Khủng long Ankylosaurus “mọc” ra đuôi chùy như thế nào? Mời các bạn cùng mình tìm hiểu nhé!

Không chỉ có khủng long ăn thịt, nhiều loài khủng long ăn thực vật cũng phát triển cho mình những loại vũ khí cực kỳ mạnh mẽ, điển hình như cái đuôi chùy của mộ số loài thuộc chi khủng long bọc giáp Ankylosaurus, biến chúng thành một trong những loại khủng long nguy hiểm nhất. Cái đuôi của Ankylosaurus không chỉ đáng chú ý nằm ở việc chúng dùng nó như thế nào. Cách mà loài khủng long này hình thành và phát triển quả chùy cũng cực kỳ thú vị. Mà cụ thể thú vị như thế nào thì mời các bạn cùng mình tìm hiểu qua bài viết sau.

Tiến sĩ cổ sinh vật học Victoria Megan Arbor và mẫu hóa thạch đuôi của loài Dyoplosaurus acutosquameus, thuộc phân họ Ankylosaurinae

*Thật ra mình cũng mới tìm hiểu vụ này cách đây không lâu, bắt đầu với clip “How Ankylosaurs Got Their Clubs” của PBS Eons, nếu bạn giỏi tiếng Anh và chịu khó tìm hiểu thì mình có để link nguồn dưới cuối bài nhé. Còn bạn nào thích đọc nhanh gọn và tiếng Việt thì ở lại đây với mình.

Đuôi chùy dùng để làm gì?

Thế giới lần đầu tiên được biết đến cái đuôi chùy của chi khủng long bọc giáp Ankylosaurus là vào năm 1919, khi các nhà khảo cổ học phát hiện ra một con Dyoplosaurus. Ngay từ đầu, người ta đã cho rằng nó được sử dụng như vũ khí để giúp con vật chống lại những kẻ săn mồi hoặc để quất nhau với mấy con cùng loài nhằm tranh giành bạn tình, lãnh thổ. Một giả thuyết khác cho rằng nó là cái đầu giả để đánh lừa lũ ăn thịt hoặc công cụ để thu hút bạn tình (tương tự như đuôi của công đực hiện đại).

Mẫu hóa thạch Dyoplosaurus acutosquameus được tìm thấy năm 1919

Giả thuyết vũ khí nghe có vẻ hợp lý hơn, tuy nhiên trong sốt 85 năm không ai thèm chứng minh nó, cho đến khi nhà cổ sinh vật học Victoria Megan Arbor bắt tay vào việc hồi năm 2009, khi cô mới 26 tuổi. Cô Arbour đã tiến hành nghiên cứu các cơ ở đuôi Ankylosaurus để xem nó trông như thế nào, tạo ra được bao nhiêu lực. Và không có gì đáng ngạc nhiên là mớ cơ ở đó rất khủng, ngoài ra nó Ankylosaurus còn có cấu tạo đuôi đặc biệt để biến nó thành thứ vũ khí cực kỳ mạnh mẽ.

Đuôi của Ankylosaurus được sử dụng như vũ khí, và không chỉ có một quả chùy, nó có cả cây chùy cơ

Đầu tiên, Arbour đã nghiên cứu đuôi của Ankylosaurus rồi so sánh với bọn Archosaurs hiện đại (ở đây là cá sấu) và nhận ra rằng các cơ để vung đuôi của Ankylosaurus chạy dọc suốt chiều dài của đuôi. Gốc đuôi phình to, chứa các cơ neo thẳng vào thân khủng long ở xương chậu, xương đùi, gắn vào đỉnh và đáy của các đốt sống đuôi.

Mặt cắt thể hiện hệ cơ, xương đuôi của Ankylosaurus

Cấu trúc liên kết cơ này tạo ra tiết diện cơ lớn, giúp tăng cường lực mà cơ có thể tạo ra. Ngoài việc đó thì Ankylosaurus cũng có các cấu trúc hỗn hợp gân, xương chạy dọc suốt chiều dài đuôi để gia cường cho nó.

Hóa thạch thể hiện hệ gân, xương chạy dọc theo đuôi của Dyoplosaurus acutosquameus

Khi nghiên cứu cách thức mà đuôi chùy của Ankylosaurus hoạt động cô Arbour còn phát hiện ra một điều nữa, đó là nó có cấu tạo phức tạp hơn những gì mà trước đó nhiều người vẫn nghĩ.

