Đánh giá nhanh tựa game Elden Ring: Khó nhưng hay, mà hay nên dễ nghiện.
“Hành” không phải là một món dễ ăn với nhiều người, đơn giản là vì nó đắng và dễ ngán. Đây cũng chính là lý do khiến cho những người ghét ăn hành sẽ không bao giờ muốn thấy dù chỉ là một cọng xuất hiện trong chén đồ ăn của họ. Game cũng tương tự như vậy. Một tựa game quá khó và chăm bán hành cho game thủ sẽ dễ khiến game thủ cảm thấy nản mà bỏ game. Tuy nhiên, lý thuyết này không thật sự đúng với các tựa game của FromSoftware nói chung và Elden Ring nói riêng.
Elden Ring thuộc dạng game càng chơi càng hăng, và ăn hành càng nhiều thì càng khiến game thủ dễ bị nghiện. Đây thực chất là kết quả của công thức làm game đến từ nhà FromSoftware đúc kết được từ bao kinh nghiệm trong sự nghiệp làm game của mình.
Sơ lược về Elden Ring
Elden Ring là tựa game hành động nhập vai đến từ nhà phát triển FromSoftware đình đám, vốn nổi tiếng với những bom tấn như series Dark Souls, Bloodborne, Sekiro: Shadows Die Twice. Trò này còn có sự tham gia của nhà văn George R. R. Martin – người đã viết nên kịch bản của series Game of Thrones vốn làm mưa làm gió trong nhiều năm qua. Ông chính là người đã cung cấp tư liệu để thiết kế nên bối cảnh trong game, biến Elden Ring trở thành tựa game đầy tham vọng nhất của FromSoftware.
Elden Ring ra mắt trên Steam vào ngày 25/2/2022 với mức giá là 800.000 VND, và được phát hành trên các nền tảng như PlayStation 4, Xbox Series X và Series S, Xbox One, PlayStation 5, Microsoft Windows.
Điểm qua cốt truyện của Elden Ring: Mở đầu cuốn hút như một câu chuyện cổ tích
Elden Ring có bối cảnh tại Lands Between sau khi Elden Ring bị phá hủy và các mảnh vỡ của nó (Great Runes) nằm rải rác khắp mọi nơi. Lúc này, Lands Between bị cai trị bởi những người con á thần của Nữ hoàng Marika the Eternal, và mỗi người đang giữ một mảnh của Elden Ring. Tuy nhiên, họ lại bị chính quyền năng của mảnh vỡ này làm thay đổi và tàn phá linh hồn. Trong vai Tarnished, bạn sẽ phải bắt đầu hành trình đi tìm và thu thập tất cả các mảnh Great Runes, phục hồi Elden Ring và trở thành Elden Lord.
Đây cũng chính là lời dẫn truyện đầu game cho chúng ta một cái nhìn khái quát về bối cảnh của thế giới Elden Ring. Dòng game thuộc thể loại bón hành cho game thủ thì thường không phải ai cũng để ý nhiều tới cốt truyện, mà chủ yếu sẽ tập trung vào gameplay. Tuy nhiên, đoạn mở đầu này lại cho mình một cảm giác na ná như bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn, và mình nghĩ với cốt truyện này nếu sau này được chuyển thể thành phim dưới bàn tay của một đạo diễn giỏi, thì đây chẳng khác gì một bộ phim Hollywood ăn khách cả.
Elden Ring và câu chuyện đầu game: Bạn đã bỏ tiền mua game thì hãy chơi nó theo phong cách của bạn
Trước khi bắt đầu chuyến hành trình phiêu lưu vào miền đất Lands Between, game sẽ cho phép bạn tạo ra một nhân vật của riêng mình.
Đầu tiên là chọn lớp nhân vật. Elden Ring có cả thảy là 10 lớp nhân vật khác nhau cho bạn chọn, bao gồm Vagabond, Warrior, Hero, Bandit, Astrologer, Prophet, Samurai, Prisoner, Confessor, Wretch. Mỗi lớp nhân vật này đều có các kỹ năng, trang bị, và chỉ số sức mạnh riêng biệt, các bạn có thể dựa vào đó để lựa chọn cho mình kiểu nhân vật và lối đánh phù hợp với bản thân nhất.
