Chúng không chỉ là vũ khí, chúng còn là biểu tượng của khoa học và sức mạnh công nghiệp

Thế kỷ 20 là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của lịch sử loài người, đặc biệt là lịch sử quân sự với 2 cuộc thế chiến và cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 siêu cường là Mỹ và Liên Xô trong chiến tranh Lạnh. Từ đó, con người đã chế tạo ra vô số vũ khí đáng kinh ngạc. Sau đây là top 5 vũ khí ấn tượng nhất mà con người từng chế tạo trong thế kỷ 20.

Maus – Chiếc xe tăng bự nhất từng được chế tạo

Nếu bạn là một người thích tìm hiểu về những dự án phát triển vũ khí của phát-xít Đức trong thế chiến thứ 2 hay đơn giản là từng chơi những tựa game như WoT và WT thì chắc chắn bạn sẽ biết đến chiếc xe tăng siêu nổi tiếng này.

Panzerkampfwagen VIII Maus là sản phẩm của một dự án xe tăng hạng siêu nặng của Đức quốc xã. Dự án được tiến hành vào tháng 6 năm 1942 ngay sau khi được Adolf Hitler phê duyệt và hoàn thành thành vào tháng 9 năm 1944. Người Đức đã chế tạo thành công một chiếc xe tăng khổng lồ: dài 10,2m rộng 3,71m và cao đến 3,63m. Không những cực kỳ to lớn, Maus còn được bọc giáp rất dày, đến 220/200/200mm (theo thứ tự trước/hông/sau) giáp trên tháp pháo và 200/180/150mm trên thân xe. Kết quả là chiếc xe tăng to đùng này có tổng khối lượng ngót nghét 200 tấn! Để cho bạn dễ hình dung thì khối lượng này tương đương với 3 chiếc M1 Abrams hoặc 4 chiếc T14 Armata đấy.

Về vũ khí, chiếc xe tăng này được trang bị 1 khẩu pháo cỡ nòng 128mm, đủ mạnh để xuyên thẳng mặt từ mặt đến mông bất kỳ phương tiện bọc thép phe địch cùng thời nào (mà thật ra nếu xe tăng hiện đại mà ăn phải một quả đạn nổ 128mm thì cũng có kết quả tốt đẹp đâu). Ngoài ra, chiếc xe tăng còn được trang bị thêm một khẩu pháo phụ đồng trục 75mm và một khẩu đại liên đồng trục 7,92mm.

Chiếc xe tăng này được thiết kế với mục đích ban đầu là để cán nát mọi phòng tuyến của quân đồng minh mà không chịu thiệt hại đáng kể nào. Tuy nhiên, đáng tiếc cho số phận của những chiếc xe tăng này là nó chưa bao giờ được tham chiến cũng như phô diễn sức mạnh của mình trên chiến trường, bởi lúc dự án hoàn thành thì cũng là lúc những nguyên mẫu đầu tiên rơi vào tay hồng quân Liên Xô, chỉ có 2 chiếc được bắt tay vào chế tạo và 1 trong số đó hoàn chỉnh.

Schwerer Gustav – Khẩu pháo khủng nhất mọi thời đại

Lại là một siêu phẩm đến từ người Đức !

Năm 1934, bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức (OKH) đã yêu cầu tập đoàn Krupp ở Essen phải thiết kế một khẩu pháo đủ mạnh để hủy diệt những pháo đài ở Maginot Line-Pháp. Đạn của những khẩu pháo này phải xuyên được 7m tường bê tông và 1000mm thép tiêu chuẩn. Tiến sĩ Erich Müller đã tính toán rằng để làm được điều đó thì khẩu pháo này phải bắn ra được viên đạn nặng 7 tấn và có đường kính 800mm.

5 năm sau, siêu pháo Schwerer Gustav ra đời. Khẩu pháo này nặng 1350 tấn, dài 47.3m, rộng 7,1m và cao 11,6m. Vì kích thước quá khổ nên khẩu pháo này phải được di chuyển trên 4 làn đường ray chạy song song với kíp chiến đấu lên đến vài ngàn người, tương đương với một chiếc thiết giáp hạm. Mặc dù cực kỳ tốn kém trong khâu vận hành nhưng Schwerer Gustav đã không phụ sự kỳ vọng của quân đội phát xít Đức. Khẩu pháo này có thể bắn được đạn HE (đạn nổ mạnh) nặng 4,8 tấn đi xa đến 48km và đạn AP (xuyên giáp) nặng 7,1 tấn đi 38km.

