Vì không gì là hoàn hảo, chúng ta cùng nhìn lại những điểm tối của làng game trong năm 2022 này nhé.
Vậy là làng game sắp khép lại năm 2022 rồi đó. Và đây cũng là lúc thích hợp để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, nhất là những điều khiến game thủ thất vọng. Chúng ta không nên chối bỏ quá khứ, mà thay vào đó hãy thẳng thắn nhìn nhận nó để từ đó có một năm 2023 tốt hơn, trọn vẹn hơn nhé.
Bobby Kotick vẫn chưa thất nghiệp
Sau hàng loạt vụ lùm xùm và bê bối tình dục, Bobby Kotick – CEO của Activision – vẫn chưa bị mất việc các bạn ạ. ĐÚng là ông đã bị cắt giảm lương thưởng đó, nhưng cơ bản là ông vẫn giàu nứt vách, và khả năng là ông sẽ vẫn còn ngồi cái ghế đó khá lâu, mặc dù Activision Blizzard liên tục bị cáo buộc vì những tội như đối xử tệ bạc với nữ nhân viên, quấy rối tình dục, môi trường làm việc độc hại, vân vân.
Ngay cả khi bị đưa ra tòa kiện nhiều lần, bị điều tra không biết bao nhiêu đợt, Kotick vẫn cúi đầu nhận lỗi lia lịa và vẫn làm CEO của Activision Blizzard. Thậm chí, nhiều tay to trong ngành cũng đã phản đối việc trao quyền cho Kotick, nhân viên thì tràn ra đường biểu tình, nhưng CEO của Activision Blizzard vẫn là Kotick. Còn một điều nữa là sau khi Microsoft hoàn tất thương vụ mua lại Activision Blizzard, hiển nhiên Kotick sẽ lại càng giàu hơn nữa các bạn ạ.
Những đợt ra mắt game đầy thảm họa
Phát triển game không phải là chuyện dễ, điều này thì không phải bàn cãi gì nữa rồi. Tuy nhiên, ngay cả khi đội ngũ phát triển tăng ca, làm việc ngày đêm thì vẫn không thể nào tránh khỏi tình trạng game bị lỗi tè le ngay ngày ra mắt. Chuyện game chơi không hay như kì vọng vẫn có thể du di được, nhưng game còn không bật lên chơi được hoặc vô game là bị lỗi thì không thể nào chấp nhận được các bạn ạ.
Vậy mà năm nay chúng ta lại không hề thiếu những game như vậy, chẳng hạn như Pokemon Violet/Scarlet, FIFA, Overwatch 2, Gotham Knights, Saint’s Row,… tất cả đều trình làng trong tình trạng rất tệ. Nhiều trò cũng đã khắc phục những lỗi khó chịu, cải thiện hiệu năng, tinh chỉnh vài thứ sau vài bản cập nhật. Nhưng nếu các hãng game muốn đòi thêm tiền từ người chơi thì chí ít họ cần phải đảm bảo là game đó chơi được cái đã.
Việc game tăng giá lên 70 USD
Nói về vụ đòi thêm tiền từ người chơi, chuyện mua máy chiến game và mua game bản thân nó đã khá là tốn kém rồi, dù là PC hay console đi nữa. Vậy mà bây giờ, nó lại càng trở nên đắt đỏ hơn khi giá game từ 60 USD nay đã tăng lên thành 70 USD. Đối với nhiều người thì 60 USD đã hơi bị “quá hớp” rồi. Giờ game lại càng mắc hơn nữa, đó là chưa tính tiền thuế, các bản DLC cộng thêm, à mà còn skin nhân vật nữa…
Tất cả những thứ này đều diễn ra ngay lúc lạm phát trên toàn cầu chạm mức cao nhất, và giữa thời điểm mà hàng chục game mới ra mắt nhưng dính lỗi tùm lum. Đồng ý là chi phí phát triển game sẽ càng ngày càng cao, nhưng cộng thêm 10 USD giữa lúc những vấn đề cố hữu khác trong ngành game còn chưa được giải quyết xong thì không được lòng fan cho lắm.
