Mời bạn nhìn lại những lý do mà GVN360 bọn mình cho rằng đã khiến Valve quyết định ra mắt Counter-Strike 2 sau hơn 10 năm nhé.

Thời gian gần đây, cộng đồng gaming nói chung và FPS nói riêng đều vô cùng háo hức khi biết tin Valve sẽ tung ra Counter-Strike 2 vào mùa hè 2023. Đây sẽ là một bản cập nhật miễn phí cho Counter-Strike: Global Offensive vốn ra mắt từ hồi 2012, tức là cũng đã hơn 10 năm rồi.

Valve Counter-Strike 2

Mà có điều lạ là trong 10 năm qua, CS:GO vẫn liên tục thu hút thêm game thủ, bằng chứng là nó luôn nằm trong top 5 game được chơi nhiều nhất trên Steam; chưa kể cộng đồng CS:GO cũng hoạt động vô cùng sôi nổi nữa. Vậy thì có lý gì khiến Valve quyết định tung ra Counter-Strike 2 khi mọi thứ đang xuôi chèo mát mái? Thật ra là có rất nhiều lý do, tuy nhiên ở góc độ của GVN 360 bọn mình thì đây là 3 lý do nổi bật dẫn tới quyết định ra mắt Counter-Strike 2.

Valve cần củng cố vị thế của Counter-Strike trong mảng game eSports

Valve Counter-Strike 2

Ngày xưa, cứ nhắc đến game bắn súng eSports với quy mô quốc tế là kiểu gì cũng phải nhắc đến Counter-Strike. Đúng là thời 2012 không thiếu mấy trò bắn súng đình đám, ví dụ như series Borderlands hay Far Cry, nhưng đây cũng chỉ là những game offline chơi theo cốt truyện, được tích hợp thêm chế độ chơi mạng (multiplayer) thôi chứ nó không được thiết kế để thi đấu theo kiểu eSports như CS:GO. Ừ thì mấy series như Call of Duty hay Halo cũng có những giải đấu lớn hằng năm đó, nhưng xét về quy mô và độ phổ biến thì CS:GO vẫn ở 1 cái tầm cao khác các bạn ạ.

Và câu chuyện ngày xưa cũng chỉ dừng ở đó mà thôi.

Valve Counter-Strike 2

Bây giờ, nhắc đến thể loại FPS trong mảng eSports thì ngoài CS:GO ra, chúng ta còn có những trò cũng rình rang không kém như Fortnite, Valorant, PUBG: Battlegrounds, Apex Legends, Rainbow Six Siege, Overwatch 2. Đó là chưa kể giải Fortnite World Cup 2019 còn có tổng giá trị giải thưởng lên tới 30,4 triệu USD, chỉ đứng nhì sau giải The International 10 (40 triệu USD) mà thôi. Chưa hết, ở vị trí thứ 4 là giải PUBG Global Invitational.S 2021 (7,1 triệu USD), hay ở vị trí thứ 9 là Overwatch League 2019 (3,5 triệu USD). Bởi mới thấy những năm sau này, mảng eSports FPS không còn xoay quanh mỗi CS:GO nữa, mà song song đó còn có những tay to mặt bự khác với tiềm lực rất đáng gờm.

CS:GO vẫn là tượng đài trong giới eSports, tuy nhiên vị thế của nó không còn mạnh như xưa bởi sự cạnh tranh gay gắt từ những tên tuổi mới. Sự ra mắt của Counter-Strike 2 là điều cần thiết để củng cố vị thế của dòng game bắn súng này trong cộng đồng, và đó có lẽ cũng là một lời khẳng định rằng Valve rất quan tâm đến cộng đồng game thủ. 

Không thể ngủ quên trên chiến thắng, Valve phải nâng cấp để tiếp tục phát triển

Valve Counter-Strike 2

Nối tiếp ý ở trên, nhìn một cách khái quát thì người chơi CS:GO vẫn có tăng đó, nhưng nhìn chi tiết qua từng tháng thì bạn sẽ thấy đó không phải là tăng dần đều, mà là có lúc tăng lúc giảm. Điều này cho thấy sức hút của CS:GO không còn ổn định như trước; hay nói cách khác, đẳng cấp của CS:GO đúng là mãi mãi đó, nhưng phong độ cứ trồi sụt kiểu này thì ít nhiều gì mấy ông ở Valve cũng bắt đầu thấy lo lắng rồi. Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ không đi sâu vào câu chuyện vì sao nó lại lên xuống như thế; nhưng mình biết là Valve cần phải hành động trước khi mọi chuyện trở nên quá trễ.

