Nhiều màn hình mới khui thùng ra thì đã bị dính “dead pixel”, nhưng lỗi này thường sẽ không được bảo hành (hoặc bảo hành có điều kiện).

Màn hình bị “dead pixel” (tạm dịch: “điểm chết màn hình”) thì chắc các bạn không còn lạ gì nữa rồi, và cái này có khi mới khui thùng ra là bị luôn chứ không nhất thiết phải xài một thời gian rồi mới bị. Ngặt nỗi chúng ta lại chẳng thể làm được gì để khắc phục tình trạng này. Đúng là có nhiều cửa hàng hoặc hãng sẽ cho phép bạn đổi trả sản phẩm trong vòng 7-30 ngày sau khi mua hàng; nhưng nếu qua thời gian này thì muốn sửa “dead pixel” có khi còn khó hơn chuyện bắc thang lên hỏi ông trời nữa các bạn ạ, ngay cả khi màn hình của bạn vẫn còn đang trong hạn bảo hành (những lỗi khác vẫn được bảo hành, nhưng riêng “dead pixel” thì thường phải thỏa một vài điều kiện đi kèm thì mới được bảo hành). Tại sao lỗi “dead pixel” lại đặc biệt đến như thế? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Dead pixel là gì?

Trước hết, chúng ta nói rõ “dead pixel” nghĩa là gì nhé. Trên một chiếc màn hình LCD (tinh thể lỏng) thông thường, các bóng bán dẫn điều khiển mỗi pixel có thể bị “kẹt” ở 1 vị trí vĩnh viễn. Điều đó có nghĩa là các tinh thể lỏng sẽ bị xoay theo 1 hướng khiến ánh sáng không thể đi qua, từ đó dẫn đến tình trạng pixel bị tối hay thậm chí là tắt ngúm luôn. Còn đối với màn hình OLED thì tình trạng này sẽ là 1 pixel hoặc 1 subpixel của một màu cụ thể nào đó bị tắt hoàn toàn.

Dù là LCD hay OLED thì hệ quả đều là trên màn hình sẽ xuất hiện một cái chấm đen có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhất là khi hiển thị nội dung có màu sáng. Lỗi này sẽ gây khó chịu cho người dùng, nhưng tại sao màn hình khi xuất xưởng vẫn có khả năng bị dính lỗi này và thậm chí là được bán tới tay game thủ chúng ta?

Màn hình cũng có tỷ lệ bị lỗi như CPU

dead pixel

Nếu các bạn có tìm hiểu một chút về CPU thì hẳn sẽ biết là khi con chip được sản xuất, không phải 10 cái sẽ như 10 mà sẽ có xác suất: có con thì đạt chuẩn, có con thì bị hỏng 1-2 nhân. Trường hợp có nhân trong con chip không đạt chất lượng thì nó sẽ bị vô hiệu hóa và con chip đó sẽ được xếp vào dòng thấp hơn (CPU có ít nhân hơn) để bán với giá mềm hơn. Tuy nhiên, tiếc là đối với màn hình, cái “dead pixel” kia vẫn sẽ nằm trên màn hình luôn chứ không có chỗ nào để giấu nó cả. Còn nếu muốn loại bỏ vấn đề này thì cũng phải là chuyện dễ đâu các bạn ạ.

Lý do là vì chẳng hạn, màn hình FullHD (1920 x 1080) có tới 2.073.600 pixels, hoặc như 4K (3840 x 2160) là có tới 8.294.400 pixels. Khi sản xuất tấm nền với số lượng pixel nhỏ li ti nhiều như thế thì “dead pixel” không phải là chuyện hiếm gặp. Nếu muốn sản xuất một tấm nền hoàn hảo thì rất nhiều sản phẩm lỗi sẽ bị bỏ phí, cộng với chi phí vận chuyển và chi phí thay thế tấm nền (khi người dùng yêu cầu) thì bài toán về kinh tế lúc này sẽ rất là nan giải.

dead pixel

Chính vì thế nên ngày nay, các hãng màn hình đều đặt ra một số điều kiện liên quan đến số lượng “dead pixel” trên màn hình, phạm vi mà những “dead pixel” đó xuất hiện, vân vân. Nếu vượt ngưỡng mà hãng đưa ra thì màn hình sẽ được xem là bị lỗi, còn ngược lại thì vẫn được xem là “bình thường”.

Ngành màn hình có chuẩn ISO cho vụ “dead pixel”, nhưng các hãng chưa chắc đã tuân theo

Thực chất, trong ngành có 1 chuẩn ISO mà nhiều hãng sản xuất màn hình sử dụng để xác định xem là màn hình bị hỏng bao nhiêu pixel thì mới được bảo hành. Chuẩn ISO này chia màn hình thành nhiều loại (class) khác nhau, tùy theo mức độ chính xác mà hãng muốn là như thế nào. Hầu hết màn hình phổ thông hiện nay đều được xếp vào loại Class 2 bởi nhà sản xuất. Điều đó là nghĩa là chuyện pixel bị lỗi đúng là vấn đề đó, nhưng đồng thời màn hình cũng không nhất thiết phải hoàn hảo 100%.

dead pixel

Trong nhiều trường hợp, thậm chí tính luôn cả những màn hình chuyên nghiệp (chẳng hạn như là dòng ASUS Pro Art), hãng vẫn sử dụng những quy tắc trong Class 2 làm cơ sở, ngay cả khi những tấm nền đó ban đầu được sản xuất để đạt chất lượng cao hơn (ví dụ như là Class 0 hay Class 1).

dead pixel

Đối với màn hình thuộc Class 2, để một tấm nền được xem là bị lỗi thì nó phải có trên 2 “dead pixel”, hoặc là có trên 5 subpixel bị lỗi (những chấm đỏ, lục, lam cấu thành nên 1 pixel hoàn chỉnh). Cũng cần lưu ý rằng chuẩn ISO trên không phải là luật bất di bất dịch mà các hãng sản xuất phải tuân theo để có thể bán màn hình. Có hãng sẽ tuân theo, có hãng thì sẵn sàng đổi hàng cho bạn dù chỉ bị 1 “dead pixel”, có hãng biết nhưng thay đổi một số điều kiện (phải có 3-12 “dead pixel”, “dead pixel” phải nằm trong phạm vi gần nhau, vân vân), có hãng thậm chí còn không rõ là chuẩn ISO kia có tồn tại hay không là đằng khác.

Các bạn nên đọc kỹ quy định về bảo hành màn hình “dead pixel” của từng hãng trước khi mua

Điều mà người dùng chúng ta cần lưu ý khi mua màn hình đó là nhớ đọc kỹ các điều khoản bảo hành, xem xem là hãng quy định như thế nào về vụ “dead pixel” nhé, nhất là khi bạn chuẩn bị xuống tiền để tậu một chiếc màn hình đắt đỏ.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về “dead pixel”, cũng như là chế độ bảo hành của các hãng màn hình. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360