Các công ty game thâu tóm lẫn nhau
Hồi năm 2021 đã có không ít công ty game này thâu tóm công ty game kia rồi, nhưng năm 2022 thì nó lại càng nhiều hơn với quy mô lớn hơn các bạn ạ. Chẳng hạn, Bungie giờ đã thuộc về Sony, Microsoft thì đang mua lại Activision, Epic mua lại Harmonix, Take-Two chi hàng tỷ USD để thâu tóm Zynga, đến cả Netflix cũng mua lại một số game studio để phát triển những dự án của riêng họ. Còn Embracer và Tencent thì đang… đua nhau xem ai đi shopping mua được nhiều studio hơn.
Đối với một số người, điều này sẽ khá là tốt trong thời gian ngắn hạn, do công việc của họ được ổn định hơn, và họ có được nhiều tài nguyên hơn để hiện thực hóa các dự án lớn. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, đến lúc mà những công ty chiếm phần lớn thị trường bỗng nhiên “ngã ngựa” thì nó sẽ kéo theo phần lớn ngành game sụp đổ cùng với nó. Viễn cảnh này khó xảy ra, nhưng không phải là không thể xảy ra!
NFT vẫn còn sức hút
Hồi năm 2021, cả cộng đồng game thủ đều chung 1 tiếng nói, phản đối các nhà làm game tích hợp NFT vào trong các sản phẩm của họ. Đến năm 2022, không ít công ty game vẫn cố gắng tìm cách biến NFT thành thứ mà người chơi cảm thấy thích thú, ngay cả khi họ liên tục bị lấy ra làm trò hề cho bàn dân thiên hạ.
Wil Wright – nhà sáng tạo ra Sim City đình đám – vẫn đang làm game NFT, Square Enix vẫn đang cố gắng khiến game thủ quan tâm đến NFT, cửa hàng Gamestop nổi tiếng đã chi rất nhiều tiền cho NFT, Epic thì cho phép các nhà phát triển ra mắt game NFT trên cửa hàng của họ, streamer Dr. Disrespect nổi tiếng cũng đang bắt tay vào 1 dự án game NFT luôn. Dựa theo những gì diễn ra trong quá khứ thì gần như mọi dự án này sẽ đều thất bại. Tuy nhiên, phóng lao rồi thì phải theo lao thôi, thế nên thay vì quyết định ngừng cuộc chơi, các nhà phát triển game lại chấp nhận “liều ăn nhiều”.
Thêm những cuộc sa thải nhân viên và đóng của công ty
Trong năm 2022, nếu bạn theo dõi tin tức thường xuyên thì sẽ thấy các công ty lớn có xu hướng sa thải loạt nhân viên và đóng cửa các studio để tiết kiệm chi phí. Năm nay, G4 đã bị “bay màu”, Fanbyte thì bị Tencent xóa sổ, Unity thì sa thải một đống nhân viên, studio Niantic (Pokémon GO) thì cho nghỉ việc hết 80 nhân viên. Và đó chỉ mới là 1 vài ví dụ điển hình thôi nhé. Chưa kể Square Enix Montreal (Onoma) cũng bị đóng cửa 1 tháng sau khi Embracer “thay da đổi thịt” studio.
Elon Musk vẫn tiếp tục tấu hài
Không những chi tới 44 tỷ USD để mua lại Twitter, Elon Musk còn biến mạng xã hội này thành một nơi còn tệ hơn ban đầu nữa. Sau khi Musk thâu tóm Twitter, mạng xã hội này đã trở nên tệ đến nỗi các tay to mặt bự trên này đều lần lượt dứt áo ra đi. Chưa hết, Musk còn trò bán tick xanh giá 8 USD/tháng cho người dùng, cho nên có 1 thời điểm trên Twitter toàn những tài khoản tick xanh giả mạo đi trêu ghẹo người khác, thật giả lẫn lộn chẳng biết đường nào mà lần các bạn ạ.
