Nếu anh em sử dụng Windows đủ lâu thì sẽ phát hiện ra một nghịch lý hài hước là dù chúng ta là chủ máy nhưng Windows lại hay thông báo “bạn cần sự đồng ý mới được mở file này”. Chắc chắn mỗi khi gặp phải tình huống này thì ai cũng sẽ thấy rất là bực bội và phiền phức đúng không nào. Vậy tại sao Windows lại yêu cầu cầu phải có quyền mới được mở một số file hoặc thư mục nhất định và chúng ta có những cách nào để xử lý bug khó chịu này, mời anh em cùng mình tìm hiểu qua bài viết này.
Kiểm tra loại tài khoản anh em đang sử dụng
Thực ra, Windows chỉ muốn phòng ngừa trường hợp người dùng mở và chỉnh sửa nhầm các file có thể ảnh hưởng đến hệ thống. Nếu tài khoản anh em đang dùng không có đủ quyền hành cần thiết thì sẽ không thể mở các file và thư mục nhất định. Nếu anh em chưa biết về thì trong một PC cài Windows sẽ có 3 loại tài khoản với các loại quyền hạn khác nhau gồm:
- Administrator: hay còn gọi là tài khoản quản trị viên sẽ có quyền kiểm soát toàn bộ, mọi thứ, mọi tính năng trong PC, và có luôn kiểm soát các tài khoản khác.
- Standard: tài khoản standard có thể sử dụng PC và có quyền mở và sử dụng các chương trình, tập tin media, … nhưng không thể cài thêm chương trình mới hoặc gỡ cài đặt bất kỳ chương trình nào đã được cài sẵn trong máy. Quyền hạn của tài khoản Standard sẽ bị tài khoản administrator giới hạn.
- Guest: hai còn gọi là tài khoản khách, thường được dùng trên các dàn máy công cộng và trường học, nơi có nhiều người không phải là chủ sở hữu của máy và sẽ có ít quyền hạn vọc vạch máy nhất.
Nếu anh em thường xuyên gặp thông báo You Need Permission to Perform This Action thì khả năng cao là đang dùng tài khoản loại Standard hoặc Guest. Có một số trường hợp Windows sẽ bắt anh em nhập password của tài khoản administrator thì mới cho xem chứ không phải click OK là cho qua. Vì vậy, nếu đó không phải là máy của anh em thì có thể liên hệ với chủ máy nhờ nhập password vào.
Còn nếu anh em muốn biết mình đang dùng tài khoản loại gì thì có thể vào Settings > Account > Your Info. Ngay bên dưới email thì anh em sẽ thấy loại tài khoản đang dùng.
Chỉnh sửa quyền hạn với từng file hoặc thư mục
Dù tài khoản loại administrator có quyền hạn “tối thượng” với toàn bộ mọi thứ trong máy nhưng thỉnh thoảng thì có xảy ra một số lỗi khiến hoặc ai đó vô tình vọc vạch cũng có thể làm anh em mất quyền với một số file nhất định. Để chỉnh lại quyền của riêng một file thì anh em click chuột phải vào file đó rồi chọn Properties.
Tiếp theo, anh em mở tab Security rồi click vào nút Advanced.
Sau khi cửa sổ Advanced Security Settings hiện lên thì anh em tiếp tục click Change.
Khi cửa sổ Select User or Group hiện lên thì anh em chọn Advanced thêm lần nữa.
Windows sẽ hiện thêm một cửa sổ Select User or Group, anh em chọn Find now, tìm tên tài khoản anh em đang dùng rồi click OK.
Khi quay trở lại của sổ Advanced Security Settings thì anh em tick vào ô Replace owner on subcontainers and objects rồi chọn Apply là hoàn tất.
Tự biến tài khoản của mình thành tài khoản Administrator
Trong một số trường hợp, anh em có thể cấp quyền quản trị cho tài khoản của mình. Tuy nhiên, nếu là tài khoản loại standard đã bị tài khoản administrator hạn chế quyền từ trước thì sẽ không nâng cấp được nhé anh em.
Cách làm thì anh em anh em tìm và mở Computer Management từ Start menu.
Tiếp theo, anh em tìm mở thư mục theo thứ tự Local Users and Groups > Users.
Sau đó, anh em click chuột phải vào tên tài khoản cần nâng quyền, chọn Properties, mở tab Member of rồi chọn Add.
Khi cửa sổ Select User or Group hiện lên, anh em nhập từ “Administrators” vào khung Enter the object names to select rồi chọn Check names và OK là hoàn tất.
Sau khi làm xong thì anh em nhớ khởi động lại máy để áp dụng thay đổi.
Khởi động bằng Safe Mode
Đôi khi, chính Windows bị lỗi và ngăn anh em mở một file hoặc thư mục nào đó. Để kiểm tra có phải lỗi do Windows hay không thì anh em khởi động máy bằng chế độ Safe Mode rồi mở file đó lên thử nhé. Nếu mở được thì đó là do Windows.
Còn cách khởi động bằng Safe Mode thì anh em nhấn tổ hợp phím tắt Windows + R, nhập msconfig vào rồi enter.
Tiếp theo, anh em mở tab Boot rồi tick vào ô Safe boot rồi khởi động lại máy để kiểm tra lại như mình đã trình bày ở trên.
Anh em lưu ý là sau khi kiểm xong thì nhớ lập lại các bước và bỏ dấu tick Safe boot đi để lần sau máy không khởi động bằng Safe mode nữa.
Sử dụng lệnh SFC và CHKDSK
Ngoài vấn đề về quyền hạn thì có thể do file hệ thống của anh em bị lỗi nên không mở được. Anh em có thể dùng lệnh SFC (System File Check) trong Command Prompt để kiểm tra. Và nếu dùng lệnh này thì anh em nên dùng thêm một lệnh DISM (Deployment Image Servicing and Management) để kiểm tra các file hoạt động bình thường. Cách làm thì anh em mở Command Prompt từ Start menu bằng cách click chuột phải và chọn Run as administrator.
Tiếp theo, anh em nhập dòng lệnh bên dưới vào rồi nhấn Enter. Quá trình kiểm tra DISM sẽ mất thời gian hơi lâu một chút, tùy vào từng máy nên anh em cứ kiên nhận đợi nhé.
DISM /online /cleanup-image /restorehealth
Sau khi quá trình DISM hoàn tất thì anh em tiếp tục nhập lệnh bên dưới và nhấn enter để máy tiếp tục sửa.
sfc /scannow
Còn lệnh CHKDSK thì sẽ quét toàn bộ máy chứ không chỉ quét file hệ thống như SFC. cách dùng thì anh em cũng mở Command Prompt bằng Run as Administrator như bên trên rồi nhập dòng lệnh bên dưới và enter cho máy tự sửa.
chkdsk /r
Sau khi đã sửa xong thì anh em khởi động lại máy và mở file bị hạn chế quyền truy cập thử nhé.
Chúc anh em thực hiện thành công!
Nguồn: Make Use Of