Hồi xưa lúc mình mới tìm hiểu về máy tính thì bo mạch chủ chính là cái thứ khoai nhất mà mình phải học. Nó không giống như CPU, GPU, RAM, SSD – những thứ mà chỉ cần đọc thông số test là bạn có thể hiểu được đại khái nó mạnh, nó nhanh như thế nào. Bo mạch chủ không giống vậy, nó có rất nhiều thứ khó hiểu với người mới. Thế nên mình mới viết bài viết này với hy vọng có thể mang đến được cho các bạn những thông tin mà mình ước ngày xưa có người chỉ cho mình.

Bo mạch chủ là gì?

Khi bạn nhìn vào một dàn PC, bạn sẽ thấy các linh kiện từ được cắm vào một cái bảng mạch to đúng không nào? Cái đó chính là bo mạch chủ đấy.

Mainboard, motherboard hay bo mạch chủ là một bảng mạch điện tử với các khe cắm để có thể kết nối các linh kiện khác trong hệ thống máy tính với nhau. Đồng thời nó còn có vai trò điều phối dòng điện, liên kết các linh kiện với nhau, xử lý tín hiệu âm thanh, và làm nhiều thứ linh tinh khác nữa. Mấy bạn có thể xem bo mạch chủ là xương sống của toàn bộ hệ thống PC, là cầu nối giữa các linh kiện trong hệ thống với nhau và với những thiết bị ngoại vi.

Các cỡ bo mạch chủ thông dụng

Dàn PC cỡ nào thì lựa bo mạch cỡ đó

Có nhiều chuẩn kích thước khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là 3 cỡ là ATX, MicroATX và Mini-ITX. Hầu hết những mẫu bo mạch chủ dành cho người dùng phổ thông sẽ nằm vào một trong 3 cỡ này. Do các tiêu chuẩn chung mà các cỡ o mạch chủ khác nhau đều có thể gắn được cùng một loại linh kiện. Ví dụ như bạn có thể gắn cùng CPU, RAM, nguồn và ổ cứng giống nhau vào tất cả các chuẩn kích thước bo mạch chủ này. 

Tuy nhiên sự khác biệt về kích thước cũng mang đến những điểm thú vị trong cách mà bạn chọn bo mạch chủ vì chúng sẽ ảnh hưởng nhiều đến hình dạng cũng những như một số tính năng nhất định của toàn hệ thống.

  • Các dàn PC bình dân, tầm trung ráp sẵn tại các cửa hàng máy tính đa số sử dụng bo mạch cỡ micro-ATX. Những chiếc bo có giá mềm nhất thường nằm ở size này nên họ ráp như vậy để dàn máy có mức giá tối ưu hơn. Tương tự, nếu bạn đang muốn build một dàn PC giá mềm nhưng hiệu năng cao thì nên chú ý các mẫu bo mạch chủ micro-ATX nhé.
  • Cỡ mini-ITX thường được sử dụng để ráp những dàn PC siêu nhỏ gọn. Tuy nhiên cũng khá hạn chế về vụ cổng cắm, thường thì chúng chỉ cắm được 2 thanh RAM và 1 card PCIe duy nhất.
  • Các mẫu bo mạch size từ ATX trở lên thường được dùng cho các dàn PC to bự. Chúng thường có bộ cổng cắm rất đầy đủ, khe cắm cũng nhiều do diện tích lớn.

Bạn cũng nên lưu ý một điểm nữa là khi chọn case cho dàn PC, hãy để ý xem nó có vừa với size bo mạch của mình hay không nhé. Case quá to thì nhìn rất lạc lõng mà còn chiếm không gian, còn case quá nhỏ thì bỏ vô không vừa.

Chipset và socket

Chipset: Quyết định những tính năng cơ bản của bo mạch

Các mẫu bo mạch chủ thường có tên khá dài, trong đó thì có một cụm gồm chữ trước số sau. Ví dụ như ASUS TUF GAMING Z590-PLUS WIFI thì trong đó có Z590 là tên chipset. ASUS là tên hãng, TUF là tên thương hiệu, còn PLUS WIFI là tính năng phụ trợ (ở đây là tích hợp Wi-fi). Nghe thì rắc rối vậy thôi chứ nhìn riết là quen à.

Hiểu một cách đơn giản thì chipset là một cụm, một hệ thống các con chip, vi mạch trên bo mạch chủ, làm việc với nhau một cách nhất quán, quyết định những tính năng cơ bản của bo mạch chủ. Nếu CPU là bộ não thì Chipset cũng giống như tủy sống vậy. Chipset đóng vai trò là cầu nối trung gian giữa các phần của hệ thống PC lại với nhau cũng như với các kết nối bên ngoài. Đồng thời nó cũng quyết định luôn tính năng của bo mạch chủ mang nó, ví dụ như bo mạch chủ dòng B Intel thì không thể ép xung như dòng Z Intel.