Đến hồi đợt dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, nhà nhà đều thực hiện giãn cách xã hội và phải làm việc từ xa. Kéo theo đó là rất nhiều người chuyển sang chơi game để giết thời gian, và lượng game thủ CS:GO cũng vì thế mà tăng vọt. Sẵn đang có rất nhiều người hứng thú với tựa game này, có lẽ Valve đã nhận định rằng đây là thời cơ để nâng cấp CS:GO thêm một bậc, vừa để tiếp tục thu hút thêm người mới, vừa giữ chân những game thủ hiện tại để họ không chuyển sang chơi game của đối thủ, vừa làm thỏa mãn fan gạo cội, và thế là vui cả làng! Chứ đợi đến khi người ta bỏ đi hết mới tung ra phiên bản mới thì coi bộ không ổn cho lắm. Valve đủ khôn để biết là họ không nên đợi tới lúc mất bò mới lo làm chuồng.

Source Engine đã quá cũ

CS:GO cần một engine mới

Hẳn nhiều bạn đã nghe nói tới danh tiếng của Source engine, và có một sự thật là nó đã 19 tuổi rồi đó. Kế thừa từ GoldSrc engine, Source đã có một màn chào sân thật hoành tráng với Counter-Strike: Source (2004) và Half-Life 2 (2004). Qua thời gian, nó cũng đã có những bản cập nhật giúp engine trở nên ổn định hơn, tối ưu hơn, và được sử dụng để tạo ra Counter-Strike: Global Offensive (2012) và Dota 2 (2013). Ngoài ra, Source engine còn là nền tảng để phát triển những trò đình đám như Titanfall series và Apex Legends nữa.

Valve Counter-Strike 2

Tuy nhiên, cho dù có được chỉnh sửa, cập nhật nhiều đến mấy thì một cái engine gần 20 năm tuổi cũng khó thể nào bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của ngành game và phần cứng ngày nay. Ngay cả Gabe Newell (nickname Gaben) – Chủ tịch của Valve – còn thừa nhận các công cụ của Source khiến việc tạo ra nội dung mới rất khó khăn, vất vả, rề rà là bạn biết rồi đó.

Valve Counter-Strike 2

Do đó, CS:GO sẽ cần một cái engine mới để lột xác cho thật hoàn hảo. Thế là Valve đã giới thiệu Counter-Strike 2 (nôm na là 1 bản remake miễn phí của CS:GO) được thiết kế bằng Source 2, y như hồi đợt Valve chuyển Dota 2 từ Source sang Source 2 với bản cập nhật mang tên Dota 2 Reborn vào năm 2015 (đây cũng là tựa game đầu tiên sử dụng Source 2).

Source 2 sẽ giúp CS:GO lột xác hoàn hảo

Valve Counter-Strike 2

Tất nhiên, Source 2 sẽ mang đến nhiều thứ ưu việt hơn so với Source, chẳng hạn như là nó sẽ thay thế những công cụ lỗi thời, giúp các nhà phát triển có thể tạo ra nội dung mới một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn; đồng thời nó còn được tích hợp engine vật lý “cây nhà lá vườn” mới mang tên Rubikon để các hiệu ứng trong game trở nên chân thực hơn. Source 2 còn có khả năng render các khung cảnh chi tiết và phức tạp mà fps không bị giảm quá nhiều nhờ tối ưu cho việc hỗ trợ 64-bit và Vulkan, giúp render đa nhân tốt hơn và render 3D hiệu quả hơn.

Cụ thể, trong trường hợp của Counter-Strike 2, Source 2 sẽ giúp tạo ra hiệu ứng khói có khả năng tương tác với môi trường, ánh sáng, đường đạn, bom nổ. Thêm vào đó, cụm khói còn có thể len lỏi vào các khe cửa, hoặc lan rộng khắp hành lang, giúp game thủ có thêm những chiến thuật mới so với hồi CS:GO.

Các hiệu ứng ánh sáng, texture vật thể, bề mặt phản chiếu giờ sẽ được render dựa trên các yếu tố vật lý. Thêm vào đó, bản đồ cũng được khoác lên mình một chiếc áo mới, giúp nhìn sáng sủa hơn và bớt rườm rà, từ đó người chơi có thể dễ dàng xác định kẻ địch từ xa hơn.

Đặc biệt, Source 2 còn giúp Counter-Strike 2 cải thiện độ trễ (latency) với kiến trúc gọi là sub-tick. Trước đây, máy chủ của CS:GO chỉ cập nhật thông tin trên bản đồ theo từng khoảng thời gian nhất định (gọi là tick). Còn với sub-tick, bạn di chuyển hay siết cò là máy chủ sẽ ghi nhận ngay lập tức, giúp giảm thiểu độ trễ và tạo cảm giác phản hồi tốt hơn cho game thủ.

Valve Counter-Strike 2

Thêm vào đó, Valve còn hứa hẹn rằng các công cụ và tính năng render của Source 2 sẽ giúp cộng đồng modder dễ dàng xây dựng và thử nghiệm sản phẩm của mình hơn. Chưa kể mấy hiệu ứng VFX cho nước, vụ nổ, khói lửa, đường đạn, máu phun,… đều được cải thiện. Chẳng hạn, bạn có thể dễ dàng thấy được dấu đạn ghim trên tường khi đứng từ xa, hoặc vệt máu sẽ văng theo những hướng nhất định để bạn biết đạn bay từ đâu đến. Thậm chí, giao diện của Counter-Strike 2 cũng được thiết kế lại để nhìn bắt mắt hơn, cung cấp cho game thủ nhiều thông tin hữu ích hơn.

