Hai năm về trước, mình đã mạnh dạn bỏ ra gần 20 triệu chỉ để mua một con màn hình Dell U3415W 34” tỷ lệ 21:9. Lý do mình mua rất đơn giản và cũng rất bình thường: phục vụ cho nhu cầu học tập và giải trí. U3415W không phải là màn hình chuyên về đồ họa, mà cũng chẳng phải màn hình gaming. Ấy vậy mà nó lại khiến mình rất hài lòng và sử dụng đến tận bây giờ. Thậm chí, mình chưa có ý định quay lại sử dụng màn hình tỷ lệ 16:9, ít nhất là trong tương lai gần. Sau đây, mình sẽ chia sẻ với các bạn vì sao sự “chơi trội” hai năm trước của mình lại là một sự lựa chọn vô cùng hợp lý.

Lúc mình còn học đại học, mình có chơi chung với một nhóm bạn mà đa số là game thủ. Nhà đứa nào cũng có một dàn PC xịn lòi, cấu hình thì i5, i7 kẹp chung với GTX 1070 trở lên. Gaming gear thì xài “đồ hiệu” của mấy hãng Logitech, Zowie, Corsair. Và cuối cùng, thứ quan trọng không kém đối với một game thủ, đó là màn hình gaming.

Tất nhiên, khi nhắc đến màn hình gaming là nhắc đến mấy thông số như tỷ lệ 16:9, tần số quét cao, độ trễ thấp. Màn hình của mấy đứa game thủ trong nhóm của mình cũng nằm trong số đó. Vì vậy nên có thể nói là mình khá may mắn khi được xài ké mấy con màn hình đó mỗi dịp qua nhà tụi nó chơi.

Xài màn hình gaming thật sự mình rất thích, tần số quét 120Hz, 144Hz nhìn mấy cái chuyển động rất là mượt, nhất là mấy pha “vẩy” chuột. Nhưng xài một lần, hai lần, ba lần còn thấy thích. Đến lần thứ tư là mình bắt đầu thấy “cũng thường thôi”. Lần thứ năm là thôi, “quá ư là một điều bình thường” luôn.

Thế là mình quyết định thay con màn hình ở nhà bằng một con màn hình khác “độc” hơn, “lạ” hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu học tập và giải trí của mình. Mình muốn trở thành đứa duy nhất trong hội sử dụng một con màn hình “độc lạ”, không đụng hàng với tụi nó.

Sau khi lên mạng tìm hiểu thì mình thấy trên thị trường ngoài tỷ lệ 16:9 ra thì còn có màn hình tỷ lệ 21:9. Mình nghĩ đây cũng là một ý hay, sẵn trải nghiệm cho biết người biết ta luôn. Không mua đồ thì thôi, nhưng một khi đã mua thì mình phải mua hàng xịn, hàng “khủng bố” mới chịu. Vì vậy nên mình quyết định tậu luôn con màn hình Dell U3415W.

Ấn tượng đầu tiên khi mình đặt con màn hình này lên bàn chỉ gói gọn trong 2 chữ: “choáng ngợp”. Đây là lần đầu tiên mình xài một con màn hình tỷ lệ 21:9 với kích thước 34” bự chà bá. Nó chiếm phân nửa chiều ngang mặt bàn của mình. Sau một vài hôm thì mình cũng bắt đầu thích nghi với con màn hình này, và nó đã thuyết phục được mình rằng U3415W sinh ra là để phục vụ cho những người như mình.

Nhu cầu học tập, làm việc

Như mình cũng đã có chia sẻ ở trên, mình cần một con màn hình đa-zi-năng để phục vụ cho nhu cầu học tập lẫn giải trí. Đối với việc học tập, mình thường xuyên mở nhiều tab trình duyệt và phần mềm soạn thảo văn bản song song với nhau để tiện cho việc đối chiếu. Với tỷ lệ 21:9 thì mình nhìn được nhiều nội dung hơn, đỡ mất công cuộn lên cuộn xuống. Ngoài ra, vì màn hình dài hơn tỷ lệ 16:9 nên mình còn có thể chia màn hình ra làm ba, một cho soạn thảo, một cho duyệt web, một cho quản lý file trên Google Drive hoặc trong máy của mình.