Ví dụ như bạn thích sự ngầu lòi của các tượng đài Samurai Nhật Bản, thì hãy chọn lớp nhân vật Samurai. Lớp nhân vật này có thể vừa dùng katana vừa bắn cung, khá là thích hợp cho bạn nào thích vừa cận chiến vừa “thả diều” địch từ xa. Nếu bạn thiên về lối đánh tầm xa là chủ yếu thì có thể chọn lớp nhân vật Astrologer (pháp sư), hoặc nếu bạn thích phong cách “trên răng dưới cát tút” thì chọn lớp Wretch (nhân vật của bạn sẽ trông không khác gì người tiền sử cầm gậy rượt người khác).
Mỗi lớp nhân vật đều có cái hay riêng của nó. Quan trọng là bạn phù hợp với lối đánh nào và phong cách chơi nào mà thôi. Ví dụ như bạn thích có trang bị đầy đủ ngay khi mới ra trận thì chọn các lớp khác, còn nếu bạn muốn đi từ một con người không có gì cả rồi loot đồ từ từ thì có thể chọn lớp Wretch. Có thể nhiều bạn sẽ chê lớp Wretch, nhưng riêng mình thì lại thấy nó khá hay vì nó cho mình cảm giác thích thú khi đi từ con số 0 lên 100. Từ một tên mặc khố cầm gậy thành một người loot được áo giáp, cầm kiếm, cầm khiên các kiểu. Nói chung phong cách chơi này cũng hay và đáng thử các bạn ạ.
Kế đến các bạn sẽ được chọn màu da nhân vật, giọng nhân vật, tóc, màu tóc, và mặt có sẹo hay không, vân vân. Tính năng tùy chỉnh nhân vật này sẽ khiến cho nhân vật của bạn có 1 không 2, và nó là dành riêng cho chỉ mình bạn mà thôi. Tuy nhiên, những thứ như thế thường truyền thống sẽ tốn của các game thủ kỹ tính hàng giờ đồng hồ đấy.
Tóm lại, mình thấy rất là thích cái gameplay cho phép game thủ tùy chọn lớp nhân vật để họ sử dụng cho tới cuối game, chứ không gò bó người chơi vào một loại nhân vật chính duy nhất. Điều này giúp tạo sự đa dạng cho game, cũng như là khiến cho người chơi cảm thấy hào hứng vì họ được trải nghiệm game theo cách của riêng họ. Đơn giản là vì khi một nhân vật được chính tay người chơi tạo ra, tức là người chơi muốn nhân vật đó chính là bản thể của mình trong game.
Elden Ring đòi hỏi game thủ phải tìm hiểu và suy nghĩ kỹ lưỡng trong công cuộc xây dựng nhân vật của mình
Elden Ring là một tựa game chặt – chém, bạn bị con trùm chặt và bạn chém lại nó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn chỉ có lao đầu vào như con thiêu thân rồi múa kiếm trước mắt mấy con trùm và mong sẽ có cơ hội thắng. Mọi thứ không đơn giản như thế.
Bạn sẽ phải “farm” cho nhân vật của mình mạnh lên bằng cách hạ mấy con lính quèn nằm rải rác trên khắp bản đồ (nói là lính quèn chứ nó mạnh bằng mấy con trùm của game khác đấy). Sau khi hạ được địch, bạn sẽ nhận được “điểm kinh nghiệm” và dùng nó để nâng các chỉ số nhân vật. Dù vậy, không phải muốn nâng gì thì nâng. Bảng chỉ số nhân vật sẽ có đủ tất cả chỉ số dành cho tất cả các lớp nhân vật, và tùy vào nhân vật bạn chọn và phong cách đánh của bạn mà nâng chỉ số nào cho đúng.
Ví dụ như lớp Vagabond, Samurai và Wretch chẳng hạn. Bạn sẽ phải nâng chỉ số máu (Vigor), sức bền (Endurance), và thể lực (Strength) để có thể cầm được các vũ khí to và nặng hơn, nhưng vẫn giữ được sức bền để chạy và lăn lộn né đòn. Nếu như bạn cầm vũ khí nặng hơn so với chỉ số của mình thì dame gây ra sẽ giảm, hoặc sức bền yếu quá thì bạn sẽ lăn lộn rất chậm, tạo cơ hội cho địch đánh trúng bạn dễ dàng hơn.
