Cách đây không lâu Asus ROG vừa giới thiệu một chiếc màn hình có thông số kĩ thuật rất cao trong tầm giá hơn 15 triệu của nó. Với thông số kĩ thuật của mình, XG32VQR xứng đáng được xem là đối thủ trực tiếp của AD27QD – Chiếc màn hình được xem nhiều người xem là vô địch trong tầm giá được Gigabyte Aorus giới thiệu hồi đầu năm.

Chiếc màn hình này được cải tiến từ người tiền nhiệm XG32VQ để có thể cạnh tranh với những chiếc màn hình chơi game thế hệ mới cùng phân khúc đang ngày một tốt hơn và đạt được những tiêu chuẩn cao cấp hơn.

Những điểm cải tiến

Đi thẳng vào vấn đề, chúng ta sẽ điểm qua những cải tiến, những sự khác biệt giữa XG32VQ XG32VQR. Đầu tiên về ngoại hình và độ hoàn thiện, chúng ta gần như sẽ không thể nào nhìn ra được sự khác biệt giữa 2 phiên bản cũ mới nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài. Điều này cũng không có gì là lạ khi mà bản thân thiết kế và ngoại hình của chiếc XG32VQ cũ đã rất hoàn hảo rồi, Asus ROG sẽ chỉ tập trung cải tiến vào phần chất lượng hình ảnh mà thôi.

Những điểm cải tiến:

  • Độ sáng: Đèn nền được cải tiến mạnh, độ sáng được tăng lên đến 50% từ 300nits lên đến 450nits. Người dùng sẽ có thể thoải mái sử dụng chiếc màn hình này trong những căn phòng có ánh sáng mạnh. Cũng chính vì độ sáng đã vượt qua ngưỡng 400nits cộng với tấm nền VA có độ bao phủ màu lên đến 94% PCI-P3, phiên bản này đã đạt đủ những tiêu chí của tiêu chuẩn HDR 400 của VESA.
  • Công nghệ Shadow boost của Asus giúp làm rõ những hình ảnh trong vùng tối, bạn sẽ quan sát cảnh tối tốt hơn cả trên game và trong phim.
  • Công nghệ FreeSync 2 HDR của AMD, giúp nâng cao trải nghiệm hình ảnh, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho nội dung HDR.

Ngoài công nghệ hình ảnh, phần cổng I/O cũng được thay đổi một chút, đó là nó đã được lược bỏ một cổng mini DisplayPort.

Đó là phần cải tiến của của XG32VQR so với phiên bản cũ XG32VQ. Tuy nhiên, nếu bài viết dừng lại ở đây thì sẽ chỉ cung cấp được thông tin cho những người đã từng trải nghiệm XG32VQR. Cho nên người viết sẽ viết lại về độ hoàn thiện cũng như thông số kĩ thuật của XG32VQR để cung cấp lượng thông tin trọn vẹn nhất có thể về mẫu màn hình này cho bạn đọc.

Phần đèn dưới đế đặc trưng của dòng màn hình ROG Strix.

Độ hoàn thiện

Thiết kế tổng thể

Vẫn là phong cách thiết kế đặc trưng của dòng màn hình ROX Strix, từng đường nét gợn lên thật mạnh mẽ, dữ dằn nhưng không hề thô kệch. Nó tinh tế và hiện đại theo một phong cách rất riêng mà chỉ có những chiếc màn hình dòng ROG Strix mới có thể mang lại.

Chi tiết

Chân đế:

Chân đế được thiết kế dạng kiềng 3 chân. Tuy rằng trông khá mỏng manh nhưng chúng được hoàn thiện bằng thép đặc nên cực kì chắc chắn, giúp cho chiếc màn hình rất vững vàng và không hề có hiện tượng bị lung lay khi mặt bàn bị rung. Đồng thời, kiểu thiết kế này cũng làm cho chiếc màn hình trở nên thanh mảnh hơn.

Giá đỡ

Phần giá đỡ được gắn với chân đế bằng một khớp xoay theo kiểu “tháp pháo” cực kì chắc chắn cho phép màn hình xoay qua sang trái phải (mỗi bên 50 độ). Phần giá đỡ này còn có thêm một khớp gập và một khớp tịnh tiến giúp chiếc màn hình có thể thay đổi góc ngẩng (-5 độ đến +20 độ) và nâng hạ độ cao.

