Chuyện phản chiếu ánh mặt trời đúng là có thể giúp giảm nhiệt độ cho hành tinh của chúng ta đó, nhưng đó vẫn là một phương pháp gây nhiều tranh cãi.

Các nhà khoa học có tìm ra một phương án giúp Trái đất mát hơn, gọi là “solar geoengineering”. Những người ủng hộ dự án này cho rằng đó là công cụ mà chúng ta cần tìm hiểu thêm, nhất là khi tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày một trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những nhà phê bình lại cho rằng hướng đi này có quá nhiều rủi ro so với những lợi ích mà nó mang lại, cho nên nó không hẳn là một giải pháp tối ưu để chống lại tình trạng Trái đất nóng lên.

Để tìm hiểu rõ hơn về lợi ích và rủi ro của việc “solar geoengineering”, nhà sản xuất cấp cao Christina Thornell của kênh Vox đã trao đổi với một vài nhà khoa học, luật sư, cũng như là những người lãnh đạo bản địa.

Nguồn gốc của “solar geoengineering”

mặt trời

Vào năm 1991, núi lửa Pinatubo ở Philippines đã phun trào, và đây là vụ phun trào núi lửa lớn thứ nhì trong thế kỷ 20. Bụi tro của nó đã bay lên cao, tới tận tầng bình lưu luôn các bạn ạ. Sự kiện này đã dẫn đến hệ quả là một lớp hạt aerosol đã được phân tán khắp thế giới, và những hạt này đã tạo thành một cái dù, giúp phản chiếu ánh nắng mặt trời khỏi Trái đất và làm giảm nhiệt độ toàn cầu khoảng 0,5oC trong gần 2 năm.

mặt trời

Hay như hồi 1982 đã có 1 vụ phun trào núi lửa El Chichón cũng giúp Trái đất mát hơn 0,5oC. Hoặc những vụ phun trào núi lửa lớn trong thế kỷ 19 cũng đã từng tạo ra hệ quả tương tự. Ngày nay, các nhà khoa học đã và đang tìm cách xem xem con người có thể nào “tái hiện” sự kiện đó để chống lại lại tình trạng Trái đất nóng lên hay không, và họ đã thử dùng công nghệ gọi là địa kỹ thuật mặt trời (solar geoengineering).

Cách triển khai “solar geoengineering”

mặt trời

Có một điều mà các nhà khoa học đều đồng ý, đó là “solar geoengineering” có thể làm mát Trái đất, phản chiếu ánh mặt trời khỏi Trái đất, ngăn chặn tình trạng sức nóng bị mắc kẹt trong bầu khí quyển. Chúng ta có thể làm được điều này bằng cách “bơm” các hạt aerosol vào tầng bình lưu, kiểu như núi lửa lúc trước vậy. Đây cũng là phương pháp tiếp cận được nghiên cứu nhiều nhất.

mặt trời

Một số nhà khoa học còn nghĩ đến chuyện “làm sáng” đám mây biển (marine cloud) để nó phản chiếu ánh mặt trời tốt hơn. Hoặc còn có cách khác như gắn mấy tấm phản chiếu ngoài không gian chẳng hạn. Mấy cách này đều đang trong những giai đoạn nghiên cứu khác nhau, nhưng để triển khai những công nghệ này và đạt được hiệu quả lớn (Trái đất giảm nhiều độ hơn) thì chúng ta sẽ cần phải can thiệp vào khí hậu của Trái đất – thứ vốn cực kỳ phức tạp – trên diện rộng.

Cần can thiệp vào khí hậu để triển khai “solar geoengineering”

mặt trời

Một trong những lý do mà có vài nhà khoa học ủng hộ “solar geoengineering” là vì nhiệt độ Trái đất đang nóng dần lên một cách rõ rệt, và xu hướng này đang ngày một chuyển biến theo chiều hướng xấu đi. Khí thải, nhất là CO2, vẫn liên tục tăng. Nhưng cho dù chúng ta không còn thải CO2 vào ngay ngày mai đi chăng nữa thì chúng ta vẫn phải đối mặt với những nguy cơ của việc biến đổi khí hậu, chỉ là tình hình biến đổi khí hậu lúc đó sẽ không trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Ngoài CO2 ra, vẫn còn nhiều loại khí khác gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Trừ khi chúng ta nghĩ xa hơn chuyện giảm thiểu khí thải, bằng không thì những hậu quả của việc biến đổi khí hậu mà chúng ta đang phải gánh chịu sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa.

