Những con màn hình đóng mác gaming thường có kích thước vừa phải, tần số quét cao và độ trễ thấp để giúp game thủ, theo dõi, phản ứng bám nhịp trận đấu với những khung hình nhanh nhất, mượt nhất. Mà nói đi cũng phải nói lại có thể nói màn hình chuyên dụng để chơi game thì tần số quét phải cao, nhưng không phải game nào cũng cần mấy con màn gaming để cho trải nghiệm tốt nhất. Sau đây anh em hãy cùng mình điểm qua những dòng game mà tần số quét không quá quan trọng thay vào đó thì kích thước mới đem lại sự sung sướng. Thậm chí anh em có thể lôi cả TV ra chơi mà không cần quan tâm đến vấn đề input lag (độ trễ đầu vào) luôn.
Cờ nhân phẩm
Đây chính là thể loại đầu tiên mà mình nhớ đến khi viết bài này. Kể từ khi con game Auto Chess xuất hiện, nó đã mở ra một subgenre (nhánh phụ) mới trong thể loại turn-base mà chúng ta thường gọi là “cờ nhân phẩm”. Hiện nay thì cờ nhân phẩm tuy đã không còn hot một cách quá đáng như những ngày đầu nữa nhưng nhìn chung thì nó cũng không suy tàn mà đã đi vào ổn định và trở thành một dòng game dễ chơi, dễ ghiền và mang lại những cảm xúc tích cực.
Do không thuộc thể loại chiến thuật theo lượt nên dòng game này không cần anh em phải có một cái màn hình đủ nhanh làm gì cả. Cờ nhân phẩm cũng không yêu cầu cấu hình quá ghê gớm nên thường thì chỉ cần một con GPU tầm trung là anh em đã cân được thoải mái trên màn hình 4K rồi. Đối với mình thì một cái màn hình 4K to đùng thực sự sẽ nâng tầm trải nghiệm khi chơi cờ nhân phẩm đấy, anh em cũng nên thử đi. Mình đã thử chơi Đấu Trường Chân Lý trên cái TV 55 inch 4K có chuẩn HDR 10 nhà mình và nó làm mình không quay lại màn hình FullHD được nữa anh em ạ, sướng lắm. Điểm duy nhất làm mình có chút khó chịu chỉ là việc con trỏ chuột có độ delay nhẹ, nhưng mà cũng không phải vấn đề gì lớn lắm, giống như độ trễ của mấy con chuột hàng chợ thôi.
Chiến thuật theo lượt – Turn-Base
Cờ nhân phẩm cũng là turn-base nhưng mà mình nghĩ muốn nói nó cụ thể hơn một chút nên mới tách riêng ra nói trước, chứ thật ra thì chẳng có còn game turn-base nào đòi hỏi tần só quét cao hay tốc độ phản hồi thấp cả vì vốn dĩ nó không đòi hỏi khả năng phản ứng tức thời. Mấy con game này cũng như thường rất nhẹ nên dễ dàng cân trên màn hình 4K chỉ với PC tầm trung hay thậm chí là bình dân. Những dòng game kiểu như Civilization, XCOM, Valkyria Chronicles… chắc chắn sẽ cho anh em trải nghiệm tốt khi chơi trên một cái màn hình kích thước lớn, độ phân giải cao và màu đẹp.
Nhưng mà anh em nhớ nếu chơi trên TV thì chừa mấy game theo lượt mà có căn timing như kiểu Gunny nhé, độ delay của màn hình sẽ là một thứ cực kỳ khốn nạn đối với anh em đấy.
Chiến thuật thời gian thực – RTS
RTS được thì được nhưng còn tùy game nha anh em. Đối với những game RTS thuần túy như Company of Hero hoặc lai turn-base Total War: WARHAMMER thì tần số quét của màn hình không phải vấn đề, độ phân giải và kích thước của màn hình sẽ trở thành lợi thế lớn cho anh em. Ngoài ra đối với những con game đồ họa đẹp và nổi tiếng về độ sát phần cứng như Total War: THREE KINGDOMS thì độ phân giải 4K chắc chắn sẽ là thử thách cho bất cứ dàn PC nào, nếu anh em có máy tầm trung mà máu me với mấy con game dạng này thì cứ FullHD 27 inch hoặc 2K 32 inch là cũng vừa rồi.