Vì Elden Ring là một game cày cuốc nên sẽ có rất là nhiều quái trên bản đồ cho bạn “farm”, chỉ đáng tiếc là chúng không dễ bị hạ thôi. Do đó, mỗi “điểm kinh nghiệm” bạn kiếm được đều rất đáng quý, và việc dùng nó để nâng chỉ số nào còn quan trọng hơn. Chính điều này đã khiến cho game thủ phải suy nghĩ, chắt chiu, chịu khó, và đầu tư cho nhân vật của mình hơn.
Đối với mình, đây chính là điểm hay của những con game cày cuốc. Thời điểm được coi là cuốn nhất của game chính là thời điểm bạn đang cày cho nhân vật của mình với lòng đam mê và nhiệt huyết. Chứ một khi nhân vật của bạn thành đỉnh của chóp và không còn ai có thể cản đường bạn được nữa, lúc đó bạn sẽ cảm thấy chán.
Elden Ring sở hữu những màn đấu trùm không khác gì một bộ phim hành động mãn nhãn
Những màn combat đỉnh cao và đầy cam go chính là điểm nhấn của Elden Ring. Như mình đã có đề cập ở đầu bài viết, những tựa game bán hành quá nhiều cho game thủ thường sẽ khiến họ bị nản và bỏ game. Tuy nhiên, đối với Elden Ring nói riêng và các dòng game Souls-like nói chung thì lý thuyết đó không phải lúc nào cũng đúng 100%.
Khi chơi Elden Ring, bạn càng thua thì bạn càng hăng. Vì game rất khó nên bạn sẽ chết rất nhiều, nhưng mỗi lần chết bạn sẽ thuộc dần các combo của trùm và từ đó tạo động lực thúc đẩy bạn thử lại một lần nữa. Và cứ sau mỗi lần thử đi thử lại như thế, đôi tay và đôi mắt của bạn sẽ quen dần, phản xạ của bạn cũng sẽ được cải thiện hơn và không sớm thì muộn con trùm cũng sẽ nằm sõng soài dưới chân bạn. Đương nhiên là trong trường hợp bạn đừng đâm đầu vào những con trùm level cao quá nhé. Nói vậy chứ những con trùm như thế hay xuất hiện nhiều trên bản đồ lắm, cứ đi là gặp thôi nên các bạn game thủ hãy bảo trọng nhé. Nếu khó quá thì cứ tạm thời rút lui rồi “farm” lên level từ từ trả thù sau.
Tuy nhiên, ý chính mình muốn nói ở đây là một khi tay và mắt của bạn đã quen rồi thì bạn sẽ biết di chuyển sao cho hợp lý, nên ra bao nhiêu đòn và nhường địch bao nhiêu đòn, cũng như là lăn lộn theo chiều nào để né skill địch tốt nhất. Sau khi đã thuần thục thì những pha đấu trùm xem chẳng khác gì một bộ phim hành động mãn nhãn vậy.
Cách đánh tốt nhất theo trải nghiệm của mình đó là đánh 2 đòn, rồi lùi, rồi đánh 2 đòn tiếp. Đặc điểm của những tựa game như này thì bạn tham là bạn còn cái “nịt”. Thông thường lính quèn thì bạn có thể ra liên tiếp 3 đòn, nhưng với trùm thì lúc ra đòn thứ 3 xong cũng là lúc bạn bị trùm bổ cái kiếm xuống đầu.
Ngoài ra, khi hạ được trùm hoặc đi khám phá các dungeon, bên cạnh “điểm kinh nghiệm” bạn sẽ có cơ hội nhận được các kỹ năng mới, ví dụ tốc biến, hóa đồ vật, triệu hồi, vân vân. Theo mình chơi thì thấy kỹ năng triệu hồi là tiện nhất vì nó giúp mình đánh trùm dễ hơn so với việc chỉ solo 1 mình. Còn chiêu hóa đồ vật gần bạn thì mình thấy sẽ phát huy tác dụng hơn khi chơi ở chế độ Multiplayer.
