Trong danh sách TOP500 phiên bản thứ 55 đã có một vài sự thay đổi khá là ngoạn mục, dẫn đầu là một hệ thống máy tính đến từ Nhật Bản. Hệ thống này có tên là Fugaku và nó có kết quả High Performance Linpack (HPL) đạt 415,5 petaflops – gấp 2,8 lần so với hệ thống Summit (hiện tại đang giữ vị trí thứ 2). Fugaku được trang bị chip SoC A64FX 48 nhân của Fujitsu, giúp nó trở thành hệ thống sử dụng vi xử lý ARM đầu tiên đứng đầu danh sách TOP500. Trong các tác vụ như máy học (machine learning) và trí thông minh nhân tạo (AI) thì Fugaku đạt được hiệu năng cao nhất là hơn 1000 petaflops (tương đương 1 exaflops). Hiện tại hệ thống này đang được lắp đặt tại RIKEN Center for Computational Science (R-CCS) ở Kobe, Nhật Bản.
Hiệu năng tổng của cả danh sách là 2,23 exaflops, tăng 0,58 exaflops so với 6 tháng trước, và góp phần lớn nhất cho sự tăng trưởng này là nhờ siêu máy tính Fugaku kia. Ở vị trí cuối bảng (thứ 500) thì hệ thống này có sức mạnh là 1,24 petaflops. Xét về số lượng siêu máy tính thì Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn trong danh sách này với con số là 226 hệ thống, sau đó là Mỹ (114 hệ thống) và Nhật Bản (30 hệ thống). Còn xét về tổng sức mạnh tính toán thì Mỹ đứng nhất với 644 petaflops, tiếp đó là Trung Quốc (565 petaflops) và Nhật Bản (530 petaflops).
Cũng giống như trong quá khứ, phần lớn hệ thống được trang bị accelerator/coprocessors đều sử dụng GPU NVIDIA. Kiến trúc x86 vẫn tiếp tục chiếm phần lớn, xuất hiện trong 481/500 hệ thống. Trong đó Intel là 469 hệ thống, AMD là 11, và Hygon là 1. Còn vi xử lý Arm chỉ xuất hiện trong 4 hệ thống trong danh sách TOP500, trong đó 3 hệ thống sử dụng vi xử lý A64FX của Fujitsu, còn hệ thống kia thì sử dụng vi xử lý ThunderX2 của Marvell.
Danh sách TOP500 được soạn bởi Erich Strohmaier và Horst Simon tại Lawrence Berkeley National Laboratory; Jack Dongarra tại University of Tennessee, Knoxville; và Martin Meuer tại ISC Group, Đức.
Nguồn: TechPowerUp