Vào hôm thứ tư tuần trước (25/9), Intel công bố rằng họ sẽ hợp tác với Toshiba để sản xuất NAND flash PLC (Penta-Level Cell, nghĩa là có thể lưu trữ được 5 bits dữ liệu trong một NAND cell). Tuy nhiên, hiện tại thì Intel vẫn chưa thương mại hóa công nghệ này, cho nên SSD PLC sẽ phải mất một khoảng thời gian nữa mới đến tay người dùng. Và nếu công nghệ PLC trở thành hiện thực thì điều này đồng nghĩa với việc SSD sẽ có dung lượng lớn hơn và giá thành cũng sẽ giảm.

Để hiểu được vì sao nó lại như vậy thì chúng ta cần ôn lại một chút kiến thức về SSD. Một trong những đặc điểm kiến trúc cơ bản nhất của SSD là một NAND Cell có thể chứa được bao nhiêu bit dữ liệu. Loại kiến trúc đơn giản và ổn định nhất là SLC (Single-Layer Cell) trong đó, mỗi NAND cell chứa được 1 bit dữ liệu, tương đương với hai giá trị 0 hoặc 1. SSD SLC có tốc độ ghi rất cao, và thường sẽ sống “thọ” hơn những SSD sử dụng kiến trúc khác.

Mặc dù SSD SLC “xịn” như vậy, chi phí để sản xuất những con SSD như thế này là rất lớn. Phải mãi cho đến khi kiến trúc MLC (Multi-Layer Cell) trở nên phổ biến thì SSD mới tiếp cận được người dùng phổ thông. Và như một thông lệ, chủng loại SSD dần trở nên rối rắm vì nhà sản xuất bắt đầu đưa ra một loạt các kiến trúc NAND flash khác nhau. Sau đây là một số kiến trúc phổ biến trên thị trường:

  1. SLC (Single-Layer Cell): mỗi cell sẽ chứa được 1 bit, thường được sử dụng trong các SSD hướng đến đối tượng doanh nghiệp cần tốc độ cao và sử dụng bền lâu.
  2. MLC (Multi-Layer Cell): mỗi cell sẽ chứa được 2 bit, thường thấy trong các loại SSD dành cho người dùng cá nhân cần SSD tốc độ cao, chẳng hạn như con Samsung 860 Pro.
  3. TLC (Triple-Layer Cell): tương tự, mỗi cell sẽ chứa được 3 bit, được sử dụng trong các loại SSD ở phân khúc thấp hơn như Samsung 860 EVO hay WD Blue.
  4. QLC (Quadruple-Layer Cell): mỗi cell chứa được 4 bit, được sử dụng trong một số SSD dung lượng lớn với giá thành thấp như Samsung 860 QVO và Intel 660p.
  5. PLC (Penta-Layer Cell): mỗi cell chứa được 5 bit, hiện kiến trúc này chỉ vừa mới được Intel và Toshiba công bố trong quý 4 năm nay.

Ngoài ra, Intel cũng tiếp tục sử dụng thiết kế cell thường thấy trong các loại SSD SLC, thay vì chuyển sang một thiết kế khác nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất như những công ty còn lại. Intel cho biết lý do họ làm vậy là bởi vì thiết kế đó vẫn cho phép họ tăng mật độ cell trong cùng một đơn vị diện tích.

Tuy nhiên, SSD PLC có thể rẻ hơn, có dung lượng lớn hơn, nhưng nó cũng có khả năng sẽ chậm hơn so với những SSD sử dụng kiến trúc trước đó. Chậm hơn đến mức nào thì hiện tại chúng ta vẫn chưa rõ, nhưng với việc tốc độ ghi tuần tự của SSD QLC đã xuống chậm ngang bằng HDD thì PLC khả năng cao là sẽ còn chậm hơn HDD nữa.

Nguồn: Ars Technica