Logo ROG được hoàn thiện bóng gương hiện lên cực kì sắc nét. Phần gốc của giá đỡ có sẵn một lỗ khuyết để đi dây gọn gàng hơn.

Phần màn hình

3 mặt trên và trái phải của chiếc màn hình là 3 mặt không viền. Phần viền mặt dưới cũng rất mỏng, giữa viền dưới là một chiếc logo ROG nhỏ nhưng rất bắt mắt.

Nhìn từ phía sau, phần khe tản nhiệt được chia ra làm 1 đường gấp khúc gồm 3 đoạn tạo nên những đường cắt xẻ mạnh mẽ, chia mặt lưng chiếc màn hình làm 2 mảng bất đối xứng. 1 mảng chứa logo Asus in chìm, mảng còn lại chứa logo ROG.

Xung quanh phần khớp nối giữa giá đỡ và màn hình là một vòng tròn được hoàn thiện kiểu bóng gương, vòng tròn này cũng chính là một dải LED RGB sẽ sáng lên khi màn hình được khởi động.

Cụm nút điều khiển

Gồm 1 cần chỉnh đa hướng (joystick) và 4 nút chức năng như những chiếc màn hình cùng dòng. Kiểu thiết kế nút này giúp người dùng có thể thao tác với màn hình một cách trực quan và rất dễ để làm quen.

Cổng I/O

Các cổng I/O được che lại bởi một chiếc shield và hoàn toàn không lộ ra ngoài, đề cao sự liền lạc trong thiết kế tổng thể

Thông số kĩ thuật

Dù đẹp đến như thế nào đi chăng nữa, XG32VQR vẫn sẽ không thể được xem là một chiếc màn hình tốt nếu nó không có thông số kĩ thuật đủ tốt

  • Công nghệ tấm nền: VA
  • Đèn nền: edge array
  • Kích thước màn hình: 31.5″
  • Độ tương phản: 1/3000
  • Tỉ lệ màn hình: 16/9
  • Độ cong: 1800mm
  • Độ phân giải: 2560×1440
  • Tần số quét: 144Hz
  • Độ sáng: 400nits
  • Độ bao phủ màu: 125% sRGB, 94% DCI-P3
  • Tốc độ phản hồi: 4ms
  • Kích thước: 713.38 x 425.68 x 118.03mm
  • Khối lượng: 5,9kg
  • Tiêu chuẩn: Đạt chuẩn HDR 400 của VESA

Những công nghệ nổi bật:

  • Chuẩn HDR 400 cho màu sắc đẹp hơn, sống động và chân thực hơn.
  • Độ bao phủ màu rộng, đạt 125% sRGB.
  • One-Click Visuals Optimization: tối ưu hóa hình ảnh trong một lần nhấp.
  • Phần mềm Game Plus của Asus hỗ trợ tối ưu hóa cho game.
  • Ultra-low Blue-Light: giảm ánh sáng xanh đến mức tối thiểu, bảo vệ sức khỏe và thị lực người dùng.
  • Công nghệ Flicker Free của Asus giúp loại bỏ hiện tượng nháy màn hình, cải thiện chất lượng hình ảnh và giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến mắt người dùng.
  • Công nghệ FreeSync 2 HDR: chống xé hình và nâng cao chất lượng hình ảnh, hỗ trợ hiển thị nội dung HDR.

Cổng I/O:

  • 1 cổng USB 3.0 (upstream)
  • 2 cổng USB 3.0 (downstream)
  • 1 cổng HDMI 2.0
  • 1 cổng DisplayPort 1.2
  • 1 cổng xuất Audio 3.5

Điểm yếu duy nhất của XG32VQR có lẽ chỉ nằm ở tốc độ phản hồi 4ms mà thôi. Nhưng với những với những thế mạnh như tần số quét cao, độ bao phủ màu lớn, đạt tiêu chuẩn HDR 400 VESA cùng hàng loạt những công nghệ tối tân khác thì chiếc màn hình này vẫn sẽ đem lại trải nghiệm rất tuyệt vời cho các tác vụ từ chơi game đến xem phim hay hơn nữa là làm đồ họa. Có thể xem XG32VQR là một bản nâng cấp đáng giá của XG32VQ, xứng đáng được xem là một trong những mẫu màn hình đáng mua nhất trong tầm giá hơn 15 triệu.