Từ lâu, USB đã không còn là một khái niệm xa lạ đối với người dùng thiết bị điện tử nói chung cũng như máy tính cá nhân (PC) nói riêng. Và với đà phát triễn liên tục không ngừng nghỉ của công nghệ, USB cũng đã liên tục được nâng cấp và cải thiện, đem đến cho người dùng những trải nghiệm nhanh, chính xác và hiệu quả hơn rất nhiều.
Được quản lí bởi “USB IF” – Diễn đàn của những người sử dụng chuẩn kết nối USB, trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triễn, hiện tại chuẩn kết nối USB đã trở nên phổ biến với đại đa số người dùng qua từng thế hệ:
- USB 1.0 – Thế hệ đầu tiên, cho tốc độ băng thông truyền tải dữ liệu chỉ dừng lại ở mức 1.5 megabit/s, cực kì cơ bản nhưng vừa đủ đáp ứng tiêu chuẩn của máy tính cùng thời.
- USB 2.0 – Sự nâng cấp vượt bậc so với thế hệ đầu tiên, băng thông truyền tải dữ liệu đạt mức 480 megabit/s, cải thiện đáng kể độ ổn định, khả năng truyền tải dữ liệu cũng như mở ra nhiều dạng thức kết nối mới (MicroUSB, Mini USB).
- USB 3.0, 3.1 gen 1 và 3.1 gen 2 và 3.1 gen 2×2 – Đời 3 đưa băng thông dữ liệu truyền tải lên mức gigabit/s tăng dần theo từng con số nhỏ. Khả năng truyền tải điện năng cũng như hỗ trợ các thiết bị mới được mở rộng.
Và cuối cùng, chuẩn USB 4.0 đã được chính thức công bố. Với khả năng truyền tải dữ liệu lên đến 40 gigabits/s, đồng thời hỗ trợ luôn giao thức kết nối độc quyền Thunderbolt™ từ Intel, đây sẽ là chuẩn kết nối của tương lai.
USB 4.0 sẽ có khả năng hỗ trợ hàng loạt thiết bị công nghệ từ cũ cho đến mới trên nhiều dạng thức, cả USB Type A truyền thống, MicroUSB, MiniUSB và USB Type C, đồng thời mở rộng hệ sinh thái sản phẩm sử dụng chung giao thức kết nối USB, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của việc kết nối “tất cả trong một – một cho tất cả” trên các thiết bị công nghệ.
Nhìn vào thông số, sẽ có một bộ phận bạn đọc chưa thể hình dung ngay được ứng dụng của nó, và đây sẽ là những điều USB 4.0 sẽ làm được khi được chính thức áp dụng trên thiết bị điện tử:
- Chuyển một bộ film ở độ phân giải UltraHD (4k) chỉ trong vòng vài nốt nhạc.
- Khả năng sạc siêu nhanh dành cho các thiết bị di động cũng như cân đối nguồn điện dành cho các thiết bị ngoại vi.
- Khả năng xuất tín hiệu hình ảnh chất lượng cao lên màn hình ngoài tương tự như DisplayPort.
- Khả năng kết nối các thiết bị hỗ trợ tăng tốc sức mạnh phần cứng như eGPU (Các bạn có thể tham khảo thêm tại Đây).
Sẽ còn khá xa cho đến ngày chúng ta được chứng kiến sức mạnh thật sự của USB 4.0 cũng như những thiết bị liên quan đi vào cuộc sống. Nhưng với việc công nhận và hiện thực hóa chuẩn giao thức dù chỉ là trên giấy tờ, cùng với đà phát triễn của công nghệ hiện tại, đây sẽ là một bước tiến đáng kể góp phần hướng đến tương lai.