Nếu đã tìm hiểu về công nghệ và đặc biệt là PCU thì chắc là bạn đã thấy những con CPU 4 nhân 8 luồng, 6 nhân 12 luồng, 8 nhân 16 luồng hay thậm chí là hơn rồi đúng không nào? Cái đó chính là công nghệ Siêu Phân Luồng đấy, nó giúp cho 1 nhân có thể chạy 2 luồng xử lý như 2 nhân thực sự vậy. Nghe thì phức tạp nhưng thật ra để hiểu về nó cũng không khó mấy đâu.

Như thường lệ thì mình vẫn sẽ không nhắc đến những thứ cao siêu khó hiểu, mấy cái đó bạn chỉ cần chịu khó tra Google tí là ra thôi, trong bài này mình sẽ chỉ đơn giản là kể cho các bạn nghe một câu chuyện và bạn chỉ cần lắng nghe là tự nhiên sẽ hiểu. OK, không làm mất thời gian của các bạn nữa, chúng ta bắt đầu nào.

Ngày xửa ngày xưa, CPU vẫn chưa có nhiều nhân như bây giờ, thời đó CPU chỉ có một nhân thôi. mỗi khi các phần mềm cần xử lý một công việc gì đó thì nó sẽ gởi yêu cầu xử lý cho CPU, nhiều “yêu cầu” như thế sẽ tạo thành một “luồng” xử lý (thread), ngày xưa thì một CPU chỉ có một nhân, và một nhân thì chỉ xử lý có một luồng như thế mà thôi.

Thế rồi cũng với sự phát triển của công nghệ, máy tính ngày càng phải xử lý nhiều luồng công việc cùng một lúc hơn. Ban đầu thì các nhà khoa học đã tăng số nhân cho CPU. nó cũng giống như việc nhồi nhiều bộ não vào một cái đầu vậy, càng nhiều “não” thì CPU càng xử lý được nhiều việc cũng lúc hơn. Nhưng mà lúc này thì vẫn có một vấn đề tồn tại: Đó là mỗi nhân CPU lúc này vẫn chưa thể vận dụng được hết sức mạnh của từng nhân nó.

Thế là thay vì dùng biện pháp đắt đỏ là nhồi thêm nhân vào CPU thì các nhà khoa học đã bắt một nhân xử lý nhiều luồng hơn. Và từ đó, công nghệ Siêu Phân Luồng ra đời, bạn có thể hiểu đơn giản đây là công nghệ giúp khai thác được hết khả năng xử lý của một nhân CPU bằng cách bắt nó làm nhiều việc cùng lúc hơn.

Một nhân CPU thông thường sẽ chỉ có thể xử lý 1 luồng, nhưng với nhân CPU Siêu Phân Luồng thì một cái nhân CPU sẽ “lách luật” bằng cách tạo ra thêm một nhân ảo để có thể nhận thêm một luồng xử lý nữa. Kết quả là nhân CPU này sẽ có thể xử lý cùng lúc 2 luồng, tương tự như 2 nhân vật lý thực sự vậy. Thật ra thì công nghệ này sẽ không làm cho CPU của bạn khỏe hơn nhưng ít nhất cũng giúp có có thể giúp các nhân CPU của bạn giải quyết nhiều công việc hơn cùng lúc, và từ đó thì khả năng xử lý của CPU đối với việc chạy đa nhiệm cũng tăng lên theo.

Bạn cần nhớ rằng về cơ bản thì công nghệ Siêu Phân Luồng chỉ giúp bạn khai thác triệt để sức mạnh của các nhân CPU chứ không phải là nhân đôi chúng lên hoặc làm cho nhân đó mạnh hơn, và chỉ khi phần mềm có hỗ trợ công nghệ Siêu Phân Luồng thì nó mới có thể phát huy tác dụng. Công nghệ này là cực kỳ hữu dụng đối với những chương trình cần xử lý càng nhiều thứ cùng lúc càng tốt như biên tập video, đồ họa 3D hay những tác vụ yêu cầu xử lý đa nhiệm cao. Tuy nhiên đối với tác vụ chỉ yêu cầu hiệu năng xử lý đơn luồng thì Siêu Phân Luồng hay không cũng sẽ không đem lại sự khác biệt nào đáng kể.

Sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng tại sao với các CPU hỗ trợ công nghệ Siêu Phân Luồng thì số luồng luôn là gấp đôi số nhân chứ không phải là gấp 3, gấp 4 hay một con số gì đó khác. Theo logic mà nói thì điều này cũng rất dễ hiểu thôi, chuyện nó là như thế này: Một nhân CPU chạy với 1 luồng sẽ không thể khai thác hết sức mạnh của nó, công nghệ Siêu Phân Luồng chỉ giúp khai thác phần sức mạnh còn lại thôi. Việc “bẻ” nó ra làm nhiều nhân hơn nữa cũng sẽ không được hiệu quả, vì thế cho nên người ta mới không làm chứ không phải là không làm được.

Một nhân CPU có 2 luồng sẽ xử lý công việc tương tự như 2 nhân CPU độc lập giúp nhân CPU đó hoạt động hiệu quả hơn khi được giao nhiều tác vụ cùng lúc, nhưng bạn cũng cần lưu ý là nó sẽ không thể khỏe hơn 2 nhân thực được. CPU có công nghệ Siêu Phân Luồng là tốt, nhiều nhân thì tốt hơn, và nhiều nhân mà còn Siêu Phân Luồng nữa thì tuyệt vời luôn.

*Lưu ý: “Siêu Phân Luồng” hay “Hyper Threading” là công nghệ đa luồng của Intel, AMD cũng có công nghệ đa luồng tương tự, cho phép số luồng nhiều hơn số nhân.