Cách đây không lâu, nVIDIA đã công bố giải pháp giúp một số VGA dù không có nhân RT chuyên dụng vẫn có thể xử lý tác vụ Ray-Tracing bằng hiệu năng xử lý của các nhân CUDA thông thường thông qua bộ công cụ DXR (DirectX RayTracing) của Microsoft.

Hôm qua (11/4) nVIDIA đã cập nhật bản Driver 425.31, hỗ trợ tính năng Ray-Tracing trên một số dòng VGA GTX, đồng thời công bố những số liệu cụ thể đầu tiên về hiệu năng thực tế của các mẫu VGA GTX được hỗ trợ DXR so với các mẫu VGA RTX trong việc xử lý tác vụ Ray-Tracing.

Những dòng VGA có hỗ trợ DXR

Chúng ta hãy cùng xem lại danh sách các mẫu VGA được nVIDIA công bố có thể kích hoạt tính năng Ray-Tracing.

Theo danh sách trên, những mẫu VGA được hỗ trợ giải pháp DXR sẽ gồm toàn bộ những mẫu VGA ở thế hệ kiên trúc Pascal từ GTX 1060 6GB trở lên, TITAN V của kiến trúc Volta cùng 2 chiếc VGA đang rất hot ở thời điểm hiện tại là GTX 1660 TIGTX 1660.

Các hiệu ứng Ray-Tracing và hiệu năng thực tế của các VGA GTX

nVIDIA công bố một bảng thống kê các hiệu ứng của tác vụ Ray-Tracing, gồm:

Reflections (Phản xạ)

Bạn thấy bóng của tòa nhà trên vũng nước mưa chứ? kết quả của công nghệ Ray-Tracing đấy

Shadows (Đổ bóng)

Công nghệ Ray-Tracing sẽ tạo ra những chiếc bóng chân thực nhất với việc xác định chính xác các nguồn sáng

Advanced Reflections and Shadows (Phản xạ và đổ bóng nâng cao)

Hiệu ứng phản xạ (phản chiếu) nâng cao.

Ambient Occlusion (ánh sáng hắt từ môi trường)

Hiệu ứng này làm rõ độ chi tiết của vật thể

Global illumination (chiếu sáng tổng thể)

Tổng hợp các hiệu ứng ánh sáng tạo nên một không gian chân thực nhất

Combinations (hiệu ứng kết hợp)

Các game được test trong lần công bố hiệu năng thực tế của nVIDIA

Các GPU của thế hệ kiến trúc Turing sẽ có lợi thế hơn hẳn các GPU GTX của thế hệ kiến trúc Pascal bởi kiến trúc mới cho phép thực thi đồng thời INPFP, giúp GPU xử lý được cùng lúc nhiều tác vụ hơn trên mỗi xung nhịp.

Sau đây là những bảng số liệu được nVIDIA công bố về hiệu năng xử lý thực tế các tác vụ Ray-Tracing của các dòng VGA GTX và so sánh với các dòng VGA RTX.

Hiệu ứng phản chiếu

Hiệu ứng đổ bóng

Hiệu ứng phản chiếu và đổ bóng nâng cao

Hiệu ứng hắt sáng môi trường và đổ bóng nâng cao

Hiệu ứng chiếu sáng tổng thể và hắt sáng từ môi trường

Đúng như dự đoán của nhiều người, với phần cứng chuyên dụng, hiệu năng của các VGA RTX vượt xa hiệu năng của các VGA GTX khi bật hiệu ứng Ray-Tracing.

Ở mức thiết lập cao nhất và độ phân giải 2k khi bật hiệu ứng Ray-Tracing, các VGA GTX cho mức FPS thấp đến mức gần như không thể chơi được đối với tất cả những tựa game được test lần này. Thậm chí cả “quái vật” GTX 1080Ti cũng không thể cho mức khung hình trung bình lý tưởng trên 60 trong tất cả các bài test.

Trong khi đó, các VGA RTX thì lại cho mức FPS cao hơn rất nhiều, ví dụ như RTX 2080Ti cho mức FPS cao hơn GTX 1080Ti từ 2 đến 4,5 lần.

Tại sao hiệu năng của RTX và GTX lại cách biệt đến như vậy?

Để giải thích điều này, chúng ra có 3 nguyên nhân chính:

  • Thứ nhất, các GPU RTX được trang bị phần cứng chuyên dụng để xử lý tác vụ Ray-Tracing là các nhân RT, không như các VGA GTX phải sử dụng chính các nhân CUDA để xử lý tác vụ này, mang lại lợi thế áp đảo cho các VGA RTX
  • Thứ hai, ngoài các nhân RT ra, GPU RTX còn được trang bị các nhân Tensor, hỗ trợ công nghệ DLSS, giúp cho VGA có thể xuất ra video có độ phân giải lớn hơn Full HD như 2k, 4K… chỉ với mức thâm dụng tài nguyên của độ phân giải Full HD. Nếu bạn để ý một chút thì bên góc của các bảng thống kê hiệu năng trên đều có chữ “DLSS ON” ở dưới góc phải.
  • Thứ ba, kiến trúc Turing cho phép cho phép thực thi đồng thời INPFP, giúp GPU xử lý được cùng lúc nhiều tác vụ hơn trên cùng một mức xung nhịp.
Không như các VGA dòng GTX, GPU các VGA dòng RTX được tích hợp phần cứng chuyên dụng là các nhân RT và nhân Tensor để tối ưu hóa cho các công nghệ mới.

Mục đích của nVIDIA

Với việc hỗ trợ tính năng Ray-Tracing trên một số dòng VGA GTX, nVIDIA đã đạt được ít nhất 2 mục đích:

  • Thứ nhất, thông qua việc hỗ trợ công nghệ tối tân trên các dòng sản phẩm cũ, nVIDIA đã cho người dùng thấy rằng họ không hề bỏ bê những khách hàng đã tin tưởng, lựa chọn và sử dụng sản phẩm của họ.
  • Thứ hai, bằng cách so sánh trực tiếp hiệu năng của GTXRTX trong việc xử lý các tác vụ Ray-Tracing, nVIDIA đã cho người dùng thấy dòng VGA RTX của họ đáng mua như thế nào, mạnh mẽ ra sao, kích thích người dùng tìm mua dòng VGA RTX nhiều hơn.

Kết

Sau bao nhiêu ngày chờ đợi thì cuối cùng, nVIDIA cũng đã cung cấp cho chúng ta những con số chính xác và trải nghiệm thực tế về hiệu năng của các dòng VGA GTX khi bật hiệu ứng Ray-Tracing. Đây là một tin vui đối với những ai đang sở hữu một chiếc GTX được hỗ trợ DXR.

Tuy nhiên, vì không được trang bị phần cứng chuyên dụng cho tác vụ Ray-Tracing nên các VGA GTX cũng chỉ có thể cho FPS ở mức “vừa đủ lên hình”, “chụp hình cho đẹp” hay “bật lên cho biết” mà thôi, và chắc chắn rằng nếu muốn trải nghiệm hiệu ứng Ray-Tracing một cách mượt thì bạn vẫn nên mua một chiếc VGA RTX, được tối ưu hóa để hỗ trợ cho Ray-Tracing.