Bây giờ tìm PC “chiến mọi game eSport” là quá dễ phải không anh em?

Hello anh em, có phải anh em chúng mình ai cũng chơi game eSport đúng không nào? Có một điều mà mình vừa nhận ra, đó là những tựa game eSport từ trước đến nay chưa bao giờ khiến mình phải lo lắng về cấu hình. Những Dota 2 hay PUBG hay Overwatch ở thời điểm vừa ra mắt được cho là có cấu hình khá cao, nhưng thật ra thì nó không hề khó nhằn như những tựa game AAA đình đám. Bởi game eSport là game cho mọi nhà, dễ tiếp cận, mà giá trị mà nó mang lại là tính cạnh tranh trong lối chơi, đòi hỏi kỹ năng và trí thông minh của người chơi chứ không phải là trải nghiệm đồ họa hay cốt truyện. 

Để mà tìm một tựa game eSport được đánh giá là “sát” phần cứng thì gần như là không có, kể cả một tựa game như Apex Legends thì đòi hỏi cao nhất cũng chỉ là GTX 970. Nguyên nhân là do mục tiêu của những hãng game eSport là có được càng nhiều người chơi càng tốt, và kéo dài tuổi thọ của trò chơi càng lâu càng lãi. Có một minh chứng rất rõ ràng, đó là game eSport cấu hình càng cao càng kén người chơi, bởi không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu phần cứng. Nếu anh em để ý thì những game cấu hình thấp thường phát triển rất tốt, như LMHT hay Fifa online 4. Những tựa game này không hề đòi hỏi nhiều từ người chơi, một chiếc máy vừa đủ cũng đã có thể max setting hai tựa game này. 

Tất nhiên gameplay của game eSport là rất hay, rất cuốn hút người chơi. Thế nên các hãng quyết định hy sinh đồ họa để dùng gameplay để giữ người chơi ở lại. Cá nhân mình là người chơi LMHT và cả Dota 2, mình thấy đồ họa của Dota 2 là nhỉnh hơn hẳn so với LMHT, nhưng nhịp chơi nhanh và yêu cầu phản xạ nhiều như LMHT lại khiến mình bị cuốn vào trò chơi. Điều đó cho thấy đồ họa không phải là yếu tố hàng đầu của những game eSport.

Hơn nữa, game eSport là game để thi đấu, thế nên việc sử dụng đồ họa quá cao sẽ dẫn đến việc trò chơi sẽ không giữ được mức FPS cần thiết trong đấu trường chuyên nghiệp. Mặc dù là ban tổ chức sẽ cung cấp phần cứng cho tuyển thủ, nhưng nếu tựa game có đồ họa quá khủng và không thể kéo lên 144hz với phần cứng xịn nhất thì cũng coi như toang. Cộng với những lý do ban đầu, thì việc tạo ra một tựa game eSport “sát” phần cứng thì cũng không hợp lý cho lắm.

Thế nên việc rất nhiều laptop gaming phổ thông hiện nay thường quảng cáo rằng những chiếc máy này có thể “chiến mượt” tất cả những game eSport là vậy. Đó chính là nhu cầu của đa phần game thủ hiện nay, bởi game eSport đang đi rất đúng hướng với ý đồ của những nhà phát hành. Bất kỳ ai cũng đang chơi hoặc từng chơi một tựa game eSport nào đó, và ngành công nghiệp eSport hiện nay là rất phát triển, thế nên nhu cầu người dùng cũng tăng cao và những hãng laptop hiện nay chỉ việc đáp ứng cấu hình game eSport thôi là đủ để tiếp cận khách hàng rồi. 

Tóm lại là game eSport là dòng game cho mọi nhà, ai ai cũng có thể tiếp cận dòng game này một cách dễ dàng. Nếu có một tựa game eSport nào đó vừa ra mắt, thì người chơi cũng phải không quá lo lắng về cấu hình của trò chơi. Điều đó giúp cho game eSport tạo ra được một cộng đồng lớn mạnh để duy trì và phát triển trong nhiều năm, đó mới chính là giá trị thực của một tựa game eSport.