Với nhu cầu người dùng càng ngày càng cần ổ cứng dung lượng cao, các hãng HDD đã liên tục nghiên cứu những công nghệ mới để tăng khả năng lưu trữ, chẳng hạn như thay đổi công nghệ đọc/ghi theo phương pháp mới, hoặc tăng số lượng phiến đĩa (platter) trong HDD. Toshiba là công ty đầu tiên sử dụng thiết kế 9 phiến đĩa vài năm về trước; bây giờ thì những chiếc HDD cao cấp đều có 9 phiến đĩa cả rồi. Tuy nhiên, theo một bài nghiên cứu gần đây thì thiết kế 10 phiến đĩa đang sắp trở thành hiện thực.
Vào cuối năm nay thì Seagate sẽ ra mắt dòng ổ đĩa đầu tiên sử dụng công nghệ heat-assisted magnetic recording (HAMR), cho phép họ tạo ra ổ cứng với dung lượng lên đến 50 TB. Đợt HDD HAMR đầu tiên vẫn sẽ có 9 phiến đĩa, nhưng vì sử dụng phiến đĩa bằng kính (mỏng hơn loại bằng nhôm) nên nó có thể mở ra cánh cổng mới cho thiết kế 10 phiến đĩa.
Các nhà phân tích đến từ Trendfocus cho biết các hãng HDD đang nghiên cứu các mẫu với độ dày chưa đến 0,5 mm nhằm tạo ra ổ cứng chứa nhiều hơn 10 phiến đĩa. Họ cũng dự đoán rằng HDD chứa 10 phiến đĩa sẽ có mặt sớm hơn dự kiến. Hoya – một hãng chuyên làm kính cho phiến đĩa HDD – có chia sẻ rằng họ đang phát triển đĩa dành cho cả công nghệ HAMR và thiết kế nhiều lớp (multi-layer). Ngày trước, Hoya từng giới thiệu bản mẫu (prototype) của những chiếc ổ cứng chứa nhiều hơn 10 phiến đĩa, nhưng vì họ không phải là hãng sản xuất HDD nên trên thị trường vẫn chưa có những mẫu này.
Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng công nghệ microwave-assisted magnetic recording (MAMR) không yêu cầu phải chuyển sang loại phiến đĩa mới, nên chúng ta cần phải chờ xem ổ cứng MAMR rốt cuộc có chuyển sang thiết kế phiến đĩa mỏng hơn, chứa nhiều hơn 9 phiến đĩa hay không. Các nhà phân tích tại Trendfocus tin rằng do nhu cầu sử dụng HDD dung lượng lớn ngày càng tăng, và sự cạnh tranh cũng ngày một khốc liệt nên ổ cứng thương mại dung lượng 24 TB sẽ sớm có mặt trên thị trường vào khoảng năm 2022. Còn chuyện những ổ đó có sử dụng 10 phiến đĩa và/hoặc công nghệ HAMR, MAMR hay không thì tùy thuộc vào các hãng như Seagate, Toshiba, và Western Digital.
Nguồn: tom’s HARDWARE