Thời gian là một thứ vông cùng mong manh, và theo lý thuyết thì nếu có một điều trong quá khứ bị thay đổi thì nó sẽ gây ra tác động tương ứng ở thời điểm tương lai. Không riêng gì phim ảnh, các nhà phát triển cũng đã không ít lần khai thác đề tài này, biến một tựa game hay thành tựa game xuất sắc, lôi cuốn người chơi từ đầu đến cuối. Sau đây là danh sách 10 tựa game du hành vượt thời gian.

Clock Tower 3

Khi Alyssa đang đọc một quyển sách trong ngôi nhà tổ tiên của mình thì bỗng dưng lại xuất hiện ở Luân Đôn. Cô ta phải tìm cách để trở về dòng thời gian của mình và đồng thời né tránh những kẻ rình rập đáng sợ. Alyssa phải tận dụng những manh mối trong thế giới xung quanh để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với một số nạn nhân bị giết, và sau đó làm cho linh hồn của họ siêu thoát bằng cách trao trả cho họ một số vật dụng mà họ trân quý.

Những manh mối mà Alyssa thu thập được vào những năm 1940 và 1960 tại Luân Đôn sẽ được dùng để giải đáp các bí ẩn xoay quanh di sản của gia đình mình. Anh em sẽ nhanh chóng nhận ra rằng đang có một thế lực hắc ám nhúng tay vào chuyện này và đã cho cô ta du hành xuyên không gian và thời gian, mục đích là để khiến cho Alyssa sợ chết khiếp. Sau khi 2 tên rình rập đầu tiên bị giết thì yếu tố du hành thời gian có bị phai mờ đi đôi chút, nhưng chí ít thì nó cũng đã giúp cho tựa game sinh tồn – kinh dị này thêm phần thú vị.

Life Is Strange

Life Is Strange là một tựa game phiêu lưu theo dạng từng chương (episodic), xoay quanh việc tua ngược thời gian để giải các câu đố. Cơ chế du hành thời gian này sẽ mang tác động cực kì lớn, nhưng đồng thời nó cũng có những nhược điểm của nó. Rõ ràng là Max có ý tốt khi sử dụng khả năng du hành thời gian của mình để giúp cuộc sống của những người bạn xung quanh mình trở nên tốt đẹp hơn, nhưng rồi tất cả quyết định của Max đều gây ra hiệu ứng dây chuyền, dẫn đến những hậu quả không thể nào lường trước được.

Ta có thể thấy rõ nhất với trường hợp của Chloe – người con gái mà Max đã cứu trong đoạn đầu game. Mối quan hệ giữa Max và Chloe rất là ngọt ngào, nhưng việc du hành thời gian để cứu vãn tình bạn giữa 2 người đã vô tình tạo ra những nghịch lý (paradoxes) phức tạp. Dù đã ra mắt được nhiều năm nhưng mùa đầu tiên của Life Is Strange là một ví dụ điển hình cho thấy “hiệu ứng cánh bướm” (Butterfly Effect) hoạt động như thế nào.

Braid

Tựa game đầu tay của Jonathan Blow được nhớ đến phần lớn là nhờ vào đoạn kết thúc, nhưng cơ chế đi cảnh của trò Braid vẫn rất thú vị nhờ có thêm yếu tố du hành thời gian trong đó. Khi nhân vật chính của chúng ta mất mạng thì người chơi có thể tua ngược thời gian để sửa chữa sai lầm của mình. Đồng thời, những kẻ địch mà anh em đã giết cũng sẽ được hồi sinh.

Ngoài ra một số màn chơi còn được thiết kế để tận dụng cơ chế điều khiển thời gian, đòi hỏi anh em phải vận dụng đầu óc để giải đố. Mặc dù cơ chế trong game này không hoàn toàn tuân theo quy luật của việc du hành thời gian, đây chỉ là một trong số những cách mà Braid sẽ khiến anh em phải “xoắn não” khi chơi.