Xây dựng – quản lý
Đối với mấy anh em nào mê kiểu game xây thành phố, quản lý công viên, thành phố thì chắc chắn nên thử một lần trải nghiệm trên một cái màn hình thật to, TV cũng tốt. Ngoài lợi thế độ phân giải lớn giúp anh em có nhiều không gian, hiển thị – thao tác và đỡ phải di chuyển màn hình hơn thì màn hình TV cũng cho anh em cảm giác chill hơn khi ngắm nhìn những “thành quả lao động” của mình trong một khung hình to như cái cửa sổ.
Game nhập vai
Mình đã thử chơi những tựa game nhập vai nổi tiếng như Dark Souls III, The Witcher 3: Wild Hunt, GTA V và Shadow of Tomb Raider trên cái TV nhà mình và phải công nhận là nó sướng lắm anh em ạ, nhưng mà mỗi tội mình chỉ chơi được Dark Souls III mượt mà thôi, mấy con game kia thì đều phải hạ cấu hình xuống, nặng nhất là Shadow of Tomb Raider ấy, toàn phải để các mục thiết lập từ trung bình đổ xuống thôi. Tuy nhiên nếu anh em có một dàn PC thật mạnh để cân màn hình 4K thì mình đảm bảo anh em sẽ cực kỳ phê, thêm cái tay cầm XBox cắm vào nữa là hết bài, chill không thua gì console luôn.
Nhưng có lưu ý nhỏ cho anh em là độ trễ của màn hình TV có thể sẽ gây khó chịu khi bắn súng đấy nhé. Riêng đối với mấy game không có súng ống như Dark Souls III và The Witcher 3 thì việc chiến đấu chủ yếu sẽ là chém nhau, anh em chỉ cần quen nhịp combat thôi thì độ trễ màn hình cũng chẳng phải là thứ đáng quan tâm nữa. À nhưng mà trừ Sekiro ra nhé, con game đó đòi hỏi timing rất chính xác để đỡ đòn, chơi TV cực kỳ dễ sấp mặt, ít nhất thì đó cũng là quan điểm rút ra từ trải nghiệm của mình.
Còn nếu anh em có màn hình gaming cỡ bự (big format gaming display) thì quá tuyệt vời rồi, không phải lo vụ delay nữa.
Game đối kháng
Từ bao đời nay mấy con game đối kháng đánh nhau đều được sinh ra là dành cho console, mà console thì được sinh ra để cắm vào TV. Nói đến đây chắc anh em đủ hiểu rồi nhé. Đồng ý là màn hình TV phổ thông không thể nào phản hồi nhanh và cho tần số quét cao như màn hình gaming được nhưng chắc chắn là chơi trên TV với bạn bè, gia đình kiểu gì cũng vui hơn, trừ khi anh em thích tryhard tự kỉ hoặc có màn hình gaming cỡ bự. Đối với mấy con game đối kháng trên PC thì cũng vậy, không nằm ngoài quy luật đó.
Visual novel, gal game
Chào mừng đến với phần dành cho we*bo*. Cái này thì khỏi giải thích anh em cũng hiểu rồi. Sức hấp dẫn của visual novel, gal game ngoài nội dung cốt truyện ra thì chính là độ khét của waifu. Không cần tần số quét cao, không cần quan tâm độ trễ, thậm chí máy tính không cần có GPU rời luôn, thứ duy nhất mà mình quan tâm khi động vào mấy con game như thế này chắc chắn là một cái màn hình thật bự, thật nét và màu phải thật đẹp, và một cái TV 4K, có chuẩn HDR và kích thước từ 4x inch đổ lên chắc chắn là một câu trả lời hoàn hảo. Ai mà cần màn hình gaming khi đang ngắm waifu bằng TV siêu to khổng lồ chứ?
*Thử tưởng tượng cày eroge trên một cái màn hình TV siêu bự xem… phê đừng hỏi!!!