Có lẽ anh em đều đã quen thuộc với các loại ví điện tử và dịch vụ internet banking vô cùng tiện lợi. Nếu anh em muốn dùng những ứng dụng này để giao dịch, chuyển tiền, thanh toán,… thì sẽ cần kết nối với Internet và lựa chọn phổ biến nhất vẫn là Wifi hoặc 3G. Tuy nhiên, vì đây là về tiền bạc nên chắc hẳn anh em sẽ phải đắn đo suy nghĩ dùng loại kết nối nào sẽ an toàn hơn đúng không nào. Trong bài viết này mời anh em cùng mình tìm hiểu xem loại kết nối nào an toàn hơn.

“Bảo mật” và “riêng tư”

Trước khi đi vào phần phân tích Wifi hay 3G an toàn hơn thì anh em cần hiểu như thế nào là kết nối bảo mật (security) và kết nối riêng tư (privacy) trước nhé. Có lẽ đa số anh em đều không phân biệt được sự khác nhau giữa hai khái niệm này và trên thực tế có một số loại kết nối là bảo mật, một số loại thì đảm bảo riêng tư, một số loại thì có cả hai và một số khác thì không bảo đảm được yếu tố nào

Về cơ bản, bảo mật nghĩa là những người bên ngoài mạng (network) của anh em, chẳng hạn như hacker sẽ không biết anh em đang làm gì bên trong. Có khá nhiều cấp độ bảo mật khác nhau và mức độ quan trọng còn phụ thuộc vào loại thông tin anh em đang dùng. Ví dụ: nếu anh em dùng internet banking để kiểm tra số dư trong tài khoản thì sẽ cần kết nối có độ bảo mật cao. Nhưng nếu anh em chỉ lên mạng tìm kiếm thông tin về một bộ phim nào đó thì không cần dùng các loại kết nối có độ bảo mật cao đâu.

Còn riêng tư nghĩa là có “người” dùng chung mạng với anh em nhưng không biết anh em đang làm gì. Chẳng hạn như anh em đang chat trên Facebook nhưng các trang web khác hoặc các ứng dụng trong máy không thể xem tin nhắn của chúng ta. Thông thường, các điều khoản về quyền riêng tư sẽ nằm trong các dòng chữ nhỏ trong mục “I accept the term …” mà anh em thường chỉ click đồng ý và bỏ qua không đọc. 

Có một số trang web hoặc ứng dụng sẽ không cho anh em dùng đến khi nào anh em đồng ý các điều khoản về riêng tư. Một số khác thì có thể sẽ yêu cầu quyền truy cập và gửi dữ liệu của anh em ra bên ngoài nên điều khoản về riêng tư rất quan trọng nha.

Độ an toàn của Wifi và 3G

Về cơ bản, thì nhà mạng sẽ kéo cáp quang về để cắm vào cục router hoặc cắm vào modem rồi cắm sang router của anh em. Nếu anh em chưa hiểu về sự khác nhau của modem và router thì xem lại bài viết này nhé. Quay trở lại vấn đề chính, anh em có thể xem phía nhà mạng và cáp quang là Internet ngoài kia, còn router sẽ tạo ra một “mạng Internet” nhỏ hơn để các thiết bị trong nhà kết nối với nhau.

Nếu chỉ tính riêng phần Internet ngoài kia thì nhà mạng sẽ có quyền xem hầu như toàn bộ những gì anh em làm trên mạng. Nhưng anh em có thể yên tâm là nhà mạng giữ thông tin của chúng ta kỹ lắm, không dễ lọt ra ngoài đâu.

Nhưng nếu bỏ qua phần nhà mạng thì phần “Internet nhỏ” hay gọi chính xác hơn là mạng Wifi sẽ xuất hiện có vài vấn đề bảo mật và riêng tư. Nếu anh em để ý thì chúng ta sẽ gặp hai loại mạng Wifi. Một là loại đóng, có đặt password và thường là Wifi ở nhà hoặc ở nơi anh em làm việc. Loại còn lại là loại mở, thường là các mạng Wifi ở nơi công cộng hoặc cửa hàng, quán ăn và không được đặt password để khách hàng dễ vào.

