Có những thứ mà chỉ có bàn phím cơ kiểu “cổ điển” mới có thể đáp ứng được cho bạn.

Khi mới tìm hiểu về bàn phím cơ, chắc chắn ai cũng sẽ bị cuốn hút bởi sự thú vị của một chiếc bàn phím gaming hầm hố và có LED RGB. Hồi đó mình cũng vậy, mình thường dạo trên các trang web bán hàng, lên mạng xem review về những chiếc phím cơ. Và sau một thời gian lần mò mấy thông tin trên mạng thì mình có một thắc mắc là vì sao có những chiếc bàn phím mặc dù không được trang bị LED RGB, không hầm hố, không tính năng đặc biệt và ngoại hình thì trông chán òm như mấy cái bàn phím văn phòng mà lại có giá tương đương hay thậm chí cao hơn cả bàn phím gaming.

Nếu không có người mua thì hẳn là người ta sẽ không bán những chiếc bàn phím như thế rồi, vậy thì ai lại mua chúng nhỉ? Mình biết, rất nhiều bạn cũng sẽ có thắc mắc giống như mình khi đó nên mình mới viết bài này để giải thích cho các bạn nghe. Vì thế nên mình sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện của mình lúc đó để các bạn có thể dễ hình dung hơn vì sao có những người chọn bàn phím cơ kiểu cổ điển chứ không dùng bàn phím gaming.

Trước khi làm ở GEARVN, mình rất thích những chiếc bàn phím gaming, chúng có thiết kế đẹp, bắt mắt và có hàng tá tính năng hay ho đi kèm theo theo phần mềm, đi khoe với bạn bè cũng dễ nữa. Đối với những game thủ mới tiếp xúc với phím cơ lần đầu như mình thì những chiếc bàn phím như vậy thực sự rất hấp dẫn, mình cũng không quan tâm lắm đến việc vì sao có những người thích bàn phím cổ điển, có lẽ chỉ đơn giản là họ không thích màu mè, vậy thôi. Tuy nhiên, một thời gian sau thì mình lại nghĩ khác.

Mình còn nhớ khi vào làm ở GEARVN thì con phím đầu tiên mình làm review là Leopold FC900R PD, đó là một chiếc bàn phím điển hình của Leopold, thiết kế vuông vắn không một chi tiết thừa đặc trưng, keycap PBT được đúc double shot dày cộp, chất build thì cực kỳ chắc chắn. Và sau lần đó thì mình cũng đã bắt đầu cảm thấy hiểu một chút về cái lý do vì sao lại có người thích nhưng chiếc bàn phím như vậy rồi.

Đối với game thủ nói chung, chiếc bàn phím không phải chỉ là một công cụ nhập liệu, hơn thế nữa, nó phải đẹp, phải trở thành một vật trang trí lý tưởng để làm nổi bật lên góc giải trí của họ. Game thủ không chỉ cần một chiếc bàn phím để chơi game mà họ còn phải ngắm nghía và mang đi khoe nữa, ai cũng vậy, và mình cũng vậy. Tuy nhiên, chính vì phải tập trung vào quá nhiều thứ nên những chiếc bàn phím gaming thường sẽ không thể cho cảm giác gõ tốt như những chiếc bàn phím cổ điển được.

Bàn phím kiểu cổ điển thường có keycap được làm từ nhựa PBT, tuy màu sắc không quá bóng bẩy nhưng rất chắc chắn, bề mặt nhám tự nhiên và cho cảm giác gõ rất “đầm”. Khung vỏ (case) và tấm cố định switch (plate) của các mẫu bàn phím kiểu cổ điển của những mẫu bàn phím này được làm rất dày và chắc chắn, cho cảm giác gõ ổn định và chắc chắn. Chúng chỉ đơn giản là một chiếc bàn phím và không phải là gì khác ngoài một chiếc bàn phím cả.

Leopold, Filco, Ducky, iKBC… đều là những hãng bàn phím lớn và họ chuyên sản xuất nhưng mẫu bàn phím “chỉ đơn giản là cái bàn phím” không màu mè LED lủng hay cành hoa lá hẹ gì cả, vậy mà họ vẫn sống tốt, vẫn bán phím ầm ầm và được cộng đồng người dùng phím cơ đánh giá rất cao. Cái mà những hãng này tập trung vào không phải là những đặc biệt mang lại lợi thế bán hàng (key selling point) mà là “giá trị cốt lõi” của một chiếc bàn phím cơ.

Thật ra thì cảm giác gõ không phải là thứ mà bạn có thể cảm nhận trong ngày một ngày hai, chỉ khi gõ quen phím cơ và dùng qua vài chiếc bàn phím rồi bạn mới thấy rõ được những chiếc bàn phím cơ kiểu cổ điển nó khác biệt với bàn phím gaming như thế nào mà thôi. Mới đầu thì gần như ai cũng thích bàn phím gaming cả, mình cũng vậy, tuy nhiên, khi đôi tay của họ bắt đầu nhạy cảm và khó chiều hơn thì một số người sẽ chuyển sang dùng phím cơ kiểu cổ điển để cho cảm giác gõ tốt hơn, mình cũng nằm trong số đó. Đối với mình thì bàn phím đầu tiên là phải cho cảm giác gõ thật sướng tay cái đã, mấy thứ còn lại từ từ tính sau.

Mình và những người như mình chính là đối tượng khách hàng mà những hãng chuyên sản xuất bàn phím kiểu cổ điển như Leopold, Filco, Ducky, iKBC… hướng đến, vì thế nên khi thấy những chiếc bàn phím như thế có giá bán ngang bằng hoặc thậm chí nhỉnh hơn những chiếc bàn phím gaming cao cấp thì bạn cũng đừng lấy làm lạ, chỉ là bạn chưa dùng qua nên chưa thấy được giá trị thật sự của nó mà thôi.

Mình không khuyên các bạn không chọn mua bàn phím gaming, trong nhiều trường hợp thì một chiếc bàn phím gaming sẽ có giá trị giải trí cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn là người quan tâm nhiều nhất đến cảm giác gõ thì hãy như mình thì đừng ngần ngại, hãy mặc kệ mấy thứ còn lại, chọn cho mình một chiếc bàn phím cổ điển cho cảm giác gõ thật tốt và bạn sẽ không bao giờ hối hận đâu.

Axium Fox