Singularity

Trong Singularity, anh em sẽ được khám phá một căn cứ bị bỏ trống trong thời kì Chiến tranh lạnh trên một hòn đảo hoang. Đặc biệt, người chơi sẽ được điều khiển thời gian theo nhiều cách thú vị khác nhau. Một trong những trò phổ biến nhất trong game mà anh em có thể làm là xây dựng lại hoặc làm một vật dụng nào đó trong môi trường bị xuống cấp. Chẳng hạn, nếu bạn đang ở trong một căn phòng đổ nát và kẻ địch đáng bắn xối xả thì bạn có thể hồi phục lại bức tường để núp đằng sau.

Ngoài ra, anh em còn có thể dùng siêu năng lực này để biến kẻ địch thành bộ xương khô, hoặc tua ngược thời gian để khiến bọn chúng nổ tung. Dần dần, anh em sẽ biến hóa được những thứ với kích thước lớn hơn. Ban đầu thì chỉ mới dựng tường được thôi, nhưng chẳng lâu sau là anh em đã có thể tái tạo cây cầu hoặc nâng một chiếc tàu bị đắm dưới lòng đại dương dễ như trở bàn tay.

Day Of The Tentacle

Mở màn là một vụ tai nạn, khi mà 3 bạn thanh thiếu niên được du hành thời gian. Trong khi Bernard quay về ngày hôm qua thì Hoagie lại bay ngược về lúc ký hiến pháp Mỹ, và Laverne thì mắc kẹt ở tương lai do bị các xúc tu bắt lại. Đặc biệt, có một thứ công nghệ cao gọi là Chrono-John dùng để kết nối 3 vùng này lại với nhau, cho phép anh em gửi vật dụng xuyên không gian và thời gian.

Chẳng hạn, sẽ đến một lúc Laverne phải ngụy trang để có thể tự do đi lại trong tương lai. Để làm được điều này thì bạn phải gửi biểu đồ xúc tu cho Hoagie trong thời thuộc địa để một người thơ may tạo ra lá cờ. Lá cờ này sẽ xuất hiện vào thời điểm tương lai, nhưng Bernard cần phải gửi một cái tay quay trong thời hiện tại cho Laverne, thông qua Chrono-John, thì cô bạn này mới cải trang được. Có thể anh em sẽ cần đọc tài liệu hướng dẫn để hiểu thêm về cơ chế dung hành thời gian trong game này, nhưng ít nhất thì anh em sẽ có những khoảnh khắc cười sặc sụa với bộ 3 bạn trẻ này.

Titanfall 2

Titanfall 2 được rất nhiều người đánh giá cao nhờ có mục chơi đơn cực kì xuất sắc. Trong đó, màn Effect And Cause có lẽ là ấn tượng nhất vì nó đã ứng dụng cơ chế du hành xuyên không một cách rất sáng tạo. Mở đầu, nhân vật chính Jack Cooper sẽ tiến vào một tòa nhà để gặp Thiếu tá Anderson, nhưng đồng thời anh ta cũng bắt đầu cảm nhận được những điều dị thường của tòa nhà này trong quá khứ. Sau đó, Cooper đã tìm được Anderson nhưng anh ta không may qua đời khi đang cố gắng đi xuyên tường bằng cách du hành thời gian.

Cooper lấy được thiết bị điều khiển thời gian mà Anderson đà dùng và sử dụng nó để di chuyển giữa quá khứ và hiện tại nhằm vượt qua những chướng ngại vật và kẻ địch trong quá khứ lẫn hiện tại. Anh em có thể sử dụng thiết bị này một cách sáng tạo, chẳng hạn như biến về quá khứ để tránh kẻ địch và tìm phương án tấn công tốt hơn, sau đó dịch chuyển ngược về hiện tại và khiến kẻ địch bất ngờ.

The Legend Of Zelda: Majora’s Mask

Trong dòng game Zelda thì phần Majora’s Mask rất là khó nhằn. Một cái mặt trăng sẽ đâm vào Termina trong vòng 3 ngày và xóa sổ mọi thứ. Nhiệm vụ của Link là sử dụng cây sáo Ocarina of Time để tua ngược thời gian. Link vẫn giữ lại những vật dụng quan trọng mà mình đã lấy được trước khi quay trở về quá khứ, cho phép anh ta hoàn thành được nhiệm vụ bất khả thi là thu thập tất cả Mcguffins từ các ngôi đền ở thế giới trong game.