Có một bài nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng thời tiết khắc nghiệt chính là nguyên nhân gây ra gần 10% cái chết trên toàn cầu, và tỷ lệ cái chết có liên quan đến nhiệt độ môi trường nóng cũng tăng luôn.

mặt trời

Để khắc phục tình trạng này, nhiều người cho rằng chúng ta cần phải tìm hiểu thêm về quá trình biến đổi khí hậu, sử dụng trình mô phỏng của vi tính, và phát triển công nghệ để xem xem là liệu “solar geoengineering” có thể nào ứng dụng một cách an toàn trên phạm vi toàn cầu cùng với những giải pháp khác hay không, và nếu có thì sẽ ứng dụng như thế nào.

Những rủi ro tiềm ẩn khi con người tác động đến khí hậu

Vấn đề ở đây là việc can thiệp vào khí hậu là một quá trình rất phức tạp. Mọi yếu tố thời tiết đều liên kết với nhau, cho nên nếu chúng ta tác động đến môi trường thì thiên nhiên cũng sẽ phản ứng lại. Việc áp dụng “solar geoengineering” đồng nghĩa với việc bổ sung các yếu tố mới vào trong bầu khí quyền hoặc tầng bình lưu, và điều này sẽ làm thay đổi lượng mưa trên thế giới. Nó có nguy cơ khiến tình trạng khí hậu càng trở nên tồi tệ hơn. Gần như mọi người đều đồng ý về nguy cơ tiềm ẩn này.

Còn vấn đề nữa là chúng ta sẽ không biết thiên nhiên sẽ phản ứng như thế nào trước những tác động của con người. Đó là chưa kể đến việc áp dụng “solar geoengineering” trên toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều quốc gia trên thế giới phải đồng lòng – điều mà từ trước đến nay rất hiếm khi xảy ra – không chỉ về mặt quy mô mà còn về mặt thời gian nữa.

“Solar geoengineering” là một dự án toàn cầu, kéo theo đó là những vấn đề nan giải

Lượng CO2 mà chúng ta đã thải ra kể từ cuộc cách mạng công nghiệp và lượng CO2 mà chúng ta đang thải ra ngày nay đều sẽ tiếp tục làm khí hậu nóng lên trong vòng hàng ngàn năm tới, ngay cả khi chúng ta ngừng thải CO2 đi chăng nữa. Nhưng ngược lại, phương pháp “solar geoengineering” chỉ tồn tại trong bầu khí quyển một thời gian rất ngắn mà thôi. Để nó liên tục tạo ra hiệu ứng làm mát thì chúng ta phải liên tục triển khai nó trong nhiều thế kỷ.

Điều này có nghĩa là nếu 1 nước nào đó quyết định tham gia thì họ phải chấp nhận chuyện “phóng lao thì phải theo lao” trong vài trăm cho đến hàng ngàn năm, mà chuyện này thì xưa nay chưa từng xảy ra bao giờ cả. Nếu rủi giữa đường, các quốc gia có sự bất đồng ý kiến, chiến tranh nổ ra, suy thoái toàn cầu, hoặc là một sự kiện gì đó khiến dự án “solar geoengineering” bị ngưng trệ thì Trái đất bỗng dưng sẽ nóng lên một cách vô cùng nhanh chóng. Nguy cơ xảy ra chuyện này chính là một trong những nguyên nhân lớn khiến nhiều người cho rằng “solar geoengineering” là thứ không thể kiểm soát và không vững bền.

Câu chuyện tương lai của “solar geoengineering”

Tính đến thời điểm bài viết thì chúng ta vẫn chưa biết sẽ phải làm gì với “solar geoengineering”. Vào năm 2021, Thụy Điển đã từ chối chuyện đi đầu trong việc thử nghiệm công nghệ “solar geoengineering”. Các nhà môi trường học và các nhóm bản địa đã gửi 1 lá thư nhấn mạnh khả năng tạo ra những biến đổi khí hậu, thời tiết, đa dạng sinh học không thể nào lường trước được – mà đây lại vốn là những thứ chúng ta đang cố gắng bảo vệ; cùng với đó là nguy cơ tạo ra những căng thẳng về mặt địa chính trị nếu áp dụng “solar geoengineering”.

