Resident Evil là một dòng game kinh dị khét tiếng về chủ đề tận thế zombie. Dòng game này hay tới mức mà dù phần đầu tiên ra mắt từ rất lâu rồi, nhưng tới tận bây giờ game vẫn ra tiếp các phần mới và vẫn được game thủ đón nhận một cách nồng hậu. Trong bài viết ngày hôm nay, mời các bạn hãy cùng GVN 360 tụi mình điểm qua các điểm hay nhất và tệ nhất của top 10 phần game trong Resident Evil nhé.

Resident Evil 1 (1996)

Hay nhất: Nó đặt nền móng cho mọi thứ. Dòng game Resident Evil có thể không tạo ra thể loại game kinh dị, nhưng nó lại khiến cho thể loại này trở nên nổi tiếng và phổ biến hơn. Phần đầu tiên của toàn bộ series không chỉ là nguồn cảm hứng của vô số các tựa game bản sao, mà còn là cái nền cho các tựa game ra mắt trong tương lai. Tất cả những yếu tố như giới thiệu kẻ thù, nhân vật, cốt truyện cho tới tập đoàn Umbrella, T-Virus, Albert Wesker, Chris Redfield, vân vân, vẫn tồn tại cho tới tận bây giờ.

Tệ nhất: Game có diễn xuất bằng giọng nói rất tệ. Rất nhiều game thủ đã phản ánh rằng phần lồng tiếng Anh cho các nhân vật trong Resident Evil 1 nghe bị đơ và diễn xuất nhàm chán. 

Resident Evil 2 (1998)

Hay nhất: Nó giúp mở rộng thêm nhân vật cho thế giới của Resident Evil. Phần 2 là phần giới thiệu 2 nhân vật mới là Ada và Leon, họ đều trở nên nổi tiếng và thường xuyên góp mặt trong các phần game về sau chứ không phải chỉ xuất hiện 1 lần rồi thôi. Và đừng quên con quái vật khổng lồ Mr.X trong một chiếc áo choàng màu đen nhìn vừa bí ẩn, vừa đáng sợ cho những ai mới chơi lần đầu.

Tệ nhất: Bản đồ khu vực cống ngầm. RE2 có một vấn đề khá là kỳ lạ là nửa đầu game rất hay, nhưng nửa cuối game thì lại không thật sự ấn tượng cho lắm. Ban đầu chúng ta sẽ được đi khám phá đồn cảnh sát, và màn chơi này thật sự gây ấn tượng mạnh cho game thủ. Ngược lại thì nửa cuối game chúng ta sẽ đi thám hiểm trong khu cống rãnh, mặc dù màn chơi cống rãnh cả trong phần gốc hay Remake đều không hề tệ, nhưng nó lại kéo sự hứng thú của game đi xuống bởi vì không được làm tốt bằng nửa đầu của game. Trong khi theo lý thuyết thì game càng về cuối phải càng hay. Phần mở đầu chúng ta được giới thiệu một đồn cảnh sát to lớn và tráng lệ, thì càng về sau chúng ta lại chỉ loanh quanh trong những cốc ngầm.

Resident Evil 3 (1999)

Hay nhất: con trùm Nemesis. Trong phiên bản remake, Nemesis dường như trở nên dễ đoán hơn rất nhiều, các hành động của nó không còn phức tạp như trong phần gốc nữa. Ngược lại trong bản gốc, Nemesis cực kỳ khó đoán (đặc biệt là đối với những người chơi ít kinh nghiệm). Bởi vì nó có thể xuất hiện ở các khu vực khác nhau, tùy thuộc vào việc người chơi làm gì và không làm gì. Một khi con quái vật này xuất hiện cùng với quả súng rocket trên tay, người chơi sẽ có một màn rượt đuổi nhớ đời.

Tệ nhất: Chào mừng trở lại Racoon City. RE3 đưa người chơi một lần nữa trở lại thành phố Racoon trong một buổi đêm đầy tiếng la hét và cháy nổ. Đây cũng chính là thành phố và thời điểm trùng với RE2. Thật ra, đây cũng không phải là một vấn đề gì quá nghiêm trọng, chỉ là nó khiến cho các fan – những người đã chờ đợi rất lâu – không cảm thấy rằng đây thật sự là một phần game tiếp theo của RE2 mà nó giống như DLC hơn.

Resident Evil: Code Veronica (2000)

Cái tốt: Hình ảnh trông đáng sợ hơn

Việc chuyển sang nền tảng Dreamcast đã giúp các nhà phát triển làm được nhiều thứ hơn, chứ không chỉ gói gọn trong việc tạo ra phông nền (background) đã được render từ trước. Ngoài ra, nó còn cho phép họ tạo ra các mô hình nhân vật và màn chơi nhìn chi tiết hơn. Kết quả là Code Veronica trông rất tuyệt vời. Thậm chí, phần này còn giúp thay đổi diện mạo của cả series, bỏ qua hình ảnh của đường phố và căn nhà ở Hoa Kỳ trong những phần trước để đổi lấy kiến trúc mang đậm nét Gothic châu Âu hơn.

