Dung lượng game càng ngày càng nặng, có khi lên đến hơn 100 GB, vậy thì vì đâu nên nỗi?

Nếu bạn có theo dõi tin tức game gần đây thì sẽ thấy có một số bom tấn như STAR WARS Jedi: Survivor ra mắt ngày 28/04/2023 ngốn tới tận 150 GB ổ cứng, trò Microsoft Flight Simulator ra mắt ngày 18/08/2020 cũng đòi con số tương tự, hoặc tựa game bắn súng đình đám Call of Duty: Modern Warfare II ra mắt ngày 28/10/2022 cũng đòi tới 125 GB. Toàn là mấy con số trên 100 GB, cho nên dù bạn có 2 TB ổ cứng trống đi chăng nữa thì chỉ cần cài 3 game như thế thôi là đã bay hết hơn 15% dung lượng rồi.

Vậy thì do đâu mà mấy game AAA bây giờ lại nặng đến như vậy? Nhà phát triển Paradox Interactive (Stellaris, series Age of Wonders, series Victoria) có chia sẻ một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Mời các bạn cùng tìm hiểu trong phần dưới đây nhé.

Texture là nguyên nhân chính khiến game cực kỳ nặng

dung lượng game

Texture là những yếu tố đồ họa bao bọc xung quanh các vật thể hiển thị trên màn hình để tạo ra khung hình hoàn chỉnh. Chẳng hạn, 1 tòa nhà có thể được bao bọc bởi các texture nhìn giống mấy cục gạch, hoặc là một chiếc xe hơi có thể xài texture kim loại bóng loáng để nhìn thuyết phục hơn.

Do GPU càng ngày càng mạnh và game thủ cũng kỳ vọng rằng mấy trò bom tấn sẽ càng ngày càng trở nên chân thực hơn, mấy cái texture cũng vì vậy mà được nâng cấp về độ phân giải. Nếu bạn có chụp ảnh thì sẽ biết mấy tấm hình độ phân giải cao chiếm cũng kha khá dung lượng đó, và đối với texture thì bạn sẽ có hàng ngàn “tấm hình” như thế để đảm bảo rằng mọi thứ trong game sẽ nhìn chân thực hết mức có thể.

dung lượng game

Thêm vào đó, game thủ cũng đang dần chuyển sang 1440p (2K), thậm chí 4K giờ cũng không phải là chuyện hiếm nữa. Cho nên các nhà phát triển sẽ phải thiết kế các texture sao cho nó nhìn không bị mờ trên mấy cái màn hình độ phân giải cao.

Nhưng mà tại sao các nhà phát triển lại không xài mấy cái thủ thuật tiết kiệm dung lượng nhỉ? Họ có thể nén texture lại để nó bớt ngốn ổ cứng của game thủ mà?

Nén texture không phải là chuyện đơn giản, có khi lại phản tác dụng là đằng khác

dung lượng game

Thật ra, nói nghe dễ vậy thôi chứ chuyện nén texture độ phân giải cao mà không làm giảm chất lượng quá nhiều là điều hơi khó đó nha. Nó giống như mấy tấm hình JPG mà bạn thấy trên mạng: nhìn xa thì vẫn ổn, nhưng phóng lớn lên thì sẽ thấy nhiều chỗ nhìn rất là kì. Tương tự, trong game, đứng xa thì nhìn bức tường thấy cũng ok đó, nhưng tiến tới gần thì nhiều khi sẽ thấy mấy vết tích, chữ viết trên đó không được sắc nét cho lắm.

dung lượng game

Đúng là chúng ta có cách giúp GPU bớt phải chịu tải nặng đó, chẳng hạn như là áp dụng phương pháp mipmapping, cách này thực chất lại khiến game ngốn nhiều dung lượng ổ cứng hơn. Do mipmapping là cách giúp GPU render vật thể ở xa với độ phân giải thấp hơn (nhằm tiết kiệm tài nguyên của GPU), cho nên nó sẽ cần lưu nhiều phiên bản độ phân giải thấp của cùng 1 texture, song song với texture gốc. Thế nên mipmapping có thể khiến tập tin nặng hơn 33%, càng làm dung lượng ổ cứng bị vơi dần đi.

Những lý do khác khiến game ngày càng ngốn ổ cứng

dung lượng game

Cũng có những game tiết kiệm dung lượng ổ cứng bằng cách xài phương pháp gọi là procedural generation cho texture. Điều này có nghĩa là game sẽ sử dụng thuật toán logic của riêng nó để tự tạo ra texture ngay tại thời điểm đó, thay vì phải phụ thuộc vào những texture đã được render và lưu trên ổ cứng từ trước. Tuy nhiên, trong những tựa game chú trọng vào yếu tố chân thực thì phương pháp này sẽ ngốn rất nhiều tài nguyên của GPU, chí ít là tại thời điểm bài viết này. Vì thế nên nó thường không được áp dụng rộng rãi cho lắm.

Thêm vào đó, texture của game cũng thường được lưu sao cho GPU có thể truy cập nó một cách nhanh chóng, thay vì là tối ưu cho chuyện tiết kiệm dung lượng ổ cứng. Mặt khác, ổ cứng bây giờ cũng tương đối rẻ (SSD đang trên đà giảm giá), cho nên nhà phát triển sẽ ưu tiên chuyện tối ưu game sao nó nhìn sinh động và chạy mượt mà hơn là chuyện tiết kiệm dung lượng ổ cứng của bạn. Cộng thêm nữa là phần âm thanh của game cũng khó để nén mà không làm giảm chất lượng quá nhiều, thế là bạn đã có 1 tựa game sát ổ cứng rồi đó – và xu hướng này cũng sẽ tiếp diễn trong tương lai trước mắt.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về nguyên nhân vì sao mấy game bom tấn ngày nay lại ngốn ổ cứng đến thế. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.

Để quẹo lựa các mẫu ổ cứng hiện có trên thị trường với mức giá hấp dẫn, các bạn có thể xem thêm tại đây (SSD)tại đây (HDD) nhé.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360