AMD Ryzen 8700G và 8600G thuộc Ryzen 8000G series là vi xử lý desktop đầu tiên trang bị NPU (neural processing unit).
AMD vừa mới giới thiệu dòng APU Ryzen 8000G dành cho desktop. Vì chúng tương thích với socket AM5 nên sẽ xài được với tất cả bo mạch chủ AMD X670/E, B650/E, A620 (sẽ cần cập nhật firmware). Mở màn cho Ryzen 8000G series sẽ là 4 con chip Ryzen 7 8700G, Ryzen 5 8600G, Ryzen 5 8500G, và Ryzen 3 8300G.
8700G và 8600G sử dụng die “Hawk Point” (4nm) với tính năng Ryzen AI. Đây cũng là vi xử lý desktop đầu tiên trang bị NPU (neural processing unit). Còn 8500G và 8300G thì sử dụng die “Phoenix 2” (4nm). Ryzen 7 8700G đầu bảng có 8 nhân 16 luồng (kiến trúc Zen 4), được trang bị iGPU Radeon 780M với 12 RDNA3 compute units và Ryzen AI XDNA NPU. Vi xử lý này có tổng AI throughput là 39 TOPS, trong đó có 16 TOPS của NPU. Để so sánh thì CPU mobile Intel Core Ultra 7 165H “Meteor Lake” (được trang bị AI Boost NPU) có tổng AI throughput là 34 TOPS.
AMD Ryzen 7 8700G có xung nhịp cơ bản là 4,2GHz và xung nhịp boost tối đa là 5,1GHz. Mỗi nhân sẽ có bộ nhớ đệm L2 là 1MB và sử dụng chung bộ nhớ đệm L3 là 16MB. iGPU Radeon 780M có xung nhịp engine boost là 2,9GHz. Card tích hợp này có cấu hình 12 compute units (768 stream processors, 24 AI accelerators, 12 Ray accelerators, 48 TMUs, 32 ROPs). TDP của con chip là 65W, và đi kèm theo trong hộp sẽ là tản nhiệt Wraith Spire xịn sò.
Ryzen 5 8600G thì có 6 nhân 12 luồng (kiến trúc Zen 4) với xung nhịp cơ bản là 4,35GHz và xung nhịp boost là 5GHz. Mỗi nhân sẽ có bộ nhớ đệm L2 1MB và sử dụng chung bộ nhớ đệm L3 16MB. iGPU được tích hợp trên con chip này là Radeon 760M với 8 compute units (512 stream processors, 16 AI accelerators, 8 Ray accelerators, 32 TMUs, 16 ROPs). Xung nhịp engine boost tối đa của iGPU này là 2,8GHz. 8600G được trang bị NPU giống 8700G, với AI throughput của NPU là 16 TOPS. 8600G có TDP 65W, đi kèm với tản nhiệt Wraith Spire.
Còn 8500G thì có 6 nhân 12 luồng, nhưng trong đó sẽ có 2 nhân “Zen 4” và 4 nhân “Zen 4c”, và đây cũng là lần đầu tiên AMD tung ra vi xử lý có kiến trúc lai. Nhân “Zen 4c” có kích thước vật lý nhỏ hơn nhân “Zen 4” nhưng vẫn có đầy đủ số lượng bộ phận, IPC (số chỉ thị mỗi nhịp), tập lệnh như nhân “Zen 4”, nhưng xung nhịp boost thì sẽ thấp hơn nhân “Zen 4” do mức vCore bị hạn chế nhiều hơn.
Mỗi nhân của 8500G sẽ có bộ nhớ đệm L2 1MB và xài chung bộ nhớ đệm L3 16MB. 8500G có xung nhịp cơ bản là 3,5GHz và xung nhịp boost tối đa là 5GHz (đối với nhân “Zen 4”). AMD không chia sẻ xung nhịp boost tối đa của nhân “Zen 4c” là bao nhiêu. Đi kèm với con chip này là tản nhiệt Wraith Stealth – phiên bản rút gọn của Wraith Spire.