Cái xấu: Quản lý vật phẩm và độ khó

Nói không ngoa thì Code Veronica là phần khó nhất trong cả series. Nó có những kẻ địch rất dai và nhiều khi bạn phải đi ngược về khúc trước để lấy những vật phẩm quan trọng. Tệ hơn nữa là cơ chế quản lý đồ vật sẽ khiến bạn rơi vào những tình huống oái oăm, nhất là khi bạn lỡ bỏ lại 1 món đồ quan trọng phía sau và phải vòng về để lấy nó (nếu có thể). Nó không khiến game thủ quay lưng với Code Veronica, nhưng những ai mới làm quen với series Resident Evil thì sẽ thấy khá là khó chịu.

Resident Evil 0 (2002)

Cái tốt: Cảnh quan tuyệt vời

Bây giờ nhìn lại, cảnh nền được “pre-rendered” trong Resident Evil 0 vẫn rất là bắt mắt đó nha, và trong bản remaster thì nó còn đẹp xuất sắc hơn nữa. Đây là điều vô cùng ấn tượng đối với một tựa game đã hơn 20 năm tuổi. Bạn sẽ ít được tương tác với môi trường xung quanh (do cảnh quan đã được render trước rồi), nhưng cơ bản thì điều đó vẫn chấp nhận được và nhìn một cách tổng thể thì nó cũng góp phần lớn trong việc tạo ra bầu không khí u ám trong game.

Cái xấu: Bỏ bớt vật phẩm

Thay vì sử dụng cơ chế hộp chứa vật phẩm như trước, phần này lại đổi thành cơ chế cho phép bạn bỏ lại bất cứ thứ gì ở bất kì nơi đâu và bất cứ lúc nào để có thêm chỗ trống. Tuy nhiên, nó lại khá là kỳ và chủ yếu chỉ tổ gây trở ngại cho người chơi mà thôi. Phần lớn game thủ đều bỏ lại đồ ở những nơi an toàn, cho nên nó cũng không thay đổi nhiều về cách mà hầu hết game thủ chơi Resident Evil 0 so với những phần trước đó. Kiểu như là Capcom cần thay đổi công thức cũ một xíu nên thêm mắm thêm muối vậy thôi chứ tác dụng chả có bao nhiêu.

Resident Evil 4 (2005)

Cái tốt: Thay đổi nhiều thứ

Khi Resident Evil 4 ra mắt trên nền tảng GameCube, series này đã tồn tại được chục năm rồi và nó cũng không thay đổi nhiều cho lắm, nhất là camera vẫn là góc quay cố định và cơ chế điều khiển vẫn theo dạng “tank control”. Nói chung là game thủ bắt đầu thấy nhạt miệng rồi. Với Resident Evil 4, Capcom đã đổi góc camera tĩnh thành góc camera động theo kiểu góc nhìn thứ 3, phù hợp hơn với phong cách hành động của phần này. Đồng thời, đây cũng là 1 bước ngoặt lớn trong series. Phần 4 cũng giúp dòng game Resident Evil trở nên mới mẻ hơn, thu hút thêm người chơi mới để tiếp tục giữ lửa, không bị lãng quên.

Cái xấu: Đoạn cuối không vui

Resident Evil 4 là một tuyệt tác, nhưng phải thừa nhận một điều rằng phân đoạn cuối cùng trong game (lấy bối cảnh trên một hòn đảo nhỏ bị kiểm soát bởi quân đội) không được thú vị cho lắm. Bầu không khí ám ảnh ở những phân đoạn trước đã biến mất hoàn toàn, giờ chỉ còn lại những bức tường bê-tông lạnh ngắt và những tên lính khó nhằn. Đúng là đoạn này vẫn có một vài thời khắc cao trào đó, nhưng nó chẳng thể nào so sánh được với trải nghiệm mà bạn có được trong phân cảnh đi vào ngôi làng và lâu đài.

Resident Evil 5 

Cái tốt: lối chơi coop

Dù lý thuyết thì tựa game Resident Evil đầu tiên có chế độ coop là Outbreak, thế nhưng mãi đến Resident Evil 5 thì nó mới thật sự toả sáng. Capcom đã thiết kế toàn bộ tựa game này để bạn có thể cùng chiến hữu của mình đi từ đầu đến cuối, hạ gục siêu ác nhân Wesker. 