Trong những năm phục vụ, nó đã trở thành một thứ vũ khí hủy diệt thực sự, tham gia nhiều chiến dịch, tàn phá nhiều thành phố, pháo đài với những viên đạn khổng lồ từ khoảng cách mà quân đồng minh không thể nào đánh trả. Sau khi chiến tranh kết thúc, khẩu pháo đã bị quân đội Mỹ chiếm giữ và tháo dỡ để tránh rơi vào tay Liên Xô. Tuy hiện nay khẩu pháo đã không còn nhưng nó vẫn là một biểu tượng lịch sử trong giai đoạn thế chiến thứ 2 và là niềm tự hào của công công nghệ chế tạo vũ khí của người Đức.

Yamato – Thiết giáp hạm mạnh nhất lịch sử

Yamato là soái hạm của Hạm đội Liên hợp Nhật Bản, phục vụ cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong thế chiến thứ 2. Yamato chính là thiết giáp hạm to và nặng nhất từng được chế tạo, dài 263m và có lượng choán nước lên đến 72000 tấn khi đầy tải. Dù to lớn và nặng nề nhưng Yamato vẫn có thể đạt tốc độ lên đến 50km/h với sức mạnh của 4 khối động cơ turbine hơi nước có tổng công suất lên đến 150.000 mã lực. Người Nhật tạo ra Yamato với mục đích lấy chất lượng để bù số lượng, dùng một thiết giáp hạm siêu khủng để có thể đối chọi cùng lúc nhiều thiết giáp hạm chủ lực của đối phương. Cho ai chưa biết thì Yamato cũng có một “cô em gái” là thiết giáp hạm Musashi, về căn bản thì hầu như giống hệt “cô chị” nhưng ít nổi tiếng hơn.

Về giáp, Yamato được bọc thép cực dày, lên đến 650mm ở mặt trước tháp pháo, chỗ mỏng nhất trên sàn tàu cũng được bọc thép dày 200mm. Vũ khí chính của Yamato là 9 khẩu pháo được đặt trên 3 tháp pháo, có cỡ nòng 460mm, mỗi khẩu có khối lượng lên đến 147,3 tấn, dài 21,13m và có thể bắn đạn xuyên thép đi xa đến 42km. Dàn vũ khí phụ là 12 khẩu pháo 155mm được đặt ở 4 tháp pháo phụ xung quanh tàu cùng hàng trăm khẩu pháo nhỏ hơn các loại.

Quân đội Mỹ khi đó đang chiến đấu với Nhật cũng phải công nhận rằng Yamato chính là chiến hạm mạnh nhất mà con người từng chế tạo. Vì mà các tàu chiến của Mỹ tránh đối đầu trực diện với Yamato bằng mọi giá. Mỹ chẳng dại gì mà đem thiết giáp hạm đắt đỏ nhà mình đi đấm nhau với 2 con boss của Thái Bình Dương. Thay vào đó thì họ cho tàu sân bay thả máy bay để gõ vỡ đầu chúng từ khoảng cách mà chúng không thể bắn trả. Yamato bị đánh chìm bởi không lực hải quân Hoa Kỳ vào năm 1945.

Nếu được xuất xưởng sớm vài năm thì có lẽ Yamato đã có thể để lại cho đời những trang sử oai hùng. Tuy nhiên do học thuyết quân sự lỗi thời của người nhật mà Yamato đã không thể đạt đến đỉnh cao như những gì mà nó được kỳ vọng.

“Việc Nhật Bản chế tạo Yamato cũng giống như là rèn một thanh gươm tối thượng trong thời đại của súng ống vậy” – Trích dẫn từ một bộ phim tài liệu của Wargaming về Yamato.