Chưa hết,còn đăng hình cái tủ kế bên giường ngủ, trên đó là mấy con Diet Coke và 2 khẩu súng giả, trong đó có 1 khẩu súng lục của nhân vật chính trong game Deus Ex: Human Revolution. Biết là Elon Musk mê game rồi đó, nhưng tới mức này luôn thì bó tay các bạn ạ.
Các tựa game biến mất hoặc bị khai tử luôn
Thêm 1 năm nữa, và lại thêm 1 loạt game biến mất khỏi Trái đất. Đôi lúc, nguyên nhân là vì máy chủ chạy những game này bị đóng cửa, có khi thì là toàn bộ dịch vụ để chạy game đó bắt đầu bị cho “đắp chiếu”. Nhiều khi, game cũng tự nhiên biến mất luôn các bạn ạ.
Đối với những game như Deus Ex GO thì mặc dù nó đã bị gỡ khỏi các cửa hàng trong năm 2022, chúng ta vẫn còn một số cách khác để chơi trò này. Nhưng với những thứ như game độc quyền trên Stadia, hoặc là game MMO bị đóng cửa thì khả năng cao là chúng ta sẽ phải vĩnh viễn tạm biệt những trò này luôn. Bây giờ có nhiều cách để lưu trữ game hơn ngày trước, nhưng phần lớn là dành cho những trò single-player ra mắt trên PC hoặc console. Còn đối với những trò mobile, MMO, hoặc những trò cần sử dụng dịch vụ trực tuyến thì khó thể nào mà cứu vớt nó được, nhất là khi không có sự trợ giúp từ chính đội ngũ phát triển và phát hành game đó.
Overwatch 2 khiến nhiều fan thất vọng
Overwatch cũng là một tựa game biến mất trong năm 2022, nhường ngôi vị lại cho Overwatch 2. Đáng lý ra đây là 1 điều tốt các bạn ạ. Blizzard có thể dựa trên phần 1 và nâng cấp nó toàn diện, từ đó giúp thu hút người chơi quay trở lại với Overwatch.
Nhưng đời không như là mơ các bạn ạ. Thay vì làm như trên, đợt ra mắt Overwatch 2 lại là 1 đống hỗn độn, dính đủ thứ lỗi, nào là lỗi máy chủ, bug, lỗi nhân vật, hệ thống battle pass hút máu người chơi 1 cách trắng trợn, và không có chế độ PvE nhưng đã hứa hẹn trước đó. Hiện tại, Overwatch 2 đã khá hơn nhiều rồi, nhưng vẫn không thể ngờ được rằng Blizzard lại có thể thất bại trong màn chào sân của Overwatch 2.
Metaverse vẫn còn sống
Cho đến khi chúng ta bước sang năm 2023 thì ý tưởng về metaverse vẫn chưa chết hoàn toàn các bạn ạ, mặc dù nó bị người người cười chê vì đây là một ý tưởng phi thực tế mà chẳng ai muốn cả. Vì 1 lý do nào đó mà Walmart vẫn tiếp tục đầu tư rất nhiều tiền vào mảng này. Còn Mark Zuckerberg của Facebook thì lại khiến lợi nhuận công ty rớt thê thảm vì tham vọng muốn tạo ra và kiểm soát metaverse – thứ mà Zuckerberg cho rằng sẽ là Internet tiếp theo.
Khả năng là metaverse sẽ còn tồn tại thêm vài năm nữa, do một số tập đoàn và công ty đều đã chi rất nhiều tiền và thời gian để lên kế hoạch phát triển metaverse. Thế nên khả năng cao là họ sẽ tiếp tục đầu tư cho đến khi nào nó hoàn thành mới thôi. Những năm sau này, có thể bạn sẽ thấy thêm một vài metaverse xấu xí xuất hiện trên mạng là vì vậy.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- 1 năm có 12 tháng là Elon Musk tấu hài đủ cả 12 tháng trong năm 2022
- God of War Ragnarok bại trận, nhường ngôi vương Game of The Year 2022 cho chúa tể Elden Ring
- Top 10 tựa game bắn súng xuất sắc nhất trong năm 2022
Nguồn: Kotaku
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!