Elden Ring có một tính năng khá là hay mà mình thấy nhiều bạn chơi do không biết nên rất hay bỏ lỡ. Đó là tính năng triệu hồi một NPC để trợ giúp mình trước mỗi trận đấu trùm. Thường tính năng này sẽ nằm ở ngay bên hông cửa đi vào phòng đấu trùm, bạn chỉ việc tới đó và yêu cầu triệu hồi một NPC tới trợ giúp mình là được. Dù đã triệu hồi NPC rồi nhưng bạn vẫn có thể sử dụng kỹ năng triệu hồi riêng của mình để tạo thành thế 3 đánh 1 với trùm nhé.
Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ rằng cách này không công bằng và giảm độ khó của game. Tuy nhiên, các bạn cứ yên tâm. Mình đã thử rồi nên có thể đảm bảo rằng dù bạn có triệu hồi cả NPC lẫn sử dụng kỹ năng triệu hồi của riêng bạn, con trùm vẫn đập cả 3 như con đẻ thôi nên bạn yên tâm, game không bớt khó đi bao nhiêu đâu.
Elden Ring và những con trùm với lối đánh khiến game thủ không kịp thích nghi
Bản chất là game cày cuốc nên Elden Ring bố trí rất nhiều quái trên bản đồ cho các bạn tha hồ “farm”. Dù vậy những con trùm của Elden Ring lại sở hữu cho mình sự đa dạng chứ không trùng lặp tạo cảm giác nhàm chán như một số tựa game khác.
Mỗi con trùm sẽ có hình dạng khác nhau và cách đánh lẫn combo cũng khác nhau, và điều này sẽ khiến bạn gặp khó khăn nếu thích nghi không kịp. Ví dụ điển hình nhất là những con trùm xuất hiện đầu game. Khi bạn đi lanh quanh và đánh những con trùm lính nhỏ, bạn sẽ thấy các động tác của chúng dù sát thương cao nhưng tốc độ vẫn khá chậm, bạn vẫn có thể nhìn thấu và né được (nếu bạn không tham đánh).
Tuy nhiên, khi đi vào các dungeon gần đó và chạm trán với boss mèo đen, bạn sẽ thấy động tác của nó dứt khoát hơn hẳn. Nó sẽ đi với tốc độ bình thường để áp sát bạn, và một khi nó đã tới gần rồi thì nó sẽ bổ kiếm vào đầu bạn với tốc độ nhanh như chớp. Nếu mắt của bạn vẫn còn đang quen với tốc độ của những con lính phía ngoài dungeon, thì chắc chắn bạn sẽ ăn ngay nhát chém như “The Flash” của con trùm mèo đen này trong lần đầu gặp mặt. Dù vậy nhưng sau vài lần ăn hành thì bạn cũng sẽ quen với tốc độ và combo của nó thôi.
Một ví dụ tiếp theo là tên trùm khổng lồ vác trên lưng cây kiếm dài. Ở đợt đầu thì nó sẽ chỉ dùng tay đập đất, nhưng khi chuyển sang đợt 2 nó sẽ rút kiếm ra và combo cũng sẽ thay đổi theo. Điểm phiền phức của nó đó là dù bạn có thuộc các combo của đợt 1 và 2 thì khi bạn áp sát, nó vẫn sẽ tung một đòn bất ngờ là dùng chân đạp. Đây có thể coi là một phản ứng rất bình thường của một sinh vật to lớn khi đối đầu với một sinh vật nhỏ bé. Tuy nhiên, nó sẽ không dùng chiêu này trừ khi bạn đến gần nó. Chính điều này tạo cho bạn suy nghĩ rằng bạn đã nắm hết combo của nó rồi và cứ thế áp sát.
Sự thay đổi bất ngờ khiến game thủ chưa kịp thích nghi khi đánh 2 con trùm cận kề nhau, hay các động tác ra đòn bất ngờ của những con trùm khi ta đầu với chúng khiến cho mình cảm thấy càng thích thú hơn. Một phần là bởi vì ăn hành rất ngon, và một phần là bởi vì nó giúp mình cải thiện được sự tinh mắt, tốc độ phản xạ, và sự cẩn thận trong các pha combat.