Tsar Bomba – Vũ khí mạnh nhất từng được sử dụng

Tsar Bomba – Bom Sa Hoàng được phát triển bởi Liên Xô trong giai đoạn chiến tranh lạnh, là vũ khí mạnh nhất từng được kích hoạt trong lịch sử loài người. Tháng 10 năm 1961, Tsar Bomba được đưa tới nơi thử bởi một chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-95V, chiếc máy bay này được sơn màu trắng phản quang để giảm thiểu thiệt hại gây ra từ bức xạ của vụ nổ. Bởi kích thước quá khổ, nặng 27 tấn và dài đến 8m nên chiếc máy bay đã phải để mở khoang bom trong suốt chuyến bay.

Vào lúc 11 giờ 32 phút ngày 30 tháng 10 năm 1961 trên khu vực thử nghiệm hạt nhân Vịnh Mityushikha, khoảng cách 4km tính từ mặt đất, quả bom đã được kích nổ. Nó tạo thành một đám mây hình nấm cao 64km và rộng 40km. Sóng xung kích đã càn quét và gây thiệt hại trong bán kính lên đến 1000 km từ tâm vụ nổ, phá vỡ cửa kính tại Phần Lan và Thụy Điển. Bức xạ của vụ nổ gây bỏng cấp độ 3 ở khoảng cách 100km và hủy diệt hoàn toàn mọi vật thể trên mặt đất từ khoảng cách 35km để lại một vùng ô nhiễm phóng xạ không thể sinh sống được trong vài ngàn năm tới.

Đương lượng nổ của quả bom ước tính đạt 50 megaton, tức gấp 3300 lần quả bom Little Boy mà mỹ thả xuống Hiroshima. Đúng ra nó có thể đạt sức mạnh tối đa lên đến 100 megaton nhưng đã bị giới hạn xuống còn một nửa để hạn chế khả năng phát tán bụi phóng xạ.

Typhoon – Hạm đội của ngày tận thế

Typhoon (Cuồng Phong) là lớp tàu ngầm hạt nhân chiến lược của do Liên Xô chế tạo từ thời chiến tranh lạnh với tổng số lượng 6 chiếc được chế tạo, thuộc đề án 941 Akula (cá mập). Đây là những chiếc tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo. Mỗi chiếc dài 175m với khối lượng tối đa 48000 tấn khi lặn. Động cơ đẩy là 2 lò phản ứng hạt nhân với công suất an toàn tối đa lên đến 50000 mã lực mỗi chiếc. Mỗi chiếc tàu ngầm thuộc lớp Typhoon có thể hoạt động trong nhiều năm mà không cần tiếp nhiên liệu. Giới hạn của chúng chỉ nằm ở nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn mà thôi.

Về vũ khí, nếu không tính hệ thống 6 ống phóng ngư lôi dùng để tự vệ thì mỗi con tàu thuộc lớp Typhoon có thể mang đến 20 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa R-39 Rif. Mỗi chiếc tên lửa này có tầm bắn 8250km, mang theo tối đa 10 đầu đạn có đương lượng nổ từ 100 đến 200 kiloton. Đáng sợ hơn nữa là mỗi đầu đạn này đều có khả năng hoạt động độc lập với hệ thống dẫn đường thiên văn quán tính, có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu khác nhau.

Tuy tổng đương lượng nổ của các đầu đạn này không thể mạnh bằng một quả Tsar-bomba được. Nhưng với số lượng tầm bắn và tốc độ tiếp cận mục tiêu gần như không thể đánh chặn, các tên lửa R-39 thực sự còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

Hình ảnh có liên quan

Với khả năng mang đến 20 quả tên lửa R-39 cùng khả năng di chuyển bí mật đến bất cứ đâu trên thế giới. Một chiếc tàu ngầm thuộc lớp Typhoon hoàn toàn có khả năng đem đến ngày tận thế, mang đến sức răn đe hạt nhân tuyệt đối cho quân đội Liên Xô thời chiến tranh lạnh và Liên Bang Nga thời hiện đại. Cho đến nay vẫn chưa có chiếc Typhoon nào thể hiện sức mạnh thực sự của nó, đúng với câu nói trong bộ phim Iron Man: “vũ khí tốt là những vũ khí mà bạn không bao giờ cần phải bắn”.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360