Honeywell – một tập đoàn đa quốc gia chuyên về mảng máy tính lượng tủ – vừa mới công bố rằng họ đã tạo ra được chiếc máy tính lượng tử (quantum computer) tiên tiến nhất thế giới. Nó có “quantum volume” đạt 64, tức là cao gấp đôi so với kỷ lục trước đó được nắm giữ bởi IBM Raleigh. Nhiều anh em sẽ thắc mắc quantum volume là gì, và con số qubit đâu rồi? Đối với máy tính lượng tử thì con số qubit kia không thể phản ánh chính xác hiệu năng của nó. Thay vào đó, nó chỉ là một phần trong “quantum volume”, và đây sẽ là con số biểu thị chính xác hiệu năng cuối cùng của một hệ thống lượng tử.

Khi anh em thực thi các mệnh lệnh dưới mức độ lượng tử (quantum level) thì sẽ có rất nhiều yếu tố tác động đến hiệu năng chứ không chỉ riêng gì con số qubit, chẳng hạn như tỷ lệ lỗi tính toán (mức độ thường xuyên mà hệ thống cho ra kết quả sai cho một vấn đề nào đó) hay mức độ kết nối của các qubit (qubit connectivity level). “Qubit connectivity” diễn tả mối quan hệ giữa khả năng của phần cứng lượng tử của một bộ máy bất kì với khả năng mà bộ máy đó có thể phân phối các tác vụ cho những qubit. Đôi khi có những tác vụ chỉ có thể phân phối cho 2 qubit kề cận (adjacent), còn những lúc khác thì nó có thể được phân phối cho các qubit nằm xa hơn trong hệ thống mà không làm mất tinh liên kết (coherency) của thông tin và không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ lỗi. Từ đó giúp tăng hiệu năng và tính thích ứng (flexibility) của hệ thống đối với các tác vụ xử lý.

Mảng máy tính lượng tử là một bước đột phá, là sự giao thoa giữa khoa học, kỹ thuật vật liệu, và tính toán. Tất nhiên, cuộc đua này đang ngày một nóng dần lên, và hệ thống này của Honeywell có thể sẽ sớm bị soán ngôi trong thời gian sớm thôi.

Nguồn: TechPowerUp