Với loại Wifi đóng thì anh em có thể yên tâm phần nào vì không phải ai cũng vào được và nếu chịu khó tìm hiểu thì anh em có thể xác định ai đang dùng chung Wifi với mình nữa. Nhưng nếu là mạng mở thì sẽ có hai vấn đề lớn ảnh hưởng đến bảo mật và sự riêng tư của anh em.

Đầu tiên là anh em không viết ai đang dùng chung Wifi với mình và trình độ “hacker man” của họ cao đến đâu. Thứ hai là hầu hết smartphone hiện nay đều tự động kết nối với mạng Wifi mở, làm tăng nguy cơ anh em bị lộ các thông tin nhạy cảm dù không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên máy.

Còn nguyên tắc hoạt động của sóng 3G thì cũng gần giống với Wifi, chỉ có điều sóng điện thoại đi thẳng đến nhà mạng luôn chứ không thông qua router nào. Và chắc chắn là nhà mạng vẫn có quyền xem thông tin của anh em hoặc các trang web mà anh em đồng ý điều khoản riêng tư cũng có thể lấy những thông tin đó (việc họ có bán thông tin của chúng ta không thì cũng tùy vào từng web nữa nhé). Nhưng khác với Wifi, sóng 3G đã được mã hóa, tạo thêm một lớp bảo mật nên 3G có thể bảo vệ thông tin nhạy cảm của chúng ta tốt hơn nhé.

Tóm lại nếu anh em dùng một mạng Wifi riêng, có đặt mật khẩu, có thể kiểm soát những người ai dùng chung thì độ an toàn cũng khá ổn. Nhưng nếu anh em đến những nơi lạ, dùng mạng Wifi của người khác hoặc mạng Wifi mở không có mật khẩu thì nên cẩn thận, chuyển sang dùng 3G cho chắc ăn nhé.

Một số mẹo giúp anh em đảm bảo sự an toàn

Để ý dung lượng 3G

Hầu hết các gói dung lượng 3G hiện nay đều có giới hạn, anh em xài hết sẽ không cho dùng nữa. Hoặc nếu không giới hạn thì sẽ bóp tốc độ lại sau khi đã dùng hết dung lượng tốc độ cao. Vì vậy, trước khi ra đường thì anh em nhớ kiểm tra kỹ để không hết dung lượng giữ chừng. Nói chung thì không phải lúc nào anh em cũng cần ưu tiên bảo mật đâu, nhưng nếu vào internet banking để kiểm tra tài khoản hoặc giao dịch qua mạng thì nên cẩn thận nhé.

Cẩn thận cookies

Về cơ bản thì cookies chứa thông tin về các trang web anh em hay dùng, chẳng hạn như tên tài khoản và mật khẩu của Facebook chẳng hạn. Thường thì các trang web đều bảo vệ cookies của anh em rất tốt và trang web này sẽ không biết cookies của trang web kia là gì. Nhưng nếu anh em lo mật khẩu của mình bị lộ và ưu tiên độ bảo mật thì có thể xóa cookies trong phần cài đặt của trình duyệt web đi.

Còn nếu anh em không có thông tin nhạy cảm nào thì đừng xóa nhé, xóa cookies thì sẽ tạo ra khá nhiều bất tiện.

Sử dụng hai trình duyệt web

Hiện nay, hầu hết các trình duyệt web đều tự động lưu mật khẩu của anh em nên nguy cơ bị lộ thông tin nhạy cảm rất cao. Lỡ chẳng may anh em đánh mất smartphone hoặc hacker mò vào máy tính để tìm thông tin thì chỉ cần mở trình duyệt web lên là biết hết.

Để hạn chế tình trạng này, anh em có thể cài đặt trình duyệt web không lưu mật khẩu của trang web có chứa thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như internet banking. Và nhắc đến internet banking thì anh em nên dùng ứng dụng của ngân hàng vì ứng dụng sẽ có độ bảo mật cao hơn việc anh em dùng trình duyệt web.

Hoặc nếu anh em vẫn thích dùng trình duyệt thì nên dùng hai trình duyệt luôn, một trình duyệt chỉ có các mục đích ít chứa thông tin nhạy cảm như lướt web hằng ngày, xem youtube, lướt Facebook,… Cái còn lại thì nên chọn trình duyệt có độ bảo mật cao, chẳng hạn như Tor dành cho các mục đích nhạy cảm như chuyển khoản, email công việc, mua sắm online,…

Nguồn: Make Use Of