Khi mình xài những phần mềm chỉnh sửa ảnh (Photoshop) hay video clip (Premiere Pro) cũng rất tiện vì không gian rộng hơn so với tỷ lệ 16:9. Nhất là khi mình kéo thanh timeline trong Premiere Pro, vì hiển thị được nhiều hơn nên mình không phải kéo đi kéo lại nhiều lần. Hơn nữa, U3415W có độ phân giải 3440×1440 (UWQHD) nên các con chữ, hình ảnh hiển thị khá chi tiết và rõ nét, không bị “bể” (pixelated) so với những con màn 34” 2560×1080 (UWHD) khác.

Mấy đứa bạn mình thấy mình xài con màn hình này lúc đầu cũng hỏi sao không mua 2 màn 16:9 ghép lại, vừa dài hơn có khi lại rẻ hơn nữa. Thật ra trước khi mua mình cũng có nghĩ đến phương án này. Nhưng theo mình tìm hiểu thì khi xài 2 màn 16:9 gộp lại đôi lúc sẽ phát sinh ra những lỗi lặt vặt như mất tín hiệu, hiển thị sai độ phân giải, màn hình bị giật giật, màu sắc bị sai lệch giữa 2 màn, hoặc một số phần mềm không tối ưu tốt cho 2 màn hình. Thế nên thôi, mình thà chịu mắc hơn một chút, đập tiền vô một con màn 21:9 bự luôn cho đỡ phải lăn tăn, thay vì phải đi lên mạng tìm cách sửa mấy lỗi lặt vặt nếu xài 2 màn 16:9.

Nhu cầu giải trí, multimedia

Mình không phải là “mọt phim”, nhưng tuần nào mình cũng xem ít nhất 2-3 bộ phim vào mấy ngày cuối tuần. Phải công nhận một điều là xem phim trên màn hình 21:9 rất sướng và “phê”, đơn giản là vì có thể xem full màn hình mà không bị dính hai viền đen trên dưới như ở màn hình 16:9. Cộng với màu sắc của tấm nền IPS cùng độ cong của U3415W nữa thì ôi thôi, cinê tại gia là đây chứ đâu. Từ hồi mình có con màn này là tụi bạn hay kéo qua nhà mình xem phim lắm, chắc tại tụi nó cũng thấy “phê” giống mình!

Quay lại với gaming. Tất nhiên, mỗi tối mình vẫn chiến game với tụi nó đều đều. Tuy màn hình này chỉ có 60Hz, nhưng bù lại vì nó có tỷ lệ 21:9 nên góc nhìn của mình sẽ rộng hơn so với tụi bạn xài 16:9. Lúc đó mình chơi Battlefield 1, một trò FPS với chiến trường rộng lớn, xe tăng thì chạy ầm ầm dưới chân, máy bay thì bay rợp trời trên đầu. Nhiều lúc mình lái xe tăng, nhờ có góc nhìn rộng nên mình thấy được nhiều thứ ở 2 bên mạn sườn hơn. Có mấy pha mình xử lý mà thằng bạn ngồi chung buồng lái cứ hỏi “Sao mày thấy được nó ở đó hay vậy?”. Nghĩ lại cũng buồn cười.

Một điều khác, tuy không quan trọng nhưng nó khiến mình hài lòng với con màn hình này là cấu hình máy mình vừa đủ mạnh để gánh các tựa game AAA tại thời điểm đó với 60fps max setting ở độ phân giải 3440×1440. Nhờ vậy nên trải nghiệm game của mình không bị ảnh hưởng nhiều.

Tua nhanh đến 2019

Mình vẫn còn xài U3415W cho đến tận bây giờ, và nó vẫn phục vụ tốt cho nhu cầu hiện tại của mình. Màn hình tỷ lệ 21:9 giờ cũng đã có nhiều mẫu mã hơn, phổ giá cũng rộng hơn, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Nếu bạn đã chán với tỷ lệ 16:9, hoặc đơn giản là đang tìm một giải pháp phù hợp với nhu cầu đa nhiệm, thì bạn có thể cân nhắc việc chọn mua một màn hình tỷ lệ 21:9. Các showroom chuyên về gaming gear cũng có trưng bày nhiều mẫu màn hình 21:9, bạn có thể đến trải nghiệm thử trước khi quyết định mua; bạn không nhất thiết phải làm như mình 2 năm về trước, mua xong rồi về nhà mới trải nghiệm “thử” đâu.