Nghe lạ đúng không anh em? Thật ra cái này tụi mình học từ cấp cơ sở hết rồi, nếu thấy lạ thì chẳng qua là do chúng ta quên thôi. Mình thì mình thấy có khá nhiều anh em vẫn còn lẫn lộn vụ này nên mình sẽ chia sẻ lại, cùng với đó là bày cho anh em một số thông tin thú vị mà mình biết luôn, đảm bảo dễ thấm hơn trong sách giáo khoa.

*Thật ra mình cũng không để ý lắm đâu nhưng do hồi trước mình có nuôi mấy bọ cạp đen An Giang (loại phổ biến trong mấy quán nhậu Việt Nam) và nhện hùm đen (loại mà bên Campuchia họ chiên giòn bán ngoài chợ ấy) cho nên mình cũng có tìm hiểu chút đỉnh.

Để biết vì sao nhện, bọ cạp cùng đám họ hàng của chúng lại không được xếp vào lớp côn trùng thì chúng ta hãy nói về côn trùng trước. Có khá nhiều quy định để xếp một loài vào lớp côn trùng nhưng cơ bản nhất là quy tắc cơ thể 3 phần. Cơ thể côn trùng chia làm 3 phần đầu, ngực, bụng rất rõ ràng. Phần đầu chứa mắt, bộ hàm, não, râu…. Phần ngực là nơi mà cánh và các chân của côn trùng gắn vào, chứa rất nhiều bó cơ và đảm nhận vai trò chủ yếu như một trung tâm cho hệ vận động. Phần bụng sẽ chứa các nội quan như tim, ruột, buồng trứng, ống malpighi…

Nói tóm lại con nào là côn trùng thì anh em sẽ thấy nó có 3 khúc rõ ràng, sau đây là một số ví dụ

OK, bây giờ quay lại chủ đề chính là nhện, bọ cạp và đám họ hàng của chúng. Nói về nhện trước đi mà cụ thể là họ Tarantula (tên khoa học là Theraphosidae) cho anh em thấy rõ ràng. Phần thân của lũ này không có 3 khúc rõ ràng đâu mà chỉ có 2 khúc thôi bao gồm phần đầu ngực và phần bụng. Phần đầu ngực sẽ có vai trò tương tự như cả phần đầu và phần ngực của côn trùng, chỉ khác một chút là chúng không có khớp cổ để xoay đầu và thay đổi góc nhìn thôi. Phần bụng thì cũng như phần bụng của côn trùng. Tất cả các loài nhện đều vậy, không có ngoại lệ. Nếu có loài nào nhìn giống con nhện nhưng không tuân theo cái “quy tắc 2 phần” bên trên thì chắc chắn nó là con gì đó khác rồi chứ không phải nhện nữa đâu.

Một con nhện Tarantula dòng Tiger Rump, bọn này lớn nhanh và dễ nuôi và độc tính không cao, anh em nào muốn nuôi thì có thể hướng đến loại này

Bọ cạp tuy khác một chút nhưng nhìn chung thì vẫn giống như nhện. Anh em có thể thấy nó râu ria rườm ra vậy thôi chứ về cơ bản thì thân cũng chia làm 2 phần chứ không đủ 3 phần như côn trùng

Bọ cạp đen An Giang, khá to con và cực kỳ dễ nuôi nên nuôi nên để làm cảnh rất lý tưởng, mua cũng không khó. Con này là đặc sản nhé, ngâm rượu được mà làm món nhậu cũng hết bài.

Vì thế, cả nhện và bọ cạp đều được xếp vào một lớp khác gọi là “lớp hình nhện”, nói nôm na cho dễ hiểu là tập hợp các loài động vật có cùng gốc trong cây sự sống và có “cấu hình” tương tự như con nhện. Ngoài bộ nhện và bộ bọ cạp là 2 bộ tiêu biểu nhất trong lớp hình nhện thì vẫn còn một số bộ khác như bộ ve (mấy con ve chó, ve bò, ve thầu dầu ấy), bộ chân dài, bộ giả bọ cạp, bộ bọ cạp roi, bộ nhện lạc đà và nhiều thứ hay ho khác nữa.

Nhện lạc đà

Ngoài ra việc đếm số khúc trên người thì anh em cũng có có thể phân biệt được động vật lớp côn trùng và động vật lớp hình nhện nhờ đếm số chi của chúng. Côn trùng có 6 chi còn lớp hình nhện thì có đến 10 chi lận. Nếu để ý mấy con nhện thì anh em sẽ thấy ngoài 8 cái chân đốt thì bọn nó còn có thêm một cặp chân xúc giác ở gần miệng nữa. Cặp chân này thường có nhiều lông và rất nhạy cảm. Đối với bọ cạp thì cặp chân đầu tiên này đã tiến hóa thành cặp càng thương hiệu của chúng. Nhện lạc đà thì có cặp chân đầu tiên có kích thước tương đồng với các cặp còn lại nên anh em sẽ thấy rõ là nó có hẳn 10 chân luôn.

Bọ cạp roi
Whip Spider, tạm dịch là “nhện roi”

Hy vọng bài viết này đã mang đên được cho anh em những thông tin thú vị để đi cà phê, nhậu nhẹt có thêm cái để chém gió với bạn bè, để lấy le với crush các kiểu. Hẹn gặp lại anh em lần tới với những thông tin thú vị hơn.