Link còn có thể dùng thời gian để theo dõi hành vi của nhân vật NPC (non-player character). Bọn họ sẽ tuân theo một tập hợp các hướng dẫn xuyên suốt 3 ngày (tính theo thời gian trong game), do đó bạn sẽ có lợi thế khi nắm được hành vi của những nhân vật này. Có thể bạn sẽ cần lấy một món đồ từ một người NPC để mở cửa, nhưng người này chỉ đi ra khỏi vị trí canh gác của mình vào buổi sáng của ngày thứ 3 mà thôi. Majora’s Mask không tuân theo tất cả những quy luật về việc du hành thời gian, nhưng có khi như vậy lại tốt hơn vì suy cho cùng, Link cũng chẳng có nhiều thời gian để cứu thế giới.

Timesplitters 2

Mục chơi chiến dịch (chơi đơn) của Timesplitters 2 cực kì thú vị. Vào vai một đặc vụ đến từ tương lai xa xôi, bạn phải du hành thời gian để ngăn chặn Timesplitters và thu hồi các mảnh pha lê thời gian. Và vì nhiệm vụ chính của bạn là thu hồi các mảnh này nên Timesplitters chắc chắn sẽ đuổi theo bạn. Bọn chúng muốn thay đổi dòng thời gian để cho giống loài của chúng có cơ hội tồn tại, nhưng bù lại thì loài người sẽ bị tuyệt chủng.

Những đặc vụ này sợ gây ra phiền phức không mong muốn nên đã ngụy trang thành những người đương thời. Có một màn, đặc vụ sẽ biến thành một điệp viên chìm để khám phá bí mật về zombie ở dưới căn hầm của Nga. Trong màn khác thì sẽ ngụy trang thành một kẻ săn tiền thưởng đấu với một lũ côn đồ trong bối cảnh miền viễn tây. Anh em sẽ thấy vô cùng thích thú khi được chu du qua nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sonic CD

Bằng cách sử dụng những cái trụ chuyên biệt, Sonic sẽ được bay về quá khứ hoặc tiến đến tương lai, và kết quả là màn chơi sẽ thay đổi tương ứng theo đó. Có lúc thì đường đi sẽ được thay đổi hoàn toàn để mở ra các lối đi mới, hoặc có lúc thì sẽ tạo ra chướng ngại vật, buộc Sonic phải đi đường vòng.

Không dừng lại ở đó, để có được kết thúc hay nhất thì Sonic cần phải thu thập các viên đá Time Stones trong một số màn cụ thể, hoặc tiêu diệt cỗ máy tạo ra robot trong quá khứ để thay đổi tương lai theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Cũng hơi tiếc là việc du hành thời gian sẽ không thay đổi các con trùm, nhưng nhờ có cơ chế này mà giá trị chơi lại của game được tăng thêm.

Chrono Trigger

Toàn bộ tựa game nhập vai kinh điển Chrono Trigger đều xoay quanh yếu tố du hành thời gian. Các nhân vật trong game sẽ liên tục du hành xuyên thời gian, thay đổi quá khứ để điều khiển tương lai theo một chiều hướng khác. Chẳng lâu sau thì họ phát hiện ra rằng đang có một con ký sinh trùng ngoài hành tinh tên là Lavos đã xuất hiện trên Trái đất hàng ngàn năm về trước, và bây giờ nó sắp sửa tiêu diệt cả thế giới và những sinh vật trên hành tinh này. Cách duy nhất để ngăn chặn điều này xảy ra là chiêu mộ nhiều chiến binh qua từng thời kì để tiêu diệt Lavos.

Trên hành trình, Crono và đồng đội có thể giúp đỡ những người dân địa phương; và tùy theo những quyết định anh em đã đưa ra mà game sẽ có những kết thúc khác nhau. Bật mí là có rất nhiều đoạn kết đấy nhé, còn nếu anh em chơi phiên bản Nintendo DS thì sẽ còn nhiều hơn bản SNES ngày trước nữa.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360