Đây là lý do vì sao Microsoft “xử trảm” Cortana – một tính năng từng rất đình đám trên Windows.

Lúc xài Windows 10, hẳn các bạn đã từng gặp qua một cô trợ lý ảo mang tên Cortana. Nghe thì cũng xịn sò đó, nhưng thật sự thì Cortana không quá hữu ích đối với người dùng PC cho lắm. Và tin buồn là Microsoft cũng thấy như thế, cho nên họ đã quyết định cho Cortana về hưu vào cuối năm 2023.

Trong khi các đối thủ của Microsoft đang tất bật trang bị những tính năng xịn sò nhất, tối ưu trợ lý ảo sao cho ngon lành nhất, Microsoft lại quay đầu ở mảng này. Tại sao lại như thế? Mời các bạn cùng mổ xẻ nguyên nhân trong bài viết này nhé.

Microsoft chưa thật sự hiểu cách mà người dùng tương tác với các thiết bị

Microsoft Cortana

Nhiều người cho rằng Cortana đã chết từ trong trứng nước vì ban đầu, nó được thiết kế như một trợ lý ảo cho điện thoại. Tuy nhiên, Windows Phone lại không được thành công cho lắm. Thêm vào đó, Cortana cũng là kết quả của một sự lầm tưởng của Microsoft về cái cách mà người dùng tương tác với các thiết bị của mình.

Microsoft Cortana

Khởi đầu của chuyện này là Windows 8, khi Microsoft bắt người dùng phải xài 1 cái giao diện được tối ưu cho màn hình cảm ứng ngay trên một chiếc desktop và laptop truyền thống. Đến Windows 10 thì giao diện cũng đã được Microsoft tối ưu lại rồi, và đây cũng chính là phiên bản Windows mà Cortana được trình làng vì Microsoft muốn tích hợp hệ sinh thái của điện thoại vào sâu trong Windows.

Microsoft Cortana

Không những chẳng có ai đòi hỏi vụ tích hợp này, mà bản thân Cortana cũng còn là một trợ lý ảo giọng nói (voice assistant), ngay cả khi cô ta bước chân lên Windows – một hệ điều hành vốn chỉ cần vài thao tác với bàn phím và chuột là xong. Điều này có nghĩa là Cortana không thật sự hữu ích cho lắm trong môi trường Windows. Đó là chưa kể nhiều lúc Cortana còn rất là phiền phức, hay thích xen vào công việc của người dùng là đằng khác; nói chung là không được tinh tế như trợ lý ảo của mấy hãng đối thủ.

Microsoft rẽ hướng, muốn đem Cortana lên loa thông minh

Microsoft Cortana

Dần dần, Microsoft nhận ra trợ lý ảo Alexa của Amazon mới là con đường mà Cortana nên đi – tức là tích hợp vào các bộ loa thông minh giúp bạn hoàn thành các tác vụ một cách nhanh chóng khi ở xa máy tính. Nhưng lần này, Microsoft đã quá chậm chân, và phải đến cuối năm 2017 thì họ mới đem Cortana lên mấy cái loa thông minh được, và cũng chỉ có đúng 1 cái loa thông minh mà thôi – chiếc loa Harman Kardon Invoke có giá lên tới 200 USD, trong khi chiếc loa Echo Dot của Amazon có giá chưa tới 50 USD.

Cortana rất tốt, nhưng rất tiếc là thời thế không cho phép cô ấy tỏa sáng

Microsoft Cortana

Khi Cortana mới ra mắt, cô trợ lý ảo này nhận được kha khá lời tán dương dù vẫn có nhiều khiếm khuyết cần cải thiện. Vấn đề ở đây là Cortana vẫn chưa thật sự hữu ích trên PC, cho nên lượng người dùng lúc này là rất ít. Trong khi đó, Siri – một trợ lý ảo với lượng người dùng đông đảo hơn Cortana nhiều – cũng đang chật vật với vấn đề kiếm tiền cho Apple; và Amazon cũng đã đốt rất nhiều tiền cho Alexa, do nó vẫn chưa thể lấy được tiền từ người dùng; Google cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự với Google Assistant.

Mặc dù Microsoft vẫn tìm mọi cách để bán các dịch vụ của mình thông qua Windows, chuyện tiếp tục đổ thêm tiền và tài nguyên vào Cortana bây giờ đã không còn hợp lý nữa. Lý do là vì cô trợ lý ảo này không những không kiếm được doanh thu cho Microsoft, mà thậm chí người dùng cũng chẳng hề để tâm đến Cortana là mấy khi xài PC.

Thật ra, Microsoft không bỏ xó Cortana liền đâu, nhưng nhiều vấn đề phát sinh (trong đó có vụ đại dịch Covid-19) đã gây khó khăn cho công ty trong việc cải thiện Cortana. Microsoft có cố gắng hoàn thiện cô trợ lý ảo này hồi đợt đại dịch bùng phát đó, nhưng do có nhiều văn phòng quan trọng của Microsoft phải đóng cửa nên quá trình nâng cấp Cortana bị chững lại.

Cortana đã không còn chỗ đứng trong PC của người dùng nữa

Tua nhanh đến thời điểm bài viết này, và Microsoft bây giờ đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào AI (trí thông minh nhân tạo), nhưng đó là đầu tư cho các mảng có tiềm năng hơn (chẳng hạn như Microsoft 365 Copilot), thay vì là tiếp tục đầu tư cho một cô trợ lý ảo. Thế nên Cortana cũng vì vậy mà dần… tan theo làn mây khói.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về Cortana. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360