Những món phụ kiện gaming dưới đây sẽ khiến nhiều bạn ngỡ ngàng lắm đó nha.

Mấy món phụ kiện gaming lúc nào cũng độc lạ lúc nào cũng thu hút game thủ chúng ta. Thế nên trang Kotaku đã tổng hợp 12 món phụ kiện gaming càng dị hợm bao nhiêu càng thú vị bấy nhiêu. Mời các bạn cùng xem qua nhé.

R.O.B the Robot của máy NES

R.O.B. (Robot Operating Buddy) thật ra cũng không quá dị thường đâu. Cơ bản thì nó là một cái kẹp gắp mà bạn có thể lập trình bằng tay cầm của NES. Nó không thật sự hữu ích cho lắm, trừ khi bạn thường xuyên cần nhặt những món đồ vật nhỏ lẻ. Vào đầu thập niên 80, ngành game lúc đó đang lao dốc, thế nên các nhà bán lẻ lo ngại về chuyện không bán được mấy cái console đắt tiền. Vậy là Nintendo đã sản xuất ra Robbie để đánh lừa các nhà bán lẻ rằng họ đang bán một món đồ chơi giáo dục rất trí tuệ (và đồng thời nó cũng có khả năng chơi game nữa). Kế hoạch này thành công, nhưng R.O.B. phải sớm lui về hậu cung để nhường ánh đèn sân khấu lại cho Mario.

Bộ điều khiển hình ván trượt ‘Tony Hawk: Ride’

Trong lịch sử ngành game, 2009 là năm mà tính năng điều khiển bằng chuyển động (motion control) nở rộ, và đi cùng với làn sóng đó là bộ điều khiển ‘Tony Hawk: Ride´ hình ván trượt. Ra mắt cùng với tựa game Tony Hawk: Ride, chiếc ván trượt bằng nhựa này đóng vai trò như là một bộ điều khiển (controller) hẳn hoi, chứ không chỉ đơn thuần là một món đồ sưu tầm thôi đâu. Nó được trang bị 2 cảm biến gia tốc, 4 cảm biến chuyển động, và muốn chơi Ride thì bạn phải xài cái ván trượt này. Chiếc ván trượt có giá tới 120 USD, nhưng không may là cả nó lẫn tựa game Tony Hawk: Ride đều không mấy thành công cho lắm.

Bộ trống DK Bongos

Được bán cùng với Donkey Konga và DK Jungle Beat hồi năm 2004 trên hệ máy GameCube, DK Bongos trái ngược hoàn toàn với cái ván trượt Tony Hawk ở trên. Nó khá là rẻ (chỉ khoảng 60 USD cho combo game và bộ trống) cho nên game thủ đón nhận rất nồng nhiệt luôn nhé. Bạn có thể điều khiển Donkey Kong bằng cách đánh vào cái trống hoặc vỗ tay, cũng khá là thú vị.

Envavo Heatbuff

Envavo Heatbuff là một thiết bị sưởi ấm bằng hồng ngoại, có thiết kế nhỏ nhắn để đặt gọn trên bàn. Nó sẽ giúp sưởi ấm những ngón tay của bạn khi gõ phím mà không làm nóng bàn phím. Tuy nhiên, không rõ là nó sẽ làm ấm tay cầm chuột như thế nào. Mà nếu bạn đủ tiền mua một bộ PC gaming thì hẳn trong nhà cũng phải có một cái điều hòa chứ đúng không?

Atari 2600 Stick Station

Đây là một món phụ kiện khá là dị thường vào những ngày đầu của ngành gaming. Atari 2600 Stick Station cơ bản là 1 tấm gỗ cho bạn đặt cái tay cầm Atari vào bên trong. Do cái joystick của tay cầm này thiết kế không được công thái học cho lắm, cho nên nếu có một cái bệ đỡ phía dưới thì sẽ ổn hơn. Cho nên tính ra Atari 2600 Stick Station không hẳn là vô dụng, nhưng phải thừa nhận rằng bản chất của nó cũng chỉ là một… tấm gỗ mà thôi. Nó chỉ được bán trong một khoảng thời gian ngắn trong năm 1984, và chính vì thế nên bây giờ, Atari 2600 Stick Station đã trở thành một trong những món phụ kiện gaming hiếm hoi nhất.

Keypad gaming Azeron Cyborg

Azeron Cyborg là một thiết bị rất là kì quặc. Nội chuyện tìm hiểu cách thức hoạt động của nó thôi là đã tốn hàng giờ đồng hồ rồi. Nôm na thì nó là một con chuột đó, nhưng con chuột này giống như là bị đột biến, tiến hóa thành hình… bàn tay con người vậy.