Những ý kiến phản bác này là một trong những nguyên nhân khiến phần lớn các bài nghiên cứu về “solar geoengineering” phải thực hiện trong các phòng thí nghiệm với các mô hình và trình mô phỏng, biến cuộc tranh luận về “solar geoengineering” chuyển sang hướng xem xem chúng ta nên nghiên cứu nó tới mức nào.

Những thông tin xung quanh “solar geoengineering”

Vào tháng 1/2022, 400 nhà khoa học đã viết một lá thư về thỏa thuận không sử dụng “solar geoengineering” bao gồm 5 cam kết cốt lõi, trong đó có thỏa thuận về việc không thử nghiệm ngoài trời, không được gọi vốn từ cộng đồng, và không được nhận hỗ trợ từ những tổ chức quốc tế. Hầu hết mọi người đều đồng ý chuyện nghiên cứu thêm về khí hậu (vốn không có nhiều rủi ro cho lắm) vì nó có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích, nhưng đến khúc mô phỏng máy tính thì vẫn còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Lý do là vì có nhiều người sợ rằng mô phỏng càng nhiều thì khả năng “solar geoengineering” được áp dụng ngoài thực tế càng cao. Mặt khác, họ vẫn đồng ý rằng một vài mô phỏng vẫn có ích, và chuyện mô phỏng cũng là thứ them chốt trong khoa học mà chúng ta không thể loại bỏ.

Đến tháng 2/2023, 110 nhà khoa học đã viết một lá thư ủng hộ việc nghiên cứu thêm về “solar geoengineering”. Họ muốn tiến hành đánh giá “solar geoengineering” một cách khoa học trên quy mô toàn cầu, và nó bao gồm những thí nghiệm có thể giúp hiện thực hóa “solar geoengineering”. Tuy nhiên, lá thư này cũng có nói rõ là mặc dù họ tán thành việc nghiên cứu “solar geoengineering”, điều đó không có nghĩa là họ cũng ủng hộ chuyện sử dụng công nghệ này. Chúng ta không thể cấm các nhà khoa học không được sử dụng công nghệ này, cho nên dù bây giờ chúng ta không nghiên cứu nhiều về nó đi chăng nữa thì cũng không có gì ngăn cản những thế hệ sau này sử dụng nó, chỉ là họ sẽ có ít kiến thức về nó hơn mà thôi.

Dù ở chiến tuyến nào đi chăng nữa thì cả 2 bên cũng đều có chung một lo ngại về những tác động tiêu cực của “solar geoengineering” lên những phương pháp làm giảm khí carbon hiện có. Ngoài ra, công nghệ này còn có thể trở thành cái cớ cho những công ty xăng dầu tiếp tục bán nhiên liệu hóa thạch. Ngặt cái có chung mối lo ngại không có nghĩa là có chung đường đi phía trước.

Tính đến thời điểm bài viết, Mexico là nước duy nhất cấm thử nghiệm “solar geoengineering”; còn Mỹ thì phát triển kế hoạch nghiên cứu “solar geoengineering”. Các tổ chức thế giới về lĩnh vực khí hậu hiện đang đánh giá tình hình và đưa ra những lời khuyên.

Tranh cãi về “solar geoengineering” cũng có mặt tốt của nó

Suy cho cùng thì dù ở bên phe nào thì họ cũng là những người quan tâm rất nhiều về tương lai của Trái đất. Việc cả 2 bên giằng co qua lại nhiều khi cũng là một điều tốt, vì mặc dù nó không giúp soi sáng đường đi phía trước, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo hơn, toàn vẹn hơn về cách để giải quyết vấn đề nan giải mà chúng ta đang gặp phải.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về khí hậu, cũng như là cách mà chúng ta đang đối phó với chuyện biến đổi khí hậu. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Vox


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360