Hiện tại, đối với Intel, họ có một số những dòng chipset trên PC phổ biến như H, B, Z, X.

  • H Là dòng main phổ thông, bị hạn chế một số tính năng để ưu tiên về mức giá.
  • B Là main tầm trung và được tích hợp tương đối đầy đủ tính năng và công nghệ của các nhà sản xuất.
  • Z Là dòng main cao cấp, có hiệu năng mạnh mẽ, có hỗ trợ ép xung và thường được dùng chung với những CPU cao cấp có khả năng ép xung.
  • X Là dòng main đặc biệt, thường có chuẩn socket khác hẳn với những dòng còn lại trong cùng một thế hệ. Dòng X có thể xem là “Trùm cuối” trong các dòng bo mạch chủ và thường đi chung với những CPU rất mạnh.

Với AMD, tên các chipset có thể chia làm 3 dòng A, B và X

  • A Là dòng main phổ thông, đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của người dùng AMD.
  • B Là dòng main bình dân, thường được hỗ trợ các công nghệ mới ở mức tương đối, có hỗ trợ ép xung.
  • X thì chia làm 2 dạng, những chipset như X370/470/570 là bo mạch chủ cao cấp hướng đến đối tượng người dùng phổ thông. X399 là dành cho nền tảng HEDT, có chuẩn socket riêng, được thiết kế để đi chung với những con CPU cực mạnh mà người thường sẽ chẳng bao giờ cần đến.

Socket: Quyết định bo mạch tương thích CPU gì

Chipset cũng do các nhà sản xuất CPU như Intel và AMD tạo ra. Họ đưa chúng cho các nhà sản xuất bo mạch chủ để làm ra các mainboard hỗ trợ CPU của họ, có các tính năng mà họ muốn. Một chipset sẽ chỉ hỗ trợ cho một vài thế hệ CPU mà thôi. Để người dùng không cắm bậy bạ cùng nhiều lý do khác thì AMD và Intel sẽ đổi socket mỗi vài năm một lần. CPU nào có cùng chuẩn socket với bo mạch chủ của bạn thì chúng nó sẽ tương thích với nhau thôi.

Tuy nhiên bạn còn cần lưu ý chipset của bo mạch chủ có tương xứng với CPU mà bạn định gắn hay không nhé, không nên chênh lệch nhiều quá. Ví dụ con CPU Core i9 10900K thì nên đi với bo mạch chipset Z490, gắn vào bo B460 cũng được nhưng sẽ không thể phát huy hết hiệu năng.

Các khe cắm

Khe RAM

Thường thì khe RAM sẽ nằm dọc, bên phải khu vực socket-CPU (trừ mấy con main quái dị của EVGA). bo mạch chủ chuẩn mini-ITX sẽ có 2 khe cắm RAM. Micro-ATX thì tùy mẫu, thường sẽ có 2 hoặc 4 khe RAM. Còn bo cỡ ATX mà dùng chipset phổ thông dòng H, B, Z thì sẽ có 4 khe. Riêng các mẫu ATX mang chipset khủng hơn thì sẽ có 8 hoặc nhiều khe RAM hơn.

Khe PCIe

Các khe này sẽ nằm ngang, bên dưới khu vực CPU chúng có nhiệm vụ kết nối bo mạch với các loại card add-on, ví dụ như card đồ họa, card Wi-fi, SSD dạng card PCIe…

Khe M.2

Khe M.2 là một loại khe mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Nó được dùng để cắm SSD M.2 PCIe NVMe (tốc độ cao) hoặc SSD M.2 SATA (tốc độ như chuẩn SATA thông thường). Các bo mạch cỡ mini-ITX thường có 1 khe, các cỡ lớn hơn thì sẽ có nhiều hơn.

VRM

VRM (Voltage Regulator Module) – Tạm dịch sang tiếng Việt là “mô-đun điều chỉnh điện áp”. VRM là một hệ thống các IC, đèn mosfet, tụ điện,… làm nhiệm vụ chuyển đổi, kiểm soát và điều phối dòng điện chạy trong bo mạch chủ. VRM càng xịn thì càng cung cấp được dòng điện mạnh, ổn định và ít nhiễu cho CPU và một số linh kiện khác. Thường thì những dòng bo mạch chủ càng cao cấp, đắt tiền thì sẽ có một dàn VRM càng mạnh mẽ và tinh vi.

OK, bao nhiêu đó là đủ rồi đấy


Trên đây là những thứ cơ bản nhất về bo mạch chủ. Tuy không đủ để mấy bạn có thể phi thẳng ra cửa hàng và lựa chọn như một chuyên gia nhưng ít nhất thì nó cũng có thể giúp mấy bạn xây dựng kiến thức nền về bo mạch chủ – một linh kiện rất quan trọng trong dàn PC. Hy vọng bài này hữu ích với mấy bạn. 

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360