Tấm ván cân bằng Wii Fit

Vì một lý do nào đó mà có những hãng nghĩ rằng game thủ rất thích đứng dậy khi chơi game, cho nên đã có vô số tấm đệm, tấm ván được cho ra đời kể từ 1987 – năm mà Nintendo ra mắt Power Pad cho tựa game Track and Field. Hầu hết những thiết bị đó đều rất tệ, nhưng riêng tấm ván cân bằng Wii Fit thì là ngoại lệ nhé. Nó được thiết kế dành cho game rèn luyện sức khỏe Wii Fit, chứ không phải là để đánh lừa người chơi rằng đứng lên sẽ giúp cải thiện trải nghiệm khi chơi game. Nói chung, tấm ván này cực kỳ hữu ích luôn nhé.

Aura Interactor

Đây là một cái áo vest mà bạn có thể mặc vào, và nó có phản hồi xúc giác (force-feedback) đàng hoàng. Vào năm 1994 thì cái áo này như thiết bị đến từ tương lai vậy. Nó chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu rung, từ đó cho phép người chơi cảm nhận những cú đấm, cú đá, viên đạn, vụ nổ, hay thậm chí là những cái vuốt ve nhẹ nhàng. Aura Interactor tương thích với Super NES và Sega Genesis. Nó nhận được nhiều lời đánh giá tích cực và bán được hơn 400.000 cái với mức giá khoảng 100 USD.

Booster Boy

Nhìn theo một hướng tích cực thì Saitek Booster Boy là một thiết bị đi trước thời đại các bạn ạ. Còn nhìn theo hướng tiêu cực thì nó rất là “kém thông minh”. Nó sẽ kẹp thêm 1 cái kính lúp, mấy cái nút bự, và bộ khuếch đại âm thanh vào máy GameBoy, từ đó giúp màn hình trở nên lớn hơn, âm thanh nghe to hơn, và nút bấm cũng bự hơn. Tuy nhiên, đồng thời nó cũng làm mất đi tính cơ động – một trong những ưu điểm nổi trội nhất của GameBoy.

Rez Trance Vibrator

Hồi năm 2001, tựa game Rez trên PS2 còn giới thiệu cho game thủ tại Nhật một thiết bị rung đi kèm với tay cầm của PS2. Theo nhà phát triển của Trance Vibrator, ý tưởng tạo ra thiết bị này không liên quan gì đến tình dục cả, nhưng sự thật là ai biết đến Trance Vibrator đều nghĩ ngay đến mục đích sử dụng “18+” của nó. Bản thân nó rung cũng rất là mạnh luôn nhé, cho nên xét về mặt hữu dụng thì nó có hữu dụng chứ không phải là vô dụng đâu.

Atari Mindlink

Atari Mindlink bị thu hồi trước cả khi nó được bán ra thị trường, cho nên cũng khá là tiếc. Đây là một cái vòng đeo trên đầu (headband) được kết nối với Atari 2600 với mục đích là đọc suy nghĩ của người chơi và cho phép bạn chiến game chỉ với suy nghĩ của mình. Thật ra, đây không phải là một trò lừa bịp đâu, vì nó có thể đọc được di chuyển của những sợi cơ trên trán của bạn. Do chơi game bằng cách “nhíu lông mày” không hấp dẫn bằng chơi game bằng suy nghĩ thật sự, cho nên Atari Mindlink đã không thể đến tay game thủ được.

Bộ điều khiển Steel Battalion

Có rất nhiều game thủ muốn sở hữu bộ điều khiển Steel Battalion đó nha. Nó có đến 44 điểm nhận tín hiệu đầu vào, bao gồm 3 bàn đạp, vài hàng nút bấm, núm vặn, đèn sáng, vân vân. Và nó được sản xuất chỉ để chơi 1 game duy nhất, đó là trò đấu robot Steel Battalion mà Capcom ra mắt hồi năm 2002. Vào thời bấy giờ, tựa game và bộ điều khiển này có giá là 200 USD, còn bây giờ thì nó có giá cao gấp đôi ở mấy chợ đồ cũ. 400 USD cho một tựa game và một bộ điều khiển đã 20 năm tuổi thì hơi đắt đó, nhưng phải công nhận là nó nhiều nút thật các bạn ạ, bấm đã đời luôn.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Lifehacker


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360