Ryzen 3 8300G là con chip bình dân mà AMD sẽ không bán lẻ, thay vào đó thì họ sẽ bán cho các đối tác desktop OEM để ráp vào những dàn PC build sẵn. Con chip này có 4 nhân CPU, trong đó có 1 nhân “Zen 4” và 3 nhân “Zen 4c”. Xung nhịp cơ bản của con chip này là 3,4GHz và xung nhịp boost tối đa của nó là 4,9GHz (đối với nhân “Zen 4”). Con chip này có TDP 65W như 8500G.
8500G và cả 8300G cũng không có NPU, nên chúng sẽ không có Ryzen AI. iGPU trên hai con chip này là Radeon 740M với 4 compute units (256 stream processors, 8 AI accelerators, 4 Ray accelerators, 16 TMUs, 8 ROPs). Xung nhịp engine boost của iGPU này là 2,8GHz trên cả 2 con chip.
Về mặt hiệu năng đồ họa, 8700G và 8600G được cho là sở hữu sức mạnh ấn tượng do nó hỗ trợ AMD HyperRX để cải thiện mức fps. Thậm chí, ngay cả khi không xài HyperRX, ở độ phân giải 1080p, Radeon 780M vẫn cho ra mức hiệu năng 23-58 fps trong một số tựa game đình đám như “Jedi Survivor”, “Starfield”, “Alan Wake 2”, “Baldur’s Gate 3”, “Lies of P”. Còn khi bật HyperRX lên thì fps tăng hơn gấp đôi, chạm ngưỡng 60 fps. AMD cho biết mức giá của 8700G sẽ “thơm” hơn nhiều so với việc bạn mua combo Core i5-13400F với một chiếc card đồ họa thuộc phân khúc bình dân.
Còn về hiệu năng CPU, AMD Ryzen 7 8700G và Ryzen 5 8600G lần lượt mạnh tương đương Ryzen 7 7700 và Ryzen 7 7600. Cả 2 con chip đều hỗ trợ dual-channel DDR5-5600, và đều được mở khóa hệ số nhân cho người dùng tinh chỉnh theo nhu cầu.
Lưu ý rằng die “Hawk Point” không hỗ trợ PCIe Gen 5, cho nên khi lắp chúng vào bo mạch chủ AM5 thì khe PCIe Gen 5 và khe M.2 NVMe sẽ chạy ở chế độ PCIe Gen 4. Ngoài ra, do SoC “Hawk Point” chỉ có tối đa 24 làn PCIe, cho nên trên những bo mạch chủ có 2 khe M.2 NVMe nối trực tiếp vào CPU thì sẽ có 1 khe bị vô hiệu hóa.
Toàn bộ APU Ryzen 8000G series sẽ được mở bán vào ngày 31/01/2024. 8700G có giá 329 USD, 8600G có giá 229USD, và 8500G có giá 179USD.
Tóm tắt ý chính:
- AMD giới thiệu dòng APU Ryzen 8000G cho desktop, tương thích bo mạch chủ X670/E, B650/E, A620
- Mở màn sẽ là 4 con chip Ryzen 7 8700G, Ryzen 5 8600G, Ryzen 5 8500G, Ryzen 3 8300G
- Riêng 8700G và 8600G sẽ có tính năng Ryzen AI
- Đây cũng là vi xử lý desktop đầu tiên trang bị NPU (neural processing unit)
- Toàn bộ APU Ryzen 8000G series sẽ được mở bán vào ngày 31/01/2024
- 8700G có giá 329 USD, 8600G có giá 229USD, và 8500G có giá 179USD
Mời các bạn xem thêm các thông tin liên quan tại GVN 360:
- AMD ra mắt GPU Radeon PRO W7700 dành cho dân sáng tạo nội dung và ứng dụng AI
- Sản phẩm chính hãng của AMD được định giá tốt để bảo vệ quyền lợi người dùng và đại lý, hạn chế hàng xách tay
- Lộ tin AMD ưu tiên nâng hiệu năng đa luồng của CPU Zen 5 hơn là hiệu năng đơn luồng
Nguồn: TechPowerUp
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!