Không phải chuẩn sạc nhanh nào cũng đều giống nhau. Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại củ sạc hỗ trợ sạc nhanh, nhưng chưa chắc khi mua 1 cái về cắm vô điện thoại là nó sẽ sạc nhanh đúng như mong đợi của bạn đâu nhé. Vì các hãng sản xuất điện thoại, máy tính bảng, laptop vẫn chưa thể thống nhất để cùng xài 1 chuẩn sạc nhanh nên thiết bị của bạn có thể sạc chậm hơn dự kiến. Vì thế, trong bài viết này, GVN 360 sẽ giúp bạn lựa chọn củ sạc và dây sạc hỗ trợ tính năng sạc nhanh đúng với nhu cầu và thiết bị đang xài nhé.

USB Power Delivery

USB Power Delivery (USB-PD) là một phần nằm trong thông số kỹ thuật chính thức của USB. Một số nhà sản xuất vì muốn đơn giản, nhanh gọn lẹ nên đã dùng USB-PD luôn, thay vì là phát triển công nghệ sạc nhanh của riêng họ. Nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các hãng đều ứng dụng USB-PD theo cách giống nhau đâu nhé.

Chẳng hạn, iPhone 12 Pro Max có thế ngốn tầm 22W khi sạc, nhưng đến đời iPhone 13 Pro Max thì con số này lại lên tới khoảng 27W. Số càng cao thì sạc càng nhanh, vì thế cho nên bạn cần kiểm tra mức công suất (watt) cao nhất của điện thoại rồi mua củ sạc có công suất ít nhất là bằng với con số đó. À các bạn nhớ chú ý là củ sạc đó phải đạt chuẩn USB-PD nữa nhé, chứ không là có thể sẽ không sạc nhanh được đâu.

Tin vui là trong hầu hết trường hợp, miễn củ sạc đó đạt chứng nhận USB-PD và có khả năng cung cấp đủ công suất mà bạn cần là đã có thể mua về xài ngon lành. Nói cách khác, các bạn có thể mua củ sạc của bên thứ 3 chứ không nhất thiết phải mua củ sạc chính hãng đâu nhé.

Còn về sợ dây thì thông thường, một sợi USB-C to USB-C đạt chuẩn sẽ đủ khả năng chịu tải ít nhất là 60W. Nhưng tốt hơn hết là các bạn nên kiểm tra kỹ xem nó có đạt chuẩn USB-PD không nhé. USB-PD có thể hỗ trợ lên đến 100W để sạc laptop, và trong tương lai sẽ có loại 240W luôn.

Qualcomm Quick Charge

Tiếp đến, Qualcomm Quick Charge là một trong những chuẩn sạc nhanh rất phổ biến trên thị trường hiện nay. Nó được sử dụng trong những chiếc điện thoại của Samsung, Razer, ASUS, Sony, LG, Nokia. Quick Charge có khả năng sạc nhanh hơn một chút so với USB-PD, nhưng đây là chuẩn của một bên thứ ba. Riêng phiên bản Quick Charge 4 và mới hơn thì tương thích với USB-PD. Tuy nhiên, tốc độ sạc sẽ bị hạn chế nếu bạn dùng điện thoại hỗ trợ Quick Charge 4, 4+, hoặc 5 với củ sạc USB-PD.

Bù lại, bạn sẽ không cần sợi dây sạc quá chuyên dụng, vì thậm chí ngay cả chuẩn Quick Charge mới nhất vẫn tương thích với sợi dây USB-C (3 Ampere) thông thường. Qualcomm hứa hẹn là người dùng có thể sạc 50% pin trong phòng 5 phút với chuẩn Quick Charge 5. Tất nhiên, điều này sẽ tùy thuộc vào dung lượng viên pin trong máy, nhưng tính ra thì công nghệ Quick Charge 5 vẫn rất ấn tượng đó chứ. Đó là chưa kể nhiều nguồn tin còn nhận xét rằng Quick Charge khi sạc sẽ ít làm nóng máy hơn các công nghệ khác.

Các chuẩn sạc khác

Trường hợp bạn muốn sạc nhanh hơn nữa thì một trong những chuẩn sạc nhanh đang có mặt trên thị trường hiện nay là Warp Charge của OnePlus (trước đây gọi là Dash Charge). Công nghệ này chỉ xuất hiện trên thiết bị của OnePlus mà thôi, và bạn cần phải có một củ sạc với dây sạc tương thích với chuẩn này. Tuy nhiên, điểm mạnh của nó là sạc cực kỳ nhanh. Nhờ Warp Charge, chiếc điện thoại đầu bảng OnePlus 9 Pro với viên pin 4500 mAh có thể sạc nhanh từ 0% lên 100% chỉ trong vòng khoảng 30 phút mà thôi.

Còn nếu Warp Charge vẫn chưa đủ nhanh đối với bạn thì OPPO – công ty mẹ của OnePlus – còn có thêm một công nghệ nữa gọi là SuperVOOC, nhưng hầu như nó chỉ xuất hiện nhiều tại thị trường nội địa Trung Quốc mà thôi.

Bản thân Samsung và Motorola cũng có những công nghệ của riêng họ. Samsung thì có Adaptive Fast Charging (tối đa 18W), hay mới hơn thì có Super Fast Charging (tối đa 45W) dành cho các thiết bị Galaxy và nó tương thích với chuẩn USB-PD. Nếu bạn muốn có công suất mạnh nhất mà Super Fast Charging hỗ trợ, bạn sẽ cần phải mua củ sạc và dây sạc đạt chuẩn vì nó tạo ra dòng điện tới 5 Ampere.

Còn về phía Motorola thì có TurboPower, tuy không nhanh như những chuẩn khác nhưng ưu điểm của nó là đây thực chất là 1 phiên bản của Quick Charge 3.0. Đối với các thiết bị TurboPower công suất thấp, các củ sạc hỗ trợ Quick Charge 3.0 đều tương thích ngon lành với nó. Còn nếu bạn dùng thiết bị có công suất cao hơn thì phải tìm mua củ sạc hỗ trợ Quick Charge 4+ hoặc mới hơn nhé.

Hi vọng rằng với thông tin trên, các bạn có thể lựa chọn được củ sạc đúng với thiết bị và nhu cầu của bản thân. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360