Nếu anh em để ý một chút thì mấy cái màn hình gaming tầm trung hiện nay thường có thông số độ sâu màu là 10-bit (8-bit + FRC) và có thể hiển thị được đến 1.07 tỷ màu, ngang với mấy con màn hình đồ họa siêu cao cấp và hơn rất nhiều so với màn hình 8-bit thông thường. Thế thì FRC là cái gì mà thần thánh vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Nói trước luôn là trong bài này mình sẽ không nói đến mấy thứ cao siêu và giải thích cặn kẽ về công nghệ đâu. Chúng ta sẽ nói về những thứ thực dụng hơn, ví dụ như FRC nó làm cho hình ảnh xuất ra trên màn hình đẹp hơn như thế nào chẳng hạn. Còn mấy thứ như “FRC hoạt động thế nào?” thì đợi mình hứng lên đã rồi từ từ tính sau.

OK, vào bài nào anh em

FRC là gì?

Trước khi nói FRC là cái gì thì anh em phải biết màn 10-bit nó khác với màn 8-bit như thế nào đã. Mình sẽ để một số bức ảnh minh họa ngay đây cho anh em dễ hình dung.

Kết quả hình ảnh cho 8 bit vs 10 bit

Hiểu một chút rồi đúng không? Đại khái là số bit càng cao thì màn hình sẽ hiển thị được càng nhiều màu sắc. Màn hình 8-bit sẽ hiển thị được 16.7 triệu màu còn màn hình 10-bit sẽ hiển thị được đến 1.07 tỷ màu lận. Điều đó dẫn tới việc các phần chuyển đổi màu sắc từ màu này đến màu kia trên màn hình 10-bit sẽ nhuyễn hơn, mịn hơn, đẹp hơn so với màn hình 8-bit.

OK, bây giờ chúng ta mới vào phần chính

FRC là viết tắt của frame rate control. Đại khái là công nghệ này sẽ kiểm soát sự “nhấp nháy” của các pixel và tận dụng hiện tượng lưu ảnh trong mắt của chúng ta để tạo ra các màu ảo trên màn hình. Nó sẽ tạo cho chúng ta có cảm giác như cái màn hình 8-bit ngay trước mặt cũng có thể hiển thị được màu sắc mượt mà như màn hình 10-bit. Về cơ bản thì màn hình 8-bit + FRC vẫn chỉ là màn 8-bit và hiện được 16.7 triệu màu mà thôi. Nhưng trong mắt của chúng ta thì nó có thể hiển thị được đến 1.07 tỷ màu lận.

Để dễ hình dung hơn thì mình đã chôm một cái GIF trên Wiki về cho anh em xem. Màn hình có công nghệ FRC sẽ cho các fixel nhấp nháy để phối ra các màu mà nó không hiển thị được. Trong cái GIF này thì người ta đã làm nó nhấp nháy chậm cho anh em dễ thấy, chứ trên thực tế, trên mấy con màn gaming tấn số quét cao tầm 120Hz, 144Hz, 240Hz… thì anh em sẽ thấy nó rõ ràng là một màu mới.

Tác dụng thực tiễn

Dù 8-bit + FRC về cơ bản vẫn là màn 8-bit và không chuẩn bằng 10-bit thật nhưng chắc chắn có công nghệ này vào thì những trải nghiệm của anh em cũng sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Anh em dùng làm đồ họa vẫn rất tốt và quan trọng là màn hình 8-bit có FRC nó rẻ hơn cái màn hình 10 bit thật rất rất rất nhiều. Cho dù là làm gì đi nữa thì rõ ràng là công nghệ FRC vẫn sẽ là một chi tiết đắt giá để anh em quyết định có mua màn hình hay không.

Hy vọng qua bài viết này thì anh em đã hiểu thêm một chút thông tin hữu ích để tự tin hơn khi đi mua màn hình cũng như là chém gió công nghệ với những anh em khác.