Cấu tạo “cây chùy” của Ankylosaurus

Cái đuôi của Ankylosaurus không chỉ có một quả chùy mà là cả cây chùy với phần “cán chùy” và “quả chùy”. phần “quả chùy” được hình thành từ các mảnh xương đặc, nặng và cứng, bọc trong da dày, kết hợp với phần “cán chùy” được tạo thành bởi các đốt sống đuôi liên kết cứng lại với nhau. Cấu tạo này giúp Ankylosaurus chỉ cần tập trung cơ bắp vào phần gốc đuôi mà vẫn có thể vung được quả chùy ở chóp đuôi

Mô phỏng bộ xương của một loài thuộc chi Ankylosaurus

Bằng cách xem xét sức mạnh của hệ cơ, biên độ chuyển động của các khớp xương đuôi, chiều dài đuôi và khối lượng quả chùy, Arbor đã đủ cơ sở để tính toán sức tấn công của cái đuôi. Theo đó, một cú vụt đuôi của Ankylosaurus trưởng thành có thể tạo ra lực tác động lên đến 14.360 Newton, đủ để không chỉ làm gãy mà còn nghiền nát xương của nhiều loài khủng long sống cùng thời. Đó là còn chưa tính đến việc nó có thể xoay người để tăng tốc độ cho quả chùy ở đuôi.

Thế nên chúng ta hoàn toàn có thể chắc chắn rằng Ankylosaurus dùng đuôi chùy như một vũ khí. Chỉ là không biết nó dùng để tự vệ trước cái loài ăn thịt hay quất nhau với mấy con cùng loài thôi, hoặc cũng có thể là cả 2 đấy chứ. Mà thôi kệ, dù sao đi nữa thì cái đuôi đó cũng cực kỳ đáng sợ.

Ankylosaurus đã “mọc” ra cây chùy đó như thế nào?

Quay trở lại với đề bài – thứ làm cho các bạn tò mò và click vào bài viết này. Không phải tự nhiên mà chúng ta lại phải phải nói qua cấu tạo và mục đích của cái đuôi trước. Vì trong tiến hóa, bất kỳ bộ phận nào đột nhiên xuất hiện mà không mang lại lợi ích ngay tức thời chính là sự thừa thãi, gây cản trở cho sinh vật và sẽ bị chọn lọc tự nhiên loại bỏ ngay lập tức.

Về việc “cây chùy” của Ankylosaurus hình thành và phát triển như thế nào, Nhà cổ sinh vật học Arbour đã đặt ra 3 giả thuyết. Thứ nhất là cái cán có trước, thứ 2 là quả chùy có trước và thứ 3 là Ankylosaurus phát triển 2 thứ đó cùng nhau.

Nếu cái cán có trước thì chúng ta phải tìm thấy hóa thạch của Ankylosaurus với các đốt xương đuôi liên kết với nhau. Nếu quả chùy có trước thì chúng ta phải tìm thấy hóa thạch Ankylosaurus với một quả chùy ở chóp đuôi nhưng các đốt xương đuôi vẫn mềm mại linh hoạt. Còn nếu theo giả thuyết thứ 3 là đúng thì phải có bằng chứng cho thấy Ankylosaurus tiến hóa cả 2 cùng lúc.

Cách duy nhất để xác định được giả thuyết nào đúng là Cô Arbour phải lùng sục khắp nơi và được hồ sơ hóa thạch của một con Ankylosaurus có cái đuôi khớp với 1 trong 3 giả thuyết. Và may mắn thay, cô ấy đã tìm được.

Gobisaurus Domoculus
Cấu trúc xương đuôi của Gobisaurus Domoculus

Gobisaurus Domoculus là một loài Ankylosaurus sơ khai, sống cách đây 92 triệu năm, dài 6m và nặng đến vài tấn. Nó sở hữu tất cả cấu trúc hỗ trợ cho một quả chùy ở đuôi, bao gồm một cái “cán” được hình thành từ các đốt sống đuôi được liên kết cứng với nhau như một con Ankylosaurus điển hình. Chỉ khác có một chỗ là nó không có quả chùy đuôi thôi.

Sơ đồ tiến hóa đuôi của Ankylosaurus

Phần hóa thạch chóp đuôi không có quả chùy của con Gobisaurus đã chứng minh giả thuyết đầu tiên là đúng, rằng Ankylosaurus đã phát triển “cái cán” trước và “quả chùy” sau. Theo cô Arbour, thì dù không có quả chùy, cái đuôi của những loài Ankylosaurus sơ khai cũng có thể vụt cực kỳ đau như một cây roi cứng, giúp tăng lợi thế sinh tồn của chúng. Có thể quả chùy được hình thành sau này chỉ chỉ đơn giản là để tăng tính hiệu quả cho cây roi cứng ban đầu mà thôi.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: How Ankylosaurs Got Their Clubs (PBS Eons)


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360