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật chính. Nhưng tất cả các thông điệp của SAVE Point đều có 1 điểm chung, đó là chúng đều kết thúc bằng đoạn “…fills you with determination”. Đi theo Genocide Route, các SAVE Point sẽ cho biết số quái vật còn lại trong 1 khu vực mà bạn cần phải tiêu diệt. Khi làm xong việc này thì thông điệp của SAVE Point chỉ hiện ra ngắn gọn là “Determination”. Nói chung là nó đều cho thấy nhân vật chính của chúng ta rất kiên quyết các bạn ạ.

Con ếch save game – Mother 3

Bảo đảm cách save game này là độc nhất vô nhị luôn. Mother (ở Nhật, còn ở nước ngoài là EarthBound) là dòng game nhập vai trứ danh trên các hệ máy của Nintendo. Trong phần Mother 3 đình đám, mỗi khi muốn save game là bạn sẽ phải nói chuyện với… một con ếch (Save Frog). Vì cơ chế save game trong những phần Mother trước được tích hợp vào trong điện thoại, cho nên việc đổi mới sang con ếch đã khiến nhiều game thủ cảm thấy bất ngờ và thích thú.

Về sau, bạn còn có thể dùng Save Frog để nộp hoặc rút “Dragon Power” – đơn vị tiền tệ trong game. Những con ếch này nằm rải rác trong game, thường xuất hiện ở những nơi ít ai nghĩ đến, và chúng đều khác biệt với nhau. Mỗi con đều mang một thông điệp riêng, khuyến khích game thủ tìm đủ Save Frog để khám phá những bí mật trong Mother 3.

Bốt điện thoại khẩn cấp – Alien Isolation

Sử dụng bốt điện thoại khẩn cấp trong Alien Isolation vì bất kì giây phút nào trên trạm vũ trụ Sevastopol cũng đều khẩn cấp cả. Tuy nhiên, mục đích chính của mấy cái bốt này không phải là để báo nguy mà là để save game cơ.

Nhưng mà đó chưa phải là cái hay của mấy cái bốt này. Tiếng píp píp liên tục sẽ vang lên khi có con quái ở gần, mà oái ăm ở chỗ là thao tác save này cần bạn phải đứng lại vài giây. Cái cảm giác chờ nó save đã khổ, nghe tiếng píp píp liên tục càng đáng sợ hơn. Điểm an ủi duy nhất là nó có thể cho bạn biết quái đang ở gần để có bị xực thì cũng đỡ bất ngờ, vẫn đỡ hơn cái việc save gần xong thì bị tóm. Chẳng biết ai nghĩ ra cái sáng kiến dùng bốt điện thoại khẩn cấp trong Alien Isolation để save game nhưng cảm giác nó mang lại thực sự rất thốn mấy bạn ạ.

Lửa trại (Bonfire) – Dark Souls

Mấy đống lửa trại trong nhiều tựa game khác chẳng mang ý nghĩa gì đặc biệt mấy nhưng trong dòng game Dark Souls thì chúng cực kỳ quan trọng vì chúng chính là điểm save game. Ngồi bonfire sẽ giúp bạn hồi lại máu và mấy bình thuốc, xóa bỏ hiệu ứng độc và cho bạn save game. Ngoài ra khi bạn ngồi bonfire thì mấy con quái sẽ không “tẩn” bạn.

Nhưng mà mấy đống lửa này không hề miễn phí đâu, đôi khi bạn sẽ phải chạy cả một quãng đường rất dài, chết cả chục lần, và lùng sục khắp nơi chỉ để tìm thấy một cái. Có lẽ đây là sáng kiến của thánh buôn hành Miyazaki để khiến game thủ trân trọng những điểm save game này hơn. Mà nếu đúng là vậy thì nó thực sự hiệu quả. Game thủ Dark Souls bị đập gần chết mà tìm được một cái bonfire thì chỉ có mừng rớt nước mắt.

Nhà vệ sinh – Dead Rising

Khi nghĩ về một nơi hoàn hảo để nạp lại năng lượng, thư giãn đầu óc trước khi quay lại bem nhau ở chiến trường trong game thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh các quán trọ bình yên, quán ăn ấm áp hay bất cứ chỗ nào đó như vậy. Dead Rising thì dường như không có mấy nơi như vậy, nhưng bù lại thì mấy cái nhà vệ sinh cũng bình yên chẳng kém.

Trải rộng khắp game, các nhà vệ sinh sẽ là chỗ cho thanh niên Frank West giải quyết nỗi buồn cũng như save game. Tất nhiên không phải mọi điểm save trong Dead Rising đều là toilet nhưng chắc chắn một trong những điểm mà người chơi nhớ nhất sau khi chơi game là vào toilet để save game. Nghe hơi bựa chút nhưng việc save game kiểu này cũng là một sáng kiến vui.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: The Gamer


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360