Đó là một câu hỏi nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn nhưng trên thực tế là nó đã được ứng dụng trong kỹ thuật quân sự rồi đấy các bạn ạ. Thực hư như thế nào thì mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé

Bây giờ bạn hãy thử tưởng tượng là có một quả tên lửa đang bay rất nhanh, đột nhiên nó đâm sầm xuống nước. Giả sử như nó không tan xác do lực va chạm với mặt nước ở tốc độ cao thì bạn nghĩ tên lửa sẽ bị nước dập tắt hay tiếp tục “bay” dưới nước? Hồi nhỏ mình cũng thắc mắc câu này và đã tìm được lời giải. Bây giờ tự nhiên mình nhớ lại và thấy cũng hay hay nên mới viết bài để chia sẻ. Hy vọng bạn đọc của GVN 360 cảm thấy thích.

Tên lửa có thể “bay” dưới nước, miễn là áp suất cho phép

Sở dĩ tên lửa bay được là do lực đẩy được tạo ra từ động cơ tên lửa. Nhiên liệu trong tên lửa khi bốc cháy sẽ từ thể lỏng hoặc thể rắn chuyển sang thể khí và giãn nở thể tích rồi thoát ra ngoài loa phụt phía sau tên lửa với tốc độ cao. Từ đó tạo ra phản lực đẩy tên lửa về phía trước (theo định luật III Newton). Miễn là nhiên liệu còn cháy thì tên lửa sẽ còn bay. Mà sự cháy cần được 3 yếu tố duy trì, đó là nhiên liệu, nhiệt độ và Oxy, mất một trong 3 yếu tố này thì lửa sẽ bị dập. Và miễn là 3 yếu tố này còn đủ thì lửa sẽ không bị dập, động cơ vẫn tạo ra lực đẩy và tên lửa sẽ tiếp tục di chuyển.

Tên lửa nhiên liệu lỏng
Tên lửa nhiên liệu rắn

Khi nhiên liệu cháy, áp suất trong buồng đốt của động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng thường sẽ nằm vào khoảng 150–3000 psi, tương đương gấp 10 đến 200 lần áp suất khí quyển (ATM). Áp suất của nước thì cứ sâu thêm 10m sẽ lại tăng 1ATM. Vậy thì tính ra nếu muốn nước tràn vào buồng đốt của động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng có áp suất 10ATM và dập tắt nó thì bạn phải dìm nó xuống độ sâu 100m. Động cơ mạnh hơn với áp suất 200ATM thì bạn sẽ phải dìm nó xuống tận 2km dưới mặt nước thì nó mới tắt được.

Đối với động cơ tên lửa nhiên liệu rắn thì mình không tìm được số liệu cụ thể nhưng về nguyên lý thì vẫn vậy. Miễn là còn ở độ sâu cho phép thì nó vẫn hoạt động được và vẫn có thể đẩy tên lửa đi. Thế nên chúng ta có thể kết luận là tên lửa hoàn toàn “bay” được dưới nước. Về vấn đề Oxy đâu ra mà đốt thì tên lửa nhiên liệu lỏng sẽ mang sẵn Oxy (thường là dạng lỏng) theo để đốt, còn nhiên liệu rắn thì bản thân nhiên liệu khi cháy sẽ giải phóng Oxy.

Người Nga đã có “tên lửa bay dưới nước” từ lâu rồi

Bạn hàng vũ khí lâu năm của Việt Nam – Liên Bang Nga – đã chế tạo thành công những quả “tên lửa bay dưới nước” từ năm 1977 rồi. Chính xác hơn thì nó được gọi là ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval. Về cơ bản thì đây là những quả tên lửa nhiên liệu rắn được thiết kế để hoạt động dưới nước, chuyên dùng để đánh chặn ngư lôi từ tàu ngầm hạt nhân đối phương và các mục tiêu tiếp cận nhanh.

Ngoài động cơ tên lửa, VA-111 Shkval còn có có cụm loa xả phản lực ở mũi, cho phép nó tạo ra một bong bóng khí khổng lồ rồi di chuyển trong bong bóng đó, mục đích là để giảm ma sát với nước. Kết quả là người Nga đã tạo ra một quả ngư lôi có tốc độ lên đến 370km/s, hoặc bạn có thể gọi nó là tên lửa dưới nước luôn cũng được.

Tuy nhiên điểm hạn chế của loại ngư lôi này là nó quá ồn ào nên dễ làm lộ vị trí từ tàu ngầm phóng nó, tầm bắn của phiên bản đầu tiên cũng quá ngắn, chỉ tầm 7km. Thêm nữa là nó chỉ có thể hoạt động ổn định ở độ sâu không quá 30m. Phiên bản Shkval 2 mới hơn có các thông số kỹ thuật cao hơn, tuy nhiên nhược điểm chết người thì vẫn y như cũ. 

Trên đây là cách trả lời và ví dụ thực tế của mình cho câu hỏi “tên lửa có bay dưới mặt nước được không?”. Hy vọng đã mang đến được cho bạn đọc GVN 360 những thông tin thú vị để chém gió với bạn bè của mình.

Tham khảo: Wikipedia VA-111 Shkval, Liquid-propellant rocket, Rocket engine

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360