Màn hình gaming bây giờ thường có thời gian phản hồi rất nhanh, nhiều khi chỉ có 1ms mà thôi, nhưng con số đó có thật sự là chính xác không? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Các hãng màn hình gaming xịn sò thường sẽ có những thông số rất ấn tượng, chẳng hạn như độ phân giải 4K, tần số quét 240Hz-360Hz, độ phủ 100% DCI-P3, hiển thị đến 1,07 tỷ màu, vân vân. Trong đó, thời gian phản hồi (response time) của những màn hình này cũng khá là nhanh, chỉ 1ms mà thôi. Tuy nhiên, con số này chưa chắc đã đúng như bạn nghĩ đâu nhé.

Thời gian phản hồi của màn hình là gì?

Nói một cách ngắn gọn thì thời gian phản hồi là con số cho chúng ta biết thời gian cần thiết để 1 pixel trên màn hình đó chuyển từ 1 giá trị màu này sang giá trị màu khác. Con số này quan trọng bởi vì nếu thời gian phản hồi quá chậm (số mili giây cao) thì những hình ảnh chuyển động trên màn hình có thể sẽ bị mờ mờ ảo ảo, khá là khó chịu, và bạn sẽ không hề muốn điều này xảy ra với chiếc màn hình mà mình mới mua một chút nào.

Giả sử bạn tìm mua được một cái màn hình có thời gian phản hồi cực nhanh, cứ cho là nhanh tới mức 1ms luôn đi, thì nghe cũng xịn đó, nhưng ngẫm một xíu thì rốt cuộc hãng sản xuất màn hình đó đã đo đạc như thế nào để ra được con số đó? Cách đo của họ có chuẩn chỉnh không? Hay là họ có xài mánh khóe gì không?

Màn hình thường được kiểm tra trong một căn phòng cực kỳ nóng để giảm thời gian phản hồi

Dĩ nhiên, hãng màn hình phải đưa sản phẩm của họ qua quy trình kiểm tra, thử nghiệm hẳn hoi thì mới ra được con số 1ms kia để còn đem đi in lên bao bì. Tuy nhiên, cách thức mà họ kiểm tra lại không giống như cách mà người dùng sẽ sử dụng màn hình của họ trong thực tế; thậm chí, nó cũng chẳng giống với cách mà các hãng khác kiểm tra màn hình của họ.

Điều đầu tiên, các màn hình thường sẽ được thử nghiệm trong một căn phòng nóng bức. Điều này giúp các tinh thể lỏng trong tấm nền LCD (Liquid-Crystal Display – màn hình tinh thể lỏng) trở nên lỏng hơn, từ đó cho phép chúng phản hồi nhanh hơn. Mà căn phòng đó không phải nóng dạng vừa đâu các bạn ạ, nó nóng hơn nhiệt độ phòng bình thường rất nhiều. Thực chất, VESA (Video Electronics Standards Association – Hiệp hội Tiêu chuẩn Điện tử Video) còn phải thừa nhận rằng nhiệt độ trong những căn phòng đó “cao một cách bất thường”.

Chức năng “Overdrive” cũng là 1 cách giúp màn hình phản hồi nhanh hơn, nhưng đồng thời dễ khiến hình ảnh bị lỗi

Một cách khác để giảm thiểu thời gian phản hồi của màn hình là sử dụng chức năng gọi là “Overdrive”. Chức năng này sẽ ép màn hình phản hồi nhanh hơn bằng cách bơm mức điện áp cao hơn cho mỗi pixel. Tính năng này cũng hữu dụng đó, nhưng nhược điểm của nó là nếu lạm dụng quá mức thì có thể gây ra tình trạng lỗi hình (artifact), chẳng hạn như “inverse ghosting” (hay còn được gọi là “coronas”).

Và tới đây thì bạn cũng đoán ra được phần nào rồi đó. Các hãng màn hình thường sẽ áp chế độ “Overdrive” rất gắt khi thử nghiệm nhằm đạt được thời gian phản hồi nhanh nhất, bất chấp chuyện chất lượng hình ảnh lúc đó nhìn rất tệ.

Màn hình được tuyển lựa để có thông số tốt nhất

phản hồi màn hình

Chưa hết, các hãng màn hình còn 1 “chiêu thức” nữa, đó là tuyển lựa con màn nào có chất lượng tốt nhất rồi lấy thông số của nó dùng làm đại diện cho tất cả các màn hình của cùng 1 mẫu, thay vì là lấy con số trung bình của tất cả các màn hình của cùng mẫu đó. Nó cũng giống như CPU vậy, ví dụ tuy cùng là Core i9-12900K nhưng cũng có con “this” con “that”, có con ép xung được cao hơn, có con chạy nóng hơn, không con nào giống con nào cả.

Tiêu chuẩn ClearMR – Giải pháp của VESA cho vấn đề trên

phản hồi màn hình

Cách đây ít lâu, VESA đã đưa ra một chuẩn mới gọi là ClearMR. Đây là một bộ tiêu chuẩn rất gắt gao dùng để kiểm tra màn hình. Trước tiên, các bài kiểm tra phải được tiến hành trong môi trường có nhiệt độ giống với nhiệt độ phòng thông thường, tức là chỉ được xê xích trong khoảng 22,5oC đến 24,5oC mà thôi. Thêm vào đó, màn hình phải được kiểm tra ở thiết lập mặc định và ở độ phân giải “native” sau khi đã bật lên được một thời gian (cho màn hình có đủ thời gian để “làm nóng” trước khi kiểm tra).

phản hồi màn hình

Tất nhiên, công nghệ sẽ ngày càng phát triển, và những tiêu chuẩn trên cũng không phải là đinh đóng cột các bạn ạ. VESA có nói rõ rằng họ sẵn sàng điều chỉnh bộ tiêu chuẩn ClearMR để nó trở nên phù hợp hơn với thời đại, tương tự như họ đã làm với chuẩn DisplayHDR.

Các cấp độ (tier) của chuẩn VESA ClearMR

Tại thời điểm bài viết này, ClearMR có đặt ra một giới hạn trần đối với tình trạng “overshoot” và “undershoot”. Hiện tượng này xảy ra khi khi 1 pixel chuyển màu không đúng với giá trị mong muốn do tính năng “Overdrive” ép nó chuyển màu nhanh một cách bất thường. Để đạt chứng nhận ClearMR, VESA cho biết tình trạng “overshoot” không được vượt quá 20% và “undershoot” không được vượt quá 10%.

phản hồi màn hình

Tương tự chuẩn DisplayHDR, những mẫu màn hình vượt qua bài kiểm tra sẽ được nhận logo ClearMR cùng với con số từ 3000 đến 9000. Những con số này đại diện cho tỷ lệ gần đúng (approximate ratio) giữa pixel rõ và pixel mờ trên màn hình. Ví dụ, màn hình đạt chuẩn ClearMR 3000 sẽ có 3000 pixel rõ cho mỗi pixel mờ.

phản hồi màn hình

Do chuẩn ClearMR vẫn còn mới nên hiện tại vẫn chưa có nhiều màn hình đạt chuẩn này. Dù vậy, do hầu hết những hãng màn hình lớn đều là thành viên của VESA nên hi vọng là họ sẽ áp dụng tiêu chuẩn này lên các sản phẩm của họ trong tương lai gần, nhất là đối với những chiếc màn hình gaming.

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình ở phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360