Elden Ring sở hữu đồ họa đẹp mắt, nếu bỏ đi những nguy hiểm rình rập thì chẳng khác 1 tựa game tham quan thắng cảnh
Mình phải công nhận là đồ họa của Elden Ring rất đẹp. So với sự đen tối của Dark Souls hay sự âm u buồn bã của Sekiro: Shadows Die Twice, mình lại thích vẻ màu sắc nhưng lại ảm đạm của Elden Ring hơn.
Lý do mình gọi thế giới của Elden Ring là màu sắc vì nó có những chiếc cây màu cam, màu vàng. Bên dưới đó là cánh đồng xanh, và trên trời là ánh sáng vàng nhẹ của cây Erdtree. Dù khung cảnh vẫn có phần ảm đạm nhưng sự kết hợp của những màu sắc đó vẫn khiến cho mắt mình cảm thấy mịn màng và thư giãn (trước khi bước chân vào 1 trận combat đầy máu và hành).
Nếu như không bị cản trở bởi những tên trùm và tên lính xung quanh, cảm giác cưỡi ngựa phi trên những cánh đồng chẳng khác gì cảm giác đi du lịch và thuê ngựa để đi ngắm cảnh cả. Có thể nói, thế giới đẹp đẽ của Elden Ring giống như là liều thuốc xoa dịu tinh thần của chúng ta sau những màn đấu trùm căng thẳng vậy.
Elden Ring là một tựa game hay và đáng chơi, nhưng nếu bạn không phải fan thì hãy đợi nó giảm giá
Quả thật, Elden Ring là một tựa game rất đáng chơi, đặc biệt là dành cho những bạn nào là fan hoặc đam mê các thể loại game cày cuốc siêu khó. Elden Ring sở hữu các yếu tố tốt đẹp từ đồ họa, gameplay, sự đa dạng và thử thách để chứng tỏ bản thân xứng đáng được nằm trong danh sách game Steam của bạn, và mình hoàn toàn công nhận điều đó.
Tuy nhiên, mức giá 800.000 VND không phải là mức giá rẻ. Đối với fan hay đối với những người thích trải nghiệm những tựa game mới như mình thì mức giá 800.000 này bỏ ra là xứng đáng, vì nó thể hiện được sự đầu tư và công sức của nhà làm game khi mang tới cho chúng ta một tựa game hay và chất lượng. Dù vậy, đối với những bạn nào đang muốn thử vì thấy nó “hot”, thấy nó có vẻ hợp với mình thông qua việc xem các video gameplay hay livestream, vân vân thì nên cân nhắc kỹ hơn một tí.
Nguyên nhân là bởi vì các dòng game Souls-like như Elden Ring hay Dark Souls không phải ai chơi cũng hợp. Có thể mới đầu bạn cảm thấy thích thú, nhưng dần dần lại cảm thấy chán vì nó chỉ đơn giản là cày và chịu khó quét dungeon để lên cấp, rồi lại cày tiếp. Game sẽ không tuyến tính hay hướng dẫn gì quá nhiều, bạn sẽ phải chịu khó khám phá và tìm hiểu. Đó là còn chưa kể nếu bạn không quen và đây là lần đầu tiếp xúc với một tựa game khó như này sẽ rất dễ nản.
Mua một con game gần cả triệu bạc mà nản nửa chừng nó thốn lắm, nên nếu mức giá 800.000 VND hiện giờ hơi quá cao với bạn thì bạn nên chờ cho game giảm giá trong các đợt sale định kỳ của Steam. Ví dụ như tựa game Cyberpunk 2077 giá gốc là 990.000 VND nhưng giờ mỗi lần sale thì giảm còn một nửa, sẽ dễ mua hơn.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Đánh giá Sifu – Tuyệt đỉnh kungfu thổi bùng tinh thần thượng võ của bao game thủ
- Trên tay nhanh Ready or Not: Tựa game nhập vai đồ họa đẹp cho bạn làm SWAT diệt trừ tội phạm
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!