Anh em nào hay xem clip mấy “đấng” overclocker, ép xung lấy số thì chắc không bao giờ quên được cái phong thái như một vị thần của mấy ổng khi chế nito lỏng vào CPU. Nhưng mà có bao giờ anh em tự hỏi vì sao cứ nhất định phải là nito lỏng chưa? Nếu có thì ngồi đây mình bà tám cho nghe rồi mang đi chém gió với bạn bè nhé.

*Cái việc nhiệt độ càng thấp ép xung càng ngon thì chắc anh em một khi đã mò vào bài này thì phải biết rồi nên mình sẽ không giải thích lại đâu nha.

Nhiệt độ sôi cực thấp

*Trước khi nói về ni tơ lỏng thì mình sẽ nói về một chất lỏng cực kỳ quen thuộc trước cho anh em dễ hình dung, đó là nước (H2O).

Hãy thử tưởng tượng anh em đang đun một nồi nước, khi nước nóng đến một nhiệt độ nhất định thì nó sẽ sôi, nổi bọt và bắt đầu vơi dần đi. Nếu nước cạn hết mà anh em đun tiếp thì cái nồi có thể nóng đến mức đỏ lên luôn. Vì sao lại vậy? Vì sao khi còn nước trong nồi thì cái nồi không nóng đỏ được?

Hiện tượng này mình sẽ giải thích đơn giản như sau:

Tại áp suất khí quyển thì khi anh em đun nước bằng một cái nồi mở nắp thì nước sẽ sôi ở nhiệt độ 100 độ C. Tại mức nhiệt độ này, nước sẽ hóa khí (hơi nước) và bay ra khỏi nồi. Nước trong nồi sẽ vơi dần đi cho đến khi cạn. Trong lúc nước còn trong nồi thì đáy nồi dù có tiếp xúc với lửa cũng chỉ có thể nóng hơn chút đỉnh một chút so với nhiệt độ sôi của nước mà thôi. Chỉ đến khi cạn nước thì đáy nồi mới nóng hơn và có khả năng sẽ bị nung đỏ nếu tiếp tục đun trên bếp.


Nói đến đây thì chắc là một số anh em đã bắt đầy ngờ ngợ ra rồi đúng không nào, chúng ta đi tiếp nhé.

Quay lại với ni tơ lỏng. Tại áp suất khí quyển ở mực nước biển thì nitơ lỏng sôi ở nhiệt độ -196 độ C. Cao hơn mức nhiệt độ đó thì nó sẽ hóa khí và bay hơi. Các overclocker đã lợi dụng đặc tính này của ni tơ để làm lạnh CPU xuống cực thấp. Khi ép xung thì CPU là nguồn phát nhiệt, nó giống như cái bếp, bộ tản nhiệt thì giống như cái nồi và ni tơ lỏng thì giống như là nước vậy.

Một khi ni tơ lỏng bị làm nóng hơn mức -196 độ C thì nó sẽ bay hơi và thoát ra khỏi bộ tản nhiệt, đảm bảo nhiệt độ của ni tơ trong bộ tản nhiệt luôn nằm ở mức dưới -196 độ C. Chỉ cần còn ni tơ lỏng bên trong thì bộ tản nhiệt sẽ không thể nóng hơn mức -196 độ C đáng kể, từ đó đảm bảo cho CPU luôn giữ được mức nhiệt độ cực lạnh. Anh em xem mấy video ép xung sẽ thấy các overclocker thường xuyên châm thêm ni tơ lỏng vào bộ tản nhiệt, đó là vì ni tơ sẽ luôn bị CPU đun sôi lên rồi bay hơi ra ngoài nên cần được châm thêm liên tục.

Ngoài ni tơ lỏng thì heli lỏng cũng có thể được dùng để ép xung nhưng không phổ biến bằng, lý do thì chúng ta sẽ nói đến ngay sau đây.

Rẻ và dễ mua

Anh em hồi xưa học hóa, sinh, lý chắc cũng biết rồi đấy. Tỉ lệ nito trong khí quyển mà chúng ta đang hít thở lên đến gần 80%, có nghĩa ni tơ chính là loại khí dễ kiếm nhất trên trái đất, dễ dàng lấy ở bất kỳ đâu. Thế nên nó mới rẻ. Có thể anh em chưa biết nhưng ni tơ lỏng mua rất là dễ, người ta có bán hẳn những bình ni tơ lỏng từ vài trăm ml để làm thí nghiệm cho đến vài chục lít để làm kem các kiểu và nhiều mục đích khác nữa. Nó cũng rất dễ mua, anh em cứ lên Google gõ là kiểu gì cũng ra.

Heli lỏng thì cũng được, thậm chí nó còn ép xung ngon hơn nhiều so với nito lỏng do có nhiệt độ sôi cực thấp, đến -269 độ C lận. Tuy nhiên cái thứ này lại đắt đỏ hơn nito lỏng rất nhiều và cũng cực kỳ khó mua, ít nhất là mình cũng chẳng tìm được ai bán và chưa được thấy tận mắt nó bao giờ. Đây mình đang nói đến loại được làm lạnh đến mức hóa ngưng tụ thành dạng lỏng nhé, chứ còn mấy cái bình heli nén để bơm bóng bay, đổi giọng tạm thời hay bơm vào bình dưỡng khí của dân lặn chuyên nghiệp thì mình vẫn biết chỗ mua.

An toàn và rất khó phản ứng

Anh em học hóa cấp 3 thì thầy cô chắc chắn đã dạy hết ráo rồi. Nito cực kỳ khó phản ứng trong điều kiện thường, muốn nó phản ứng sẽ phải cần những điều kiện cực kỳ ngặt nghèo. Thế nên nó rất an toàn, ngay lúc này từng hơi thở của anh em đều chứa đến gần 80% là khí nito đó. Khí được bơm trong mấy bịch bim bim anh em hay ăn cũng là nito luôn.

Trong điều kiện ép xung, CPU phát nhiệt thì nito lỏng sẽ bị đun sôi và bay hơi liên tục. Nếu mà khí nito nó độc thì ông nào ép xung ông đó chết chắc… à không, ông nào ngồi trong cùng phòng với ông ép xung chắc chắn chết hết.


Trên đây là những lý do mà nito lỏng được xem như là thứ không thể thiếu đối với mấy ông overclocker hạng nặng. Hy vọng những thông tin này thú vị đối với anh em.