Anh em mà có tìm hiểu về keo tản nhiệt thì chắc chắn sẽ biết đến liquid metal. Thứ chất tản nhiệt này có hiệu suất truyền nhiệt khá là ghê gớm, giúp anh em tăng hiệu suất tản cho nhiệt CPU, GPU một cách đáng kể. Tuy nhiên nó cũng là một con dao 2 lưỡi, nó cực kỳ tốt nhưng khá khó dùng và chắc chắn là không dành cho người mới. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu lý do vì sao.
Rủi ro với linh kiện
Keo tản nhiệt không dẫn điện, trừ liquid metal. Trong khi các loại keo khác anh em có thể bôi thoải mái, có tràn ra một chút cũng không sao thì với liquid metal chúng ta phải cực kỳ cẩn thận. Chỉ cần hơi thừa keo một chút thì khi ép tản xuống, nó có thể bị tràn ra và rơi vào các mạch điện xung quanh, dễ dàng gây chập mạch làm toang luôn linh kiện của anh em. Nước rất nguy hiểm với đồ điện tử như thế nào thì liquid metal còn kinh dị hơn thế nữa. Tràn keo ở CPU thì đi cái mainboard, đôi khi kéo theo cả CPU luôn. Còn tràn keo ở chip GPU thì đi con card.
Độ khó khi thao tác
Có một số loại keo tản nhiệt nhão nhoét và nhớt như sên gây cảm giác khó chịu khi thao tác. Nếu anh em khi dùng những loại keo này đã thấy mệt óc rồi thì đừng chơi liquid metal nhé. Nhiều bác đã có nghề sửa máy tính rồi cũng còn mắc mệt khi sử dụng thứ keo này. Mình sẽ tả đại khái cho anh em nghe.
Đầu tiên, chúng ta phải dùng băng keo giấy để dán lại những chỗ xung quanh khu vực cần quét keo, chỉ chừa lại những chỗ cần quét như nắp lưng CPU, die GPU, die CPU để ngăn nó tràn ra, giống như là khi anh em dùng sơn xịt phải quấn băng lại cho nó đừng bị lem vậy đó.
Tiếp theo là nhỏ một giọt liquid metal thật nhỏ vào đó rồi bắt đầu “cà” nó ra. Ban đầu nó sẽ không có dính đâu, giọt liquid metal nó cứ trơn tuột như giọt thủy ngân ấy, anh em phải lấy một cây cọ thật nhỏ hoặc tăm bông để cà đi cà lại nó trên bề mặt cần tản nhiệt. Khi anh em làm vậy thì trên bề mặt của linh kiện đó sẽ dần tạo thành những vết xước siêu nhỏ giúp liquid metal bám dính vào. Cà tới khi nào nó dính và loang ra hết thì mới nhỏ tiếp. Sau khi đã cà đã đời và phủ được một lớp liquid metal mỏng – đẹp – nhuyễn – mịn lên bề mặt linh kiện thì anh em sẽ phải tiếp tục làm với mặt lấy nhiệt của bộ tản mà anh em chuẩn bị ốp vào. Và khi làm xong, nếu thấy có vẻ thừa thì phải lấy bớt ra, không thì khi ốp vào nó tràn lại mệt mỏi
Phản ứng với bề mặt tản nhiệt
Anh em cũng phải lưu ý là liquid metal có thể phản ứng với nhôm một cách ngon lành mà không cần bất kỳ một thứ chất xúc tác nào cả. Anh em có thể thí nghiệm nho nhỏ là cho một ít liquid metal vào giấy bạc, chỉ cần để một lúc thôi là nó gặm thủng cả giấy bạc luôn. Nếu bề mặt tản nhiệt của anh em làm bằng nhôm mà anh em lại đi quét liquid metal thì nó sẽ ăn vào và tạo thành những vệt đen trên bề mặt tản. Đối với tản bằng đồng hoặc đồng mạ niken thì không sao chứ nhôm là có chuyện đấy.
Hiệu quả thực tế
Cái gì cũng có cái giá của nó. Với hiệu suất dẫn nhiệt bá đạo kinh khủng khiếp của mình, liquid metal có thể giúp anh em hạ được nhiệt độ CPU, GPU của mình xuống hẳn so với các loại keo khác trên thị trường. Đối với những ai thích ép xung CPU, GPU thì nhiệt độ giảm xuống sẽ tạo ra một “khoảng trống” cho họ vẫy vùng, đối với các dàn máy trạm có CPU cực mạnh với hàng tá nhân/luồng thì liquid metal cũng là chất hỗ trợ truyền nhiệt lý tưởng.
Đây là một clip của Gamers Nexus, họ đã thay thế keo tản nhiệt mặc định của Intel trong CPU Core i9 7900X bằng liquid metal để so sánh hiệu năng thực tế.
Tuy nhiên anh em cũng cần lưu ý là đối với người dùng phổ thông thì liquid metal cũng không thực sự hữu ích cho lắm. CPU, GPU tầm 6x, 7x độ C đã là OK rồi, liquid metal cũng không đem lại tác dụng gì đáng kể về mặt hiệu năng. Hơn nữa giá của nó cũng cực chát luôn. Đối với người mới tập tành build PC thì chắc chắn thứ đắt tiền đáng sợ này là không cần thiết.