Cái xấu: thể hiện sự kỳ thị đối với người Châu Phi

Các mà Capcom thể hiện người Châu Phi trong game phải nói là khá tiêu cực. Một số người thậm chí đã rất tức giận khi nhắc đến tựa game Resident Evil 5, và thật lòng mà nói thì chúng ta có thể hiểu tại sao. Các nhân vật người da đen trong game được mô tả rất là cục súc và thô lỗ. Nếu như trong tương lai phần này được làm lại, có lẽ Capcom sẽ phải thay đổi kha khá nếu không muốn tiếp tục nhận gạch đá của cộng đồng.

Resident Evil 6

Cái tốt: Chiến dịch của Leon

Resident Evil 6 là canh bạc lớn của Capcom với chế độ chiến dịch cực kỳ hoành tráng, theo chân gần như là tất cả những nhân vật đình đám nhất của series. Trong đó ấn tượng nhất chính là chiến dịch của Leon, lấy bối cảnh Resident Evil truyền thống và những xác chết biết đi. Mặc dù về sau vẫn trật quẻ như phần còn lại, ít nhất thì đoạn mở đầu cũng khiến rất nhiều game thủ cảm thấy ấm áp trong lòng. 

Cái xấu: Tất cả mọi thứ còn lại

Resident Evil 6 thường được biết đến như là một thảm hoạ đối với series. Khởi nguồn từ Resident Evil 4, chất hành động ngày càng lấn át chất kinh dị và đến Resident Evil 6 thì chúng ta không còn gì ngoại trừ một tựa game hành động khá là nhạt – dù rằng phải công nhận đồ hoạ lung linh. 

Resident Evil 7 

Cái tốt: Thay đổi mọi thứ (thêm một lần nữa)

Resident 7 đánh dấu một lần nữa dòng game Resident Evil lại thay đổi. Capcom đã giảm phần hành động lại và tăng thêm chất kinh dị, điều rất được fan của series đón nhận. Không những thế, việc chuyển từ góc nhìn thứ 3 sang góc nhìn thứ nhất cũng khiến game trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết. Đây là một canh bạc lớn nhưng đã đem lại thành công tực rỡ cho Capcom, với Resident Evil 7 là tựa game được đánh giá cao nhất series. 

Cái xấu: thiếu kẻ thù

Resident Evil 7 là tựa game gần như hoàn hảo, nhưng nếu khó tính soi thì việc không đa dạng quái vật có lẽ là điều duy nhất mà nó thiếu sót. Bạn gần như sẽ phải đấu với một vài loại quái, lặp đi lặp lại cho đến hết game. Mặc dù việc bỏ đi mấy con quái vật quen thuộc như Licker hay zombie đã thổi một luồng gió mới, nhưng chí ít thì Capcom cũng nên cân bằng lại về số lượng. 

Resident Evil Village 

Cái tốt: Không khí của Resident Evil 4

Có rất nhiều thứ để thích trong Resident Evil Village, từ cách mà nó hành nhân vật chính Ethan cho đến màn chơi ngôi mà ma ám đáng sợ. Tuy nhiên điều mà khiến nhiều game thủ thích nhất chính là việc nó gợi nhớ lại không khí của Resident Evil 4, với bối cảnh Châu Âu, thương gia bán súng, nâng cấp súng và hệ thống quản lý vật phẩm. Phải nói rằng đây là phiên bản gần với Resident 4 Remake nhất mà Capcom từng ra mắt. 

Cấi xấu: Nữ ma cà rồng chưa đủ đất diễn

Nữ ma cà rồng Dimitrescu là cái tên ấn tượng nhất trong Resident Evil Village, với thân hình cao to và cực kỳ sexy. Ngay từ những đoạn trailer đầu tiên, nữ quái này đã gây sốt trong cộng đồng. Thế nhưng khi game chính thức ra mắt, đa số đều cảm thấy thất vọng vì Dimitrescu chỉ đóng một phần trong nhỏ cốt truyện. Sau này Capcom có bổ sung thêm DLC để giúp chúng ta “chơi đùa” nhiều hơn với em ấy, tuy nhiên đối với nhiều game thủ thì đó vẫn là chưa đủ. 

Trên đây là điểm lại 10 tựa game Resident Evil và những điểm sáng lẫn mặt tối của nó. Hy vọng bài viết này đã mang đến những gợi ý hợp lý để bạn có những phút giây giải trí tuyệt vời.

Tất nhiên, muốn chơi game ngon lành thì bạn cũng cần có một chiếc máy tính vận hành đáng tin cậy. Nếu đang cần tìm chiếc máy như vậy thì bạn có thể đến với GearVN – hệ thống cửa hàng Hi-end PC, gaming gear chuyên nghiệp và uy tín hàng đầu Việt Nam. Với đội ngũ vốn xuất thân từ dân mê game và streamer mà ra, GearVN luôn hiểu khách hàng muốn gì, cần gì để mang đến những sản phẩm tốt nhất và trải nghiệm tuyệt vời nhất!

PC GEARVN

PC GEARVN ProArt

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Kotaku

Link tải hình nền tại đây!


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360