Valve đã có thời gian để hoàn thiện Source 2 với Dota 2 Reborn

Đa phần những cải thiện trên đều tương đồng với đợt Valve trình làng Dota 2 Reborn. Lúc đó, Valve cũng tuyên bố rằng Source 2 sẽ giúp game có độ phản hồi tốt hơn (bằng cách cải thiện kết nối với máy chủ), hiệu năng được cải thiện, tận dụng CPU đa nhân tốt hơn, hiệu ứng vật lý chân thực hơn, giao diện đẹp hơn, tối ưu phần GPU render, vân vân.

Valve Counter-Strike 2

Có một điều là lúc Dota 2 Reborn mới ra mắt, game dính lỗi kỹ thuật khá là nhiều, khiến lượng người chơi đã giảm tới 16% trong tháng tiếp theo. Phải sau mấy bản cập nhật, vá lỗi thì Dota 2 Reborn mới ổn định trở lại. Thế nên đây cũng có thể là 1 lý do khiến Valve chưa vội cập nhật Source 2 cho CS:GO như Dota 2, mà đợi đến 2023 (khi Source 2 đã trở nên hoàn chỉnh hơn) mới cập nhật .

Source 2 giúp Counter-Strike 2 tối ưu hơn cho Steam Deck

Valve Counter-Strike 2

Valve giờ cũng đã có chiếc máy chơi game cầm tay Steam Deck rồi, cho nên chuyện nâng cấp CS:GO lên Counter-Strike 2 sẽ giúp game tương thích và tối ưu cho nền tảng này tốt hơn, tương tự như trò Aperture Desk Job (cũng xài Source 2) mới ra mắt hồi năm 2022 cùng đợt với Steam Deck nhằm phô diễn các tính năng của hệ máy này.

Source 2 tạo tiền đề cho Counter-Strike 2 hỗ trợ cross-play

Sẵn nói về vụ nền tảng, tuy chưa được Valve chính thức xác nhận là Counter-Strike 2 có hỗ trợ tính năng cross-play hay không, nhưng Source 2 chắc chắn là có hỗ trợ vụ chơi xuyên nền tảng đó nha. Bằng chứng là trò Dota Underlords (2020) được phát triển bằng Source 2 trên các nền tảng Windows, macOS, Linux, Android, iOS và có hỗ trợ cross-platform đàng hoàng.

Valve Counter-Strike 2

Thật ra, Valve đã từng có kế hoạch hỗ trợ tính năng chơi mạng cross-platform giữa các nền tảng Windows, OS X, Linux, Xbox 360, PlayStation 3 cho CS:GO rồi; nhưng kế hoạch này đã bị dẹp qua một bên để Valve có thể thường xuyên tung các bản cập nhật cho CS:GO trên PC và Mac. Vì thế nên việc ra mắt Counter-Strike 2 sẽ là tiền đề giúp kết nối các cộng đồng game thủ với nhau, tạo nền tảng để game đứng vững hơn trên thị trường đang cạnh tranh khốc liệt.

Source 2 có hỗ trợ nền tảng VR

Còn một điều thú vị nữa là Source 2 chính là engine đứng sau tựa game thực tế ảo (VR) Half-Life: Alyx ra mắt hồi năm 2020. Vì đây cũng là 1 trò FPS, cho nên không loại trừ khả năng sau này Valve sẽ công bố Counter-Strike phiên bản VR, hoặc một modder khéo tay hay mò nào đó biến hóa Counter-Strike 2 cho nó tương thích với kính VR. Cơ bản thì Source 2 là một engine mạnh mẽ và phong phú hơn Source rất nhiều, cho nên các nhà phát triển giờ cũng đã có thể bung lụa thoải mái hơn trước.

Counter-Strike 2 sẽ mở ra những cơ hội mới dành cho cả Valve lẫn game thủ

Mặc dù trên lý thuyết, Counter-Strike 2 chỉ là bản nâng cấp miễn phí của Counter-Strike: Global Offensive thôi, nó lại đóng vai trò là một bước ngoặt, hay nói cách khác là sự chuyển mình của một huyền thoại để đáp ứng thị hiếu của game thủ thời nay. Nó cho thấy Valve không ngủ quên trên chiến thắng mà vẫn luôn lắng nghe ý kiến đóng góp và phản hồi từ cộng đồng game thủ, để rồi từ đó tạo ra Counter-Strike 2 nhằm củng cố vị thế và đáp ứng nguyện vọng của fan.

Chưa biết Counter-Strike 2 sẽ thành công đến đâu, nhưng phải thừa nhận một điều rằng nó sẽ mang đến một sân chơi mới toanh cho game thủ FPS, đồng thời giúp Valve hiện thực hóa những dự định còn dang dở